Phát huy nội lực chuyển đổi số của hợp tác xã

Xác định chuyển đổi số trong khu vực kinh tế tập thể (KTTT) có ý nghĩa hết sức quan trọng, thời gian qua, Liên minh hợp tác xã (HTX) tỉnh đã tăng cường các hoạt động hỗ trợ các HTX ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động, qua đó tạo sự đột phá trong sản xuất, kinh doanh.

Liên minh HTX tỉnh phối hợp với Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường thuộc Liên minh HTX Việt Nam tổ chức tập huấn “Nâng cao năng lực cho thành viên HTX và đồng bào DTTS và miền núi” năm 2023 tại huyện Tân Sơn.

Đến nay, toàn tỉnh có 572 HTX đang hoạt động, tạo việc làm cho khoảng 110 nghìn lao động. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX ổn định, doanh thu bình quân của một HTX ước đạt 3,3 tỉ đồng/HTX; lợi nhuận bình quân của một HTX đạt gần 240 triệu đồng/năm, tăng 12% so với năm 2022.

Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh, thực trạng chuyển đổi số của các HTX trên địa bàn tỉnh ở từng lĩnh vực có sự khác nhau. Qua rà soát, đã có 45 HTX trong lĩnh vực, nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ứng dụng công nghệ chuyển đổi số trong sản xuất và trên 70% HTX ứng dụng mạng xã hội để giới thiệu quảng bá sản phẩm. Điều kiện về trang thiết bị công nghệ thông tin của một số HTX cơ bản đáp ứng yêu cầu để áp dụng phần mềm quản lý dữ liệu và truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, có khả năng đáp ứng việc nâng cấp, ứng dụng công nghệ số và cập nhật phần mềm quản lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm... vào sản xuất nông nghiệp.

Thành viên của HTX Sản xuất và Kinh doanh Bưởi Chí Đám, xã Chí Đám, huyện Đoan Hùng sử dụng sàn điện tử để bán hàng trực tuyến

Đồng chí Vũ Thị Minh Tâm - Phó Chủ tịch Thường trực Liên minh HTX tỉnh cho biết: Liên minh HTX tỉnh đã tiếp tục tập trung tuyên truyền, thay đổi nhận thức về chuyển đổi số trong phát triển HTX cho đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước về KTTT, HTX các cấp, cán bộ chủ chốt, thành viên của HTX. Đồng thời, tổ chức các chuyên đề, hội thảo về chuyển đổi số; tổ chức tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu các mô hình HTX trong và ngoài tỉnh thực hiện chuyển đổi số thành công. Đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ để HTX thật sự làm vai trò cầu nối, dẫn dắt thành viên trong sản xuất, quảng bá, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm.

HTX Chè an toàn Long Cốc, huyện Tân Sơn là đơn vị tiên phong của tỉnh Phú Thọ sử dụng tem “Vẫn niêm phong” – loại tem đối chứng, dựa trên cơ sở vân tay của 3 bên gồm: Nhà phân phối; nhà sản xuất và chủ sở hữu tem.

Năm 2023, Liên minh HTX tỉnh đã hỗ trợ 13 dự án, chương trình cho 13 HTX ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ mới; phối hợp tổ chức tập huấn cho trên 2.000 lượt học viên là đối tượng cán bộ quản lý, thành viên, người lao động trong HTX về quản trị HTX, kê khai thuế điện tử, kỹ năng điện tử, tuyên truyền, quảng bá xúc tiến thương mại, ứng dụng chuyển đổi số...; hỗ trợ, tư vấn thành lập mới 11 HTX với tổng kinh phí là 110 triệu đồng. Sản phẩm của các HTX tiếp tục được quan tâm, giới thiệu, quảng bá rộng rãi trên các kênh thông tin, tuyên truyền. Có trên 250 lượt HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác tham gia trưng bày tại các hoạt động xúc tiến thương mại và sự kiện chính trị, xã hội cả trong và ngoài tỉnh thông qua các hội chợ, hội thảo, hội nghị. Hỗ trợ vận hành, duy trì hoạt động các gian hàng của 50 HTX với 115 sản phẩm, dịch vụ hàng hóa trên sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) tỉnh Phú Thọ: giaothuong.net.vn. Thông qua các chương trình hỗ trợ phát triển khoa học, công nghệ trên địa bàn tỉnh, nhiều HTX đã được tiếp cận, chuyển giao các tiến bộ, khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, công nghệ cao thân thiện với môi trường,..., tạo chuyển biến trong tư duy về phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, tác động nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của HTX.

Là một trong những HTX đi đầu trong việc chuyển đổi số, HTX Mì gạo Hùng Lô, xã Hùng Lô, TP Việt Trì đã đưa các sản phẩm mì gạo của mình lên các trang mạng xã hội, sàn TMĐT Postmart, Shopee, Lazada, Tiki.... Mỗi tháng, HTX sản xuất khoảng 40 đến 50 tấn mì các loại và đều đặn xuất bán ra thị trường trong nước. Đặc biệt, thông qua mạng xã hội, sàn TMĐT, HTX đã tiếp cận được các khách hàng quốc tế, chính vì vậy thị trường tiêu thụ đa dạng, không có tình trạng hàng tồn do không tiêu thụ được.

Các sản phẩm OCOP của tỉnh được bán trên sàn thương mại điện tử giaothuong.net.vn

Ông Mohammad Naeen, Giám đốc Công ty Netherland All 4 Trade, Pakistan cho biết: Thông qua sàn giao dịch TMĐT tôi đã biết đến sản phẩm mì gạo. Tôi đánh giá chất lượng của sản phẩm này rất là tốt và mong muốn sẽ mang được sản phẩm này đến với thị trường Châu Âu theo các kênh phân phối chúng tôi đã có sẵn đã làm thương hiệu từ rất lâu năm rồi. Ngoài ra, tôi cũng sẽ đưa sản phẩm này về các nước Ả rập và Pakistan.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trên thực tế, số lượng HTX chuyển đổi số vẫn còn ít, việc chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều HTX vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Trong đó, nhiều HTX nguồn lực hạn chế nên chưa đầu tư được trang thiết bị máy móc hiện đại để phục vụ sản xuất, kinh doanh, chưa hiểu rõ cách thức triển khai thực hiện chuyển đổi số trong khâu sản xuất; việc tổ chức sản xuất đa phần vẫn theo phương thức truyền thống, sản xuất quy mô nhỏ lẻ, hạ tầng công nghệ lạc hậu, trình độ nguồn nhân lực hạn chế...

“Trong thời gian tới, Liên minh HTX tiếp tục đồng hành với các HTX trong quá trình quản lý, điều hành phát triển KTTT, tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ HTX trong quá trình thực hiện chuyển đổi phù hợp với yêu cầu thị trường. Hỗ trợ nâng cao năng lực điều hành HTX, nhất là chú trọng hỗ trợ các HTX phát huy nội lực để chuyển đổi số, giúp nâng cao hiệu quả trong quá trình quảng bá, sản xuất kinh doanh, quản lý HTX, cải tiến kỹ thuật, áp dụng các tiến bộ trong chế biến, sản xuất, tạo nhiều sản phẩm chất lượng, đạt chuẩn OCOP”, Phó Chủ tịch Thường trực Liên minh HTX tỉnh Vũ Thị Minh Tâm cho biết thêm.

Thanh Trà

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/kinh-te/phat-huy-noi-luc-chuyen-doi-so-cua-hop-tac-xa/201785.htm