Phát huy sức sáng tạo của công nhân lao động Thủ đô

Phong trào thi đua lao động giỏi, phấn đấu đạt danh hiệu 'Công nhân giỏi Thủ đô' do tổ chức Công đoàn phát động đã và đang có sức lan tỏa sâu rộng, thu hút đông đảo công nhân lao động tham gia. Qua phong trào, đã khích lệ, động viên công nhân lao động phát huy sức sáng tạo trong lao động sản xuất, góp phần vào sự phát triển chung của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, Thủ đô và đất nước.

Khẳng định giá trị của người lao động tại doanh nghiệp

Trong không khí hân hoan chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế Lao động (1/5), chào mừng Tháng Công nhân, Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2024, chúng tôi có dịp đến thăm một số doanh nghiệp và gặp gỡ những “Công nhân giỏi Thủ đô” năm 2024 sẽ được Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội tuyên dương trong tháng 5 tới đây. Một trong số đó là chị Dương Quỳnh Nga, chuyền trưởng chuyền may 3 tại Công ty TNHH sản xuất dịch vụ thương mại sản phẩm da Ladoda.

LĐLĐ thành phố Hà Nội tuyên dương “Công nhân giỏi Thủ đô” năm 2023.

Gắn bó với Công ty TNHH sản xuất dịch vụ thương mại sản phẩm da Ladoda đến nay đã 28 năm, trong suốt thời gian đó, chị Nga luôn nỗ lực phấn đấu trong công việc, chủ động tìm tòi, học hỏi để hoàn thiện, nâng cao kỹ năng tay nghề của bản thân. Nếu như, trong một dây chuyền sản xuất, mỗi công nhân chỉ phụ trách một công đoạn thì chị Nga là người nắm rõ và làm được tất cả mọi công đoạn. Chị luôn hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất Công ty giao, năng suất lao động luôn vượt mức từ 110% đến 125%. Hiện tại, tay nghề của chị Nga đã đạt bậc 6/6.

Từ thực tiễn công việc, chị Nga đã có nhiều sáng kiến, sáng tạo để nâng cao năng suất lao động. Chia sẻ về những sáng kiến cải tiến gần đây của bản thân, chị Nga cho biết, chuyền may 3 được phân công chuyên may các sản phẩm như: Túi đựng cát, nẹp xương y tế xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ và những sản phẩm có tính chất khó, phức tạp như: Ba lô du lịch, cặp chống gù cho học sinh... Đây đều là những sản phẩm mà thị trường hiện nay rất ưa chuộng, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Tuy nhiên, để sản xuất được những sản phẩm này đòi hòi người công nhân phải có kỹ thuật cao.

“Khi bắt đầu sản xuất các loại sản phẩm này, nhiều thao tác công nhân làm còn rất lúng túng, công nghệ kỹ thuật chưa hoàn chỉnh. Nhận thấy điều đó, bản thân tôi đã cố gắng nghiên cứu cải tiến từng công đoạn sản xuất sao cho công nhân làm một cách dễ dàng và đạt năng suất cao. Cụ thể, tôi đã nghiên cứu và hoàn thiện công nghệ lắp ghép vào hộp của sản phẩm, làm tăng năng suất của công đoạn này lên 125% so với định mức mà phòng kỹ thuật của Công ty hướng dẫn; tiết kiệm chi phí trên 100 triệu đồng cho Công ty và tiết kiệm nhân công sản xuất”, chị Nga vui mừng chia sẻ.

Ngoài ra, theo chị Nga, khi chuyền may 3 được giao nhiệm vụ sản xuất cặp phục vụ lực lượng Cảnh sát giao thông tuần tra kiểm soát và bao da đựng súng. Đây là sản phẩm đặc chủng, rất phức tạp, đòi hỏi kỹ thuật cao, nguyên liệu bằng da thật nên may rất khó và phức tạp. Nhưng vì lòng đam mê nghề nghiệp, chị đã cùng phòng kỹ thuật của Công ty nghiên cứu công nghệ sản xuất, kỹ thuật lắp ráp sản phẩm và đề xuất làm các dụng cụ gá lắp để người công nhân dễ làm, đạt được năng suất cao và chất lượng sản phẩm tốt. Vì vậy, năng suất của chuyền may 3 đạt rất cao, hằng tháng luôn vượt năng suất từ 115% đến 125%.

