Phát huy giá trị tài nguyên bản địa để khởi nghiệp thành công

Với ý chí và quyết tâm cao để phát triển kinh tế cho gia đình, tạo công ăn việc làm cho người dân, nhiều thành niên dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã khởi nghiệp thành công từ tài nguyên bản địa. Họ đã khẳng định được thương hiệu riêng và tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho bà con buôn làng.

Nhiều đoàn du khách đăng ký tour trải nghiệm du lịch cộng đồng của anh Y Sôl. Ảnh: Phúc An

Nhiều đoàn du khách đăng ký tour trải nghiệm du lịch cộng đồng của anh Y Sôl. Ảnh: Phúc An

Nhận thấy quê hương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, anh Y Sôl Sruk, dân tộc M'nông ở xã Yang Tao, huyện Lắk đã mạnh dạn cải tạo khu vườn của gia đình thành không gian du lịch. Anh Y Sôl đã dựng 3 căn nhà sàn theo kiểu truyền thống của người M'nông. Cuối năm 2020, không gian du lịch cộng đồng Y Sol House chính thức đi vào hoạt động. Anh Y Sôl giới thiệu các thông tin về buôn làng, nghề gốm thủ công của người M'nông, chú voi thân thiện, không gian văn hóa cồng chiêng và những món ăn đậm chất núi rừng trên mạng xã hội. Du khách ở nhiều địa phương thích thú tìm hiểu và đăng ký tour du lịch cộng đồng của Y Sôl.

Để khai thác tour, anh Y Sôl kết nối với các nhóm bạn, hộ dân nuôi voi, làm gốm thủ công tổ chức các tour đưa khách đến buôn làng, ngắm phong cảnh thiên nhiên và làng nghề truyền thống của người M'nông trên địa bàn huyện Lắk. Sau chuyến trải nghiệm của du khách về Y Sol House để thưởng thức món ăn dân dã, ngủ trong nhà sàn của người M'nông, đến nay, nhà của anh Y Sôl được du khách tìm đến trải nghiệm đều đặn mỗi ngày.

Không chỉ khởi nghiệp cho bản thân, không gian du lịch cộng đồng Y Sol House còn tạo việc làm thường xuyên cho một số lao động tại địa phương với mức thu nhập từ 4,5-5 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, còn giúp nhiều hộ đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Lắk có thêm thu nhập từ nghề truyền thống.

Cũng khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa, anh Y Pốt Niê, dân tộc Ê Đê ở xã Dray Sáp, huyện Krông Ana đã mang “Ê Đê Café” với nguyên liệu và cách pha chế độc đáo của dân tộc mình để giới thiệu ra thế giới và tìm được chỗ đứng trên thị trường quốc tế.

Anh Y Pốt chia sẻ: Từ nhỏ, tôi đã quen hương cà phê mẹ rang trên bếp lửa và thưởng thức ly cà phê đậm vị truyền thống. Tôi đã nuôi dưỡng đam mê chế biến cà phê để nâng cao giá trị của hạt cà phê, giúp bà con buôn làng có thêm thu nhập. Đặc biệt, tôi muốn quảng bá hương vị cà phê truyền thống, phong cách thưởng thức cà phê của đồng bào Ê Đê đến mọi người.

Ê-đê Café đã trở thành thương hiệu cà phê quen thuộc, được nhiều khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng. Ảnh: Phúc An

Ê-đê Café đã trở thành thương hiệu cà phê quen thuộc, được nhiều khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng. Ảnh: Phúc An

Quyết tâm biến ý tưởng thành hiện thực, năm 2019, anh Y Pốt tìm hiểu, tự rang, xay cà phê theo cách dân dã mà đồng bào Ê Đê vẫn làm, rồi đăng bán trên mạng xã hội. Không ngờ vị cà phê của anh nhận được quan tâm, động viên và khích lệ của nhiều người. Đó cũng chính là động lực để anh khởi nghiệp với chế biến cà phê truyền thống.

Anh Y Pốk đã thành lập doanh nghiệp lấy tên gọi Công ty TNHH Ê-đê Café (gọi tắt là Công ty Ê-đê Café) và được Cục Sở hữu trí tuệ ký nhãn hiệu độc quyền. Tìm đầu ra cho sản phẩm, anh Y Pốt tích cực tham gia các triển lãm, hội chợ và sự kiện về nông sản hữu cơ, giới thiệu sản phẩm trên các kênh trực tuyến, mạng xã hội... để tìm thị trường. Một số công ty ở Nhật Bản, các nước Trung Đông cũng đã cử đại diện đến tận nơi tìm hiểu, khảo sát và đặt vấn đề thu mua và hợp tác phát triển cà phê hữu cơ.

Để có vùng nguyên liệu đảm bảo, Công ty Ê-đê Café liên kết với bà con nông dân trong buôn, thu mua cà phê của người dân cao hơn giá thị trường. Đồng thời, vận động bà con trong buôn chuyển đổi hình thức canh tác hữu cơ đảm bảo chất lượng cà phê, đồng hành cùng bà con nông dân tái canh cà phê, nâng cao chất lượng sản phẩm, ổn định sản lượng.

Đến nay, anh Y Pốt đã liên kết với 25 hộ dân trong buôn mở rộng vùng nguyên liệu lên hơn 35ha cà phê Robusta. Ngoài việc thu mua giá cao hơn thị trường 5.000 đồng/kg, anh Y Pốt còn đầu tư vốn và hỗ trợ giống cây ăn quả như sầu riêng, bơ cho bà con xen canh trong vườn cà phê. Hiện, Công ty Ê-đê Café tạo việc làm cho hàng chục lao động phổ thông là người Ê Đê với mức thu nhập trung bình 5 triệu đồng/tháng.

Công ty Ê-đê Café được Viện Nghiên cứu doanh nghiệp vừa và nhỏ cấp giấy chứng nhận “Đạt top 10 - thương hiệu nhãn hiệu uy tín ba miền, sản phẩm dịch vụ chất lượng cao”; được Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk trao Giấy chứng nhận “Sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh” và UBND tỉnh Đắk Lắk cấp Giấy chứng nhận OCOP 4 sao. Hiện nay, sản phẩm của Công ty Ê-đê Café đã vươn xa đến nhiều nước trên thế giới.

Không chỉ Y Sôl, Y Pốk, nhiều thanh niên DTTS trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã mạnh dạn khởi nghiệp và thành công. Họ không chỉ làm giàu chính đáng cho bản thân, gia đình, mà còn giúp bà con buôn làng thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao thu nhập.

Theo anh Y Lê Pas Tơr, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Đắk Lắk, phong trào thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp đã lan tỏa rộng rộng rãi trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, trong đó có thanh niên DTTS. Nhiều thanh niên đã đổi mới tư duy, mạnh dạn đầu tư sản xuất, kinh doanh với nhiều mô hình hiệu quả. Với tư duy đổi mới, khát vọng của tuổi trẻ, nhiều thanh niên DTTS trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk mạnh dạn khởi nghiệp và thành công. Phong trào khởi nghiệp đã mở hướng mới giảm nghèo và phát triển bền vững ở vùng DTTS.

Phúc An

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/phat-huy-gia-tri-tai-nguyen-ban-dia-de-khoi-nghiep-thanh-cong-post471161.html