Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay

Kế thừa, phát triển, bổ sung từ Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII 'Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc', Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI 'Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước', đặc biệt, Văn kiện Đại hội XIII đã khẳng định tầm tư duy chiến lược của Đảng về 'Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc'.

Với Chủ đề: “Di sản Văn hóa với hội nhập và phát triển”, Festival Huế 2023 với các hoạt động liên tục, kéo dài trong suốt năm, tôn vinh, quảng bá những giá trị đặc sắc của văn hóa Huế và văn hóa Việt Nam. Ảnh: Lê Hoàng

Với quan điểm coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng phát triển đất nước, các văn bản chỉ đạo của Đảng, nhất là Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 đã tạo ra nguồn sinh lực mới, khí thế mới cho sự nghiệp xây dựng, trấn hưng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Vai trò của văn hóa, giá trị nguồn lực con người được phát huy ngày càng hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đảng ta đặc biệt quan tâm đến phát huy giá trị văn hóa, xây dựng phẩm chất, nhân cách của con người: “Lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam làm nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững”.

Phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là phát huy những giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại. Từ 5 phẩm chất của con người Việt Nam được xác định trong Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, Nghị quyết số 33-NQ/TW khóa XI tiếp tục kế thừa và bổ sung 7 phẩm chất cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo. Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định: “Động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.

Thực tế lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc đã minh chứng đầy sức thuyết phục tinh thần yêu nước của dân tộc ta qua các thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Đinh Bộ Lĩnh, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung... Hành trình của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đi từ chủ nghĩa yêu nước chân chính đến chủ nghĩa cộng sản là bước ngoặt quyết định trong cuộc đời và sự nghiệp của Người.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, lòng yêu nước đã nâng lên thành chủ nghĩa yêu nước. Chủ nghĩa yêu nước đã được phát triển lên thành chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Chủ nghĩa yêu nước đã trở thành giá trị văn hóa nổi bật, bao trùm, làm nên sức mạnh của con người Việt Nam.

Chủ nghĩa yêu nước đồng thời cũng là cơ sở để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới thống nhất chủ trương: Bối cảnh tình hình mới cần phải ban hành và tổ chức thực hiện thật tốt Nghị quyết mới của Trung ương về hiệm vụ chiến lược đặc biệt quan trọng là bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Các văn kiện, nghị quyết của Đảng đã tập trung xác định các điểm chỉ đạo đó. Trước đó, Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới nhấn mạnh: “Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN; bảo vệ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và nền văn hóa; giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình để xây dựng, phát triển đất nước theo định hướng XHCN”.

Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ XHCN, nền văn hóa và lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người”; “Củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là nòng cốt”...

Vì vậy, hơn lúc nào hết, chúng ta cần khơi dậy động lực tinh thần to lớn của dân tộc, con người Việt Nam với sức mạnh, nguồn lực nội sinh tổng hợp của trí tuệ, tài năng, phẩm chất đạo đức. Phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam. Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại. Phát huy nhân tố con người và các nguồn lực cho phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội; kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh.

Khơi dậy tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc; phát huy ý chí tự lực, tự cường, truyền thống lịch sử, văn hóa tốt đẹp, phát huy sức mạnh của toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tăng nguồn lực đầu tư lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong hệ thống giáo dục quốc dân. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội đối với nhiệm vụ tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường giáo dục lòng yêu nước, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

Xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới; chú trọng xây dựng con người với nhiều phẩm chất cao đẹp: lòng nhân ái, khoan dung, nghĩa tình, đạo lý, cần cù, sáng tạo, tinh tế... Từng bước vươn lên khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam.

Xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số.

Phát huy sức mạnh văn hóa, con người Việt Nam là nhiệm vụ có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Bích Hồng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/phat-huy-gia-tri-van-hoa-suc-manh-con-nguoi-viet-nam-trong-su-nghiep-xay-dung-va-bao-ve-to-quoc-hien-nay-post472489.html