Tại Công ty TNHH MTV chiếu sáng và thiết bị đô thị Hà Nội, kỹ sư Nguyễn Văn Tiệp được Ban lãnh đạo Công ty đánh giá là một người có năng lực và luôn tích cực tham gia các phong trào do Công ty và Công đoàn các cấp triển khai. Năm 2023, trong bối cảnh ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, anh Tiệp được Công ty giao trọng trách là đầu mối tiếp nhận các đơn hàng để triển khai sản xuất. Anh cùng đồng nghiệp thực hiện thành công hơn 540 đơn hàng từ các đơn vị kinh doanh, gián tiếp triển khai sản xuất thành công hơn 14.000 cột thép và gần 21.000 các sản phẩm cần đèn và sản phẩm khác. Sản lượng những tháng cuối năm đạt hơn 230 tấn sản phẩm, đặc biệt có lô 10 cột thép chiếu sáng nâng hạ xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

Ngoài đảm nhận việc phụ trách thiết kế, giám sát kỹ thuật thi công các cột đèn tại Công ty, anh Tiệp còn không ngừng trau dồi kiến thức, tích cực tham gia các hội thi thợ giỏi. Với những nỗ lực của bản thân, anh Tiệp đã đạt giải Nhất Hội thi thợ giỏi ngành Xây dựng nghề vẽ trên máy tính, giải Khuyến khích nghề vẽ trên máy tính Hội Thi thợ giỏi thành phố Hà Nội lần thứ 2. Không chỉ là một người thợ giỏi, tâm huyết với công việc, anh Tiệp còn tận tình giúp đỡ đồng nghiệp, không ngừng truyền cảm hứng trong lao động sản xuất, tìm tòi sáng tạo. Anh đã tự soạn giáo án chương trình đào tạo nâng cao việc đọc hiểu bản vẽ gia công sản phẩm cho công nhân phân xưởng cấu kiện thép và được phản hồi rất tích cực.

Tại Công ty cổ phần dược phẩm Hà Tây, anh Nguyễn Hoàng Long - Tổ trưởng Tổ pha chế thuốc viên, được biết đến với người luôn tận tâm với nghề, có nhiều sáng kiến để tạo ra những dược phẩm chất lượng cao. Với phương châm “coi sức khỏe của bệnh nhân như sức khỏe của chính người thân yêu nhất của mình”, anh Long luôn nỗ lực mang các kiến thức y khoa mình có được để chế tạo ra những dược phẩm chất lượng, giá thành hợp lý, giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp.

Phong trào thi đua lao động giỏi, phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô” đã và đang thu hút đông đảo công nhân lao động tham gia.

Một trong những sáng tạo tâm đắc nhất của anh Long là mặt hàng Canhkimol - một sản phẩm rất khó làm vì là chế phẩm có chứa hàm lượng lớn Paracetamol, Cafein và cao Canhkina. Anh Long chia sẻ: “Bản thân Paracetamol làm nên viên nén đã khó, để tạo thành hạt cải đồng đều để đóng nang và đạt độ ổn định lại càng khó hơn bởi sản phẩm có 2 màu là 2 hạt có chứa thành phần tỷ lệ hoạt chất và tá dược khác nhau. Trong quá trình làm việc, tôi đã mạnh dạn đề xuất với lãnh đạo phân xưởng tách riêng 2 nồng độ tá dược dính dùng riêng cho 2 loại hạt. Kết quả sản phẩm đạt độ đồng đều khi đóng nang và giảm hư hao trong quá trình pha chế”.

Với vai trò Tổ trưởng, anh Long luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy sáng kiến, cải tiến lề lối làm việc, đưa ra những giải pháp, xây dựng kế hoạch, phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên trong tổ, thường xuyên hướng dẫn, nhắc nhở mọi người thực hiện đúng nguyên tắc trong khi pha chế để chất lượng sản phẩm được đảm bảo, an toàn trong khi sản xuất. Bên cạnh đó, anh tích cực tham gia các hoạt động Công đoàn và phong trào thi đua của phân xưởng. Nhiều năm liền, anh Long đạt danh hiệu lao động tiên tiến và cá nhân tiêu biểu xuất sắc, được Công ty khen thưởng.

