Phát huy hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ

Bàn Đạt là xã đặc biệt khó khăn của huyện Phú Bình giai đoạn 2016-2020. Sau 5 năm thực hiện các chương trình, chính sách của Nhà nước hỗ trợ đồng bào dân tộc, Bàn Đạt đã có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng lên.

Ngoài việc được hỗ trợ 3 sào chè, gia đình ông Lục Văn Hòa, xóm Đá Bạc còn được hỗ trợ máy phát điện từ nguồn vốn Chương trình 135 để phục vụ chăn nuôi lợn, gà.

Xã Bàn Đạt có 1.660 hộ với trên 7.000 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 50%, tập trung ở 4 xóm Cầu Mành, Đồng Quan, Bờ Tấc, Đá Bạc. Trong những năm qua, từ Chương trình 135 và Quyết định 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cơ sở hạ tầng của xã ngày càng được hoàn thiện, thu nhập của người dân được nâng lên. Ông Đặng Khắc Đoan, Phó Chủ tịch UBND xã Bàn Đạt cho biết: Để phát huy hiệu quả nguồn vốn Chương trình 135, chúng tôi tập trung ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông tại 4 xóm có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Trong sản xuất xã phát huy những lợi thế của địa phương như chăn nuôi gà đồi, trồng chè.... để hỗ trợ các hộ dân.

Theo đó, giai đoạn 2016-2020, Chương trình 135 đã huy động được hơn 8 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển sản xuất. Qua đó đã có 8 công trình giao thông được xây dựng; gần 200 hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ sản xuất và đã có trên 50% hộ thoát nghèo sau khi được hỗ trợ. Ông Lục Thanh Lâm, Trưởng xóm Đá Bạc cho biết: Từ năm 2016 đến nay, xóm Đá Bạc đã có 50 hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ giống chè với tổng diện tích 18ha. Cùng với đó là các loại máy móc, nông cụ sản xuất nông nghiệp như: Máy bơm nước, máy cày, máy xới đất.... Nhờ đó người dân đã có điều để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Đến nay xóm chỉ còn 52/210 hộ nghèo và cận nghèo, giảm 40 hộ so với năm 2016.

Đơn cử như hộ gia đình ông Lục Văn Hòa, là một trong số những hộ đã thoát nghèo sau khi được hỗ trợ phát triển sản xuất theo Chương trình 135, ông Hòa chia sẻ: Gia đình tôi có 5 nhân khẩu, cả gia đình chỉ trông vào mấy sào ruộng, dù vất vả làm lụng cũng chỉ đủ phục vụ bữa ăn hằng ngày. Năm 2017, gia đình tôi được hỗ trợ giống chè LDP1 từ nguồn vốn Chương trình 135. Gia đình tôi đã chuyển đổi 3 sào trồng dứa kém hiệu quả sang trồng chè. Sau 2 năm chăm sóc, chè đã cho thu hoạch. Năm 2020 gia đình tôi thu được trên 400kg chè búp khô, với giá bán trung bình 100 nghìn đồng/kg.

Cùng với Chương trình 135, thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020, năm 2020 Bàn Đạt có 52 hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu được hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất với tổng nguồn vốn 2,395 tỷ đồng; 6 hộ được hỗ trợ chuyển đổi nghề; 19 hộ được hỗ trợ mua téc nước...

Có thể nói, các chính sách dân tộc hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội, làm thay đổi nhận thức, tạo việc làm, tăng thu nhập giúp bà con từng bước thoát nghèo. Đến nay, xã Bàn Đạt chỉ còn 113 hộ nghèo và 312 hộ cận nghèo (năm 2016 có 705 hộ nghèo và 404 hộ cận nghèo), thu nhập bình quân đầu người đạt trên 36 triệu đồng/người/năm. Qua đó cũng góp phần đưa xã Bàn Đạt đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.

Vũ Công

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/kinh-te/phat-huy-hieu-qua-nguon-von-ho-tro-282243-108.html