Phát huy tính ưu việt của tín dụng chính sách xã hội

Thời gian qua, thực hiện Nghị định số 78/2002/ NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội khác (Nghị định 78), tỉnh Quảng Trị đã thu được nhiều kết quả nổi bật, từng bước khẳng định tín dụng chính sách xã hội là một trong những 'trụ cột' của hệ thống chính sách giảm nghèo, là công cụ, giải pháp quan trọng, góp phần thực hiện có hiệu quả chủ trương về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH thị xã Quảng Trị hướng dẫn người dân các thủ tục vay vốn ưuđãi -Ảnh: H.T

Chị Võ Thị Thành Nhi, ở Khu phố 5, Phường 2, thị xã Quảng Trị là một trong những hộ đã sử dụng hiệu quả vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế gia đình. Được biết, trước đây chị Nhi phải đi làm ăn xa trong một khoảng thời gian dài để trang trải cuộc sống. Năm 2019, chị lập gia đình, trở về quê hương và bắt đầu khởi nghiệp với mô hình trồng nấm. Thời gian đầu, do nguồn vốn hạn hẹp, lại thiếu kinh nghiệm nên mô hình sản xuất của gia đình chị chưa thực sự hiệu quả. Thông qua Hội LHPN Phường 2, chị Nhi được hỗ trợ vay 50 triệu đồng nguồn vốn vay giải quyết việc làm từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) thị xã để đầu tư lán trại, trang thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất.

Đến nay, mỗi ngày, trại nấm của gia đình chị Nhi xuất ra thị trường từ 40 - 50 kg nấm các loại, mang lại thu nhập trên 30 triệu đồng mỗi tháng. Trại nấm của chị Nhi còn tạo việc làm thường xuyên cho 7 - 10 lao động với mức tiền công từ 2,5 - 3 triệu đồng/tháng.

“Từ những khó khăn ban đầu do thiếu vốn để phát triển sản xuất, nhờ được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng CSXH mà kinh tế gia đình tôi ngày càng được nâng lên. Tôi mong muốn thời gian tới sẽ tiếp tục được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi này để mở rộng diện tích trồng nấm, tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương”, chị Nhi chia sẻ.

Không chỉ hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi để người dân phát triển sản xuất, kinh doanh, các đối tượng là sinh viên có hoàn cảnh khó khăn cũng được tiếp sức thông qua nguồn vốn vay học sinh, sinh viên của ngân hàng CSXH để viết tiếp ước mơ trên giảng đường đại học.

Chị Nguyễn Thị Trinh, ở thôn Tam Hiệp, xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ chia sẻ: “Năm 2016, khi con gái tôi là cháu Nguyễn Thị Duyên trúng tuyển vào Trường Đại học Quy Nhơn, vợ chồng tôi vừa mừng, vừa lo vì không biết lấy đâu ra số tiền lớn để đóng học phí cho con. Thế nhưng, nỗi lo của vợ chồng tôi được giải tỏa khi được cán bộ phụ trách tổ tiết kiệm và vay vốn địa phương hướng dẫn và giúp gia đình tiếp cận nguồn vốn vay học sinh, sinh viên của Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Cam Lộ. Hiện con tôi đã ra trường, có việc làm, thu nhập ổn định và đã hoàn thành việc trả nợ ngân hàng. Gia đình tôi rất biết ơn chính sách nhân văn này. Vì nếu không có nguồn vốn ấy, việc theo học lên bậc đại học, cao đẳng của con em chúng tôi sẽ rất nhọc nhằn, có thể gián đoạn bất cứ lúc nào”.

Với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành và hệ thống chính trị, nhất là từ sau khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, việc tổ chức triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định 78 trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nổi bật.

Từ hoạt động vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh với thủ tục đơn giản, mức vay và phương thức trả nợ phù hợp, lãi suất ưu đãi, thời gian dài..., người nghèo và các đối tượng chính sách đã dần thay đổi nhận thức theo hướng tích cực, sử dụng vốn có trách nhiệm, trả nợ đúng hạn, tạo được việc làm, tăng thu nhập, nhất là tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nguồn vốn được bảo toàn và phát huy hiệu quả.

Chỉ tính riêng năm 2023, gần 30 nghìn khách hàng là hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội với tổng dư nợ đạt 4.768 tỉ đồng, tăng 886 tỉ đồng so với năm 2022, tốc độ tăng trưởng đạt 22,8%, là năm có số tăng trưởng tuyệt đối và tốc độ tăng trưởng cao nhất trong vòng 21 năm qua, hoàn thành 100% kế hoạch được giao.

Tổng nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt 4.777,3 tỉ đồng, trong đó, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác cho vay đạt 184,2 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng 3,9% tổng nguồn vốn, tăng 26,3 tỉ đồng so với năm 2022, hoàn thành 131,5% kế hoạch trung ương giao.

Đặc biệt, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị- xã hội thực hiện hiệu quả các nội dung ủy thác trên cơ sở các văn bản thỏa thuận, văn bản liên tịch được ký kết giữa các bên, để chuyển tải kịp thời nguồn vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, hỗ trợ tối đa cho người nghèo và giúp các đối tượng chính sách dễ dàng tiếp cận được dịch vụ tín dụng ưu đãi.

Chất lượng công tác ủy thác ngày càng được nâng cao, dư nợ ủy thác qua 4 tổ chức chính trị- xã hội nhận ủy thác đạt 4.752,6 tỉ đồng, chiếm 99,7% tổng dư nợ, tăng 883,4 tỉ đồng so với đầu năm, tương đương 22,8%; nợ quá hạn 2,15 tỉ đồng, chiếm tỉ lệ 0,05%/tổng dư nợ.

Trước yêu cầu phát triển của tỉnh trong tình hình mới, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH tỉnh xác định tiếp tục tham mưu thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quyết định số 1630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Công văn số 1277-CV/TU ngày 15/9/2023 của Tỉnh ủy về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội.

Trong đó, tiếp tục quan tâm, ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua ngân hàng CSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia tại địa phương. Triển khai thực hiện tốt công tác huy động tiền gửi từ các tổ chức, cá nhân nhằm đảm bảo duy trì ổn định, có hiệu quả hoạt động nhận tiền gửi của người dân tại điểm giao dịch xã và tại trung tâm.

Tập trung nâng dần mức tiền gửi tiết kiệm thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn hằng tháng để người vay vốn trả nợ ngân hàng khi đến hạn phân kỳ, đồng thời có các giải pháp quản lý tốt các chỉ tiêu theo quy định. Tiếp tục tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, đặc biệt chú trọng công tác giám sát từ xa nhằm hạn chế tối đa phát sinh các sai sót, tồn tại, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương ngày càng phát triển.

Hà Trang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/phat-huy-tinh-uu-viet-cua-tin-dung-chinh-sach-xa-hoi/183018.htm