Kịp thời động viên, khen thưởng công nhân giỏi

Theo LĐLĐ thành phố Hà Nội, trong những năm qua, phong trào thi đua lao động giỏi, phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô” đã được các cấp Công đoàn và công nhân lao động Thủ đô tích cực triển khai, hưởng ứng. Phong trào đã thực sự đi vào chiều sâu và có ý nghĩa lan tỏa sâu sắc, danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô” là niềm tự hào và mục tiêu phấn đấu của đông đảo công nhân lao động.Tính đến nay, LĐLĐ thành phố Hà Nội đã tổ chức 15 lần tuyên dương “Công nhân giỏi Thủ đô” và đã công nhận cho 1.889 công nhân đạt danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô”. Đây đều là những trường hợp được xét chọn từ LĐLĐ các quận, huyện, thị xã, Công đoàn ngành và Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc LĐLĐ Thành phố.

“Công nhân giỏi Thủ đô” được tuyên dương hiện hữu trên mọi lĩnh vực, ở tất cả các lứa tuổi. Hầu hết các cá nhân đạt danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô” đều là những người miệt mài trong lao động, không ngừng nâng cao trình độ mọi mặt để tiếp cận, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, phát huy nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật có giá trị cao; quan tâm chăm lo bồi dưỡng, kèm cặp, truyền thụ kinh nghiệm quý báu được tích lũy của cuộc đời làm thợ cho những thế hệ công nhân kế tiếp.

Các cá nhân đạt giải thưởng luôn sống, lao động, cống hiến với những suy nghĩ giản đơn là làm tốt công việc, làm những gì hữu ích cho doanh nghiệp, cho Thủ đô là trách nhiệm tự nhiên của người lao động. Từ những cống hiến vì sự phát triển tại đơn vị, đã có nhiều công nhân được đề bạt giữ những chức vụ lãnh đạo quản lý doanh nghiệp.

Chị Dương Quỳnh Nga - chuyền trưởng chuyền may 3 tại Công ty TNHH sản xuất dịch vụ thương mại sản phẩm da Ladoda hướng dẫn đồng nghiệp trong công việc.

Từ những năm đầu phát động, số doanh nghiệp hưởng ứng và công nhân lao động được công nhận danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô” chủ yếu tập trung tại doanh nghiệp Nhà nước và Công ty Cổ phần có vốn Nhà nước chi phối. Đến nay, số công nhân lao động đạt danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô” tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp ngoài Nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Kể từ khi phát động phong trào “Công nhân giỏi Thủ đô” đến nay, hằng năm Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội đều tổ chức trọng thể lễ tuyên dương “Công nhân giỏi Thủ đô” nhằm tạo sự lan tỏa đến các doanh nghiệp, các cấp, các ngành cùng tổ chức Công đoàn chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong công nhân, viên chức, lao động Thủ đô, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, chỉ tiêu sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và đất nước.

Theo LĐLĐ thành phố Hà Nội, đối tượng được xét tặng danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô” phải đáp ứng các tiêu chí: Là người có trình độ, tay nghề giỏi nhất trong từng nghề tại cơ sở hoặc là người đạt giải cao nhất Hội thi tay nghề, thi thợ giỏi, bàn tay vàng của doanh nghiệp và các cấp Công đoàn tổ chức; liên tục hoàn thành tốt nhiệm vụ, lao động đạt năng suất, chất lượng cao, thực hiện đúng quy trình công nghệ, quy phạm kỹ thuật, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; gương mẫu chấp hành nghiêm nội quy, kỷ luật lao động của đơn vị, doanh nghiệp và chính sách pháp luật của Nhà nước…

Mai Quý

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/phat-huy-suc-sang-tao-cua-cong-nhan-lao-dong-thu-do-169615.html