Phát huy giá trị di tích chúa Nguyễn Hoàng ở Quảng Trị

Phục hồi, phát huy giá trị di tích quốc gia liên quan đến dinh chúa Nguyễn ở Quảng Trị là cấp thiết, để khai thác tiềm năng cho sự phát triển.

Hội thảo khoa học Hệ thống di tích chúa Nguyễn tại huyện Triệu Phong.

Ngày 22/11, UBND huyện Triệu Phong (Quảng Trị) phối hợp Sở Khoa học và Công Nghệ (KH&CN), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) tổ chức Hội thảo khoa học “Hệ thống di tích chúa Nguyễn tại huyện Triệu Phong, những giá trị lịch sử, văn hóa và định hướng bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị di sản”.

Tham dự Hội thảo có đại diện các cơ quan, Sở ngành, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử trong và ngoài tỉnh.

Năm 1558, Nguyễn Hoàng được cử vào trấn thủ xứ Thuận Hóa. Từ đây, ông bắt đầu đứng chân trên vùng đất Ái Tử - Trà Bát thuộc huyện Vũ Xương, châu Thuận (nay là xã Triệu Ái và Triệu Giang, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị).

Theo các tài liệu lịch sử, trong thời gian 68 năm từ năm 1558 đến năm 1626, chúa Nguyễn Hoàng có 3 lần dựng đặt thủ phủ/dinh phủ/dinh trấn của mình tại 3 địa điểm trên đất Ái Tử - Trà Bát: Ái Tử (1558 - 1570) Trà Bát (1570 - 1600) và Dinh Cát (1600 - 1626).

Nguyễn Hoàng và các thế hệ chúa Nguyễn tiếp nối, đã hoàn thành công cuộc khai phá, mở mang bờ cõi, hình thành nước Việt Nam rộng lớn, bao gồm cả đất liền, hải đảo; kể cả hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Tuy nhiên, các di sản văn hóa, lịch sử thời chúa Nguyễn trên vùng đất của huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị ngày càng bị hủy hoại và xóa dấu vết.

Các đại biểu tham gia ý kiến tại hội thảo.

Ông Trần Ngọc Lân – Giám đốc Sở KH&CN cho rằng, những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học của các di tích thời chúa Nguyễn chưa được nhìn nhận và đánh giá tương xứng với vai trò của chúa Nguyễn trong lịch sử.

Vì thế, nghiên cứu Hệ thống di tích chúa Nguyễn tại huyện Triệu Phong - Những giá trị lịch sử, văn hóa và định hướng bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản không chỉ làm cơ sở cho việc lập hồ sơ khoa học và pháp lý công nhận di tích này mang tầm Quốc gia mà còn để phục vụ cho việc quy hoạch, đầu tư, tôn tạo di tích nhằm bảo tồn, sử dụng và khai thác tiềm năng di tích vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Trị, là vấn đề hết sức cấp thiết.

PGS.TS Đỗ Bang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết, Quảng Trị là vùng đất khởi đầu cho sự nghiệp của chúa Nguyễn trong hành trình mở cõi về phương Nam. Tuy nhiên, việc triển khai xây dựng khu di tích trên thực tế vẫn dừng lại ở việc lập đề án.

PGS.TS Đỗ Bang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam trao đổi tại hội thảo.

PGS.TS Đỗ Bang nhấn mạnh, việc triển khai đề án trên là cấp bách, kịp thời không những bảo tồn mà còn phát huy giá trị của di tích trong thực tế, đặc biệt là giá trị về du lịch: du lịch tâm linh, du lịch cội nguồn và du lịch kết nối.

Ông Hoàng Nam – Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao việc huyện Triệu Phong đã quan tâm, chủ động mời các nhà khoa học, nhà nghiên cứu tham gia khảo sát, thám sát khảo cổ một số địa điểm liên quan đến các lỵ sở chúa Nguyễn.

Tháng 10/2022, huyện Triệu Phong khánh thành đền thờ Thái phó Nguyễn Ư Dĩ. Ông được xem là khai quốc công thần, người có nhiều công lao giúp chúa Nguyễn Hoàng dựng nghiệp.

Qua các ý kiến tham luận, thảo luận tại Hội thảo có thể khẳng định từ nhiều góc độ khác nhau, bằng những luận giải khoa học, các đại biểu đã tập trung phân tích, đánh giá, lý giải, đưa ra những ý kiến tâm huyết, góp phần làm sâu sắc thêm những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học về hệ thống di tích Chúa Nguyễn.

Đồng thời, đề xuất các giải pháp nhằm định hướng công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản Chúa Nguyễn Hoàng và hệ thống di sản lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh Quảng Trị gắn với phát triển kinh tế - xã hội thông qua hoạt động du lịch.

Năm 2018, Bộ VH,TT&DL xếp hạng “Các địa điểm liên quan đến dinh chúa Nguyễn (1558-1626)”, xã Triệu Ái, xã Triệu Giang, thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong là di tích quốc gia.

Đăng Đức

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/phat-huy-gia-tri-di-tich-chua-nguyen-hoang-o-quang-tri-post662042.html