Phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số ở Lào Cai

Tỉnh Lào Cai có nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc, là sự hội tụ văn hóa truyền thống của 25 dân tộc anh em. Trong đó, có những loại hình văn hóa vật thể, phi vật thể rất phong phú được kết tinh, chọn lọc và phát huy trở thành tài sản vô giá, tạo sinh kế, giúp cho đồng bào các dân tộc có một cuộc sống tốt hơn.

Tín ngưỡng của người Dao gắn với bộ tranh thờ Tam Thanh và câu chuyện về Bàn Vương. Từ đó, nghề vẽ tranh thờ gắn bó với đồng bào Dao cho đến nay. Ảnh: Ái Vân

Tín ngưỡng của người Dao gắn với bộ tranh thờ Tam Thanh và câu chuyện về Bàn Vương. Từ đó, nghề vẽ tranh thờ gắn bó với đồng bào Dao cho đến nay. Ảnh: Ái Vân

Di sản văn hóa được chia làm 2 loại vật thể và phi vật thể. Trong đó, di sản vật thể là những sản phẩm vật chất tồn tại hữu hình, có giá trị về lịch sử văn hóa và khoa học. Khi nhắc đến di sản văn hóa vật thể, ta có thể nghĩ đến những khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh đã được công nhận. Ngoài ra, các loại di vật, bảo vật, cổ vật quốc gia có giá trị lịch sử cũng được xem là di sản văn hóa vật thể. Khác với di sản vật thể, di sản văn hóa phi vật thể là những sản phẩm vô hình có giá trị về tinh thần, gắn liền với cộng đồng, cá nhân hoặc không gian văn hóa.

Di sản văn hóa phi vật thể có tính kế thừa qua nhiều thế hệ, tượng trưng cho bản sắc của một cộng đồng nhất định. Di sản văn hóa phi vật thể có thể là tiếng nói, chữ viết, lễ hội truyền thống, nghề thủ công tượng trưng cho bản sắc dân tộc qua từng thời kỳ.

Xuất phát từ tín ngưỡng thờ Then của đồng bào Tày, làn điệu Then của đồng bào Tày ở Lào Cai đã được công nhận là Di sản phi vật thể quốc gia. Với những nghệ nhân Then được sống và thể hiện niềm đam mê của mình, đó là một niềm tự hào lớn. Những làn điệu Then như ngấm vào máu, ngấm vào lòng người, dệt nên giá trị tinh thần, tính nhân văn sâu sắc.

"Then theo tiếng Tày còn gọi là thiên, làn điệu Then còn được coi như điệu hát thần tiên, được sử dụng trong nghi lễ Then giải hạn, cầu an, sức khỏe, vạn vật bình an, lễ Then mừng cơm mới và trong nhiều nghi lễ Then khác của người Tày. Nét đẹp văn hóa này hiện nay đã và đang được phát huy" - Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Văn Thụy, xã Vĩnh Yên, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai chia sẻ.

Còn đối với người Dao, tín ngưỡng của họ gắn liền với huyền tích về cuộc huyên di xưa kia, họ rất coi trọng các vị thần ở cả ba cõi là trên trời, trần gian và âm phủ. Bộ tranh thờ Tam Thanh và câu chuyện về Bàn Vương là những trầm tích cổ xưa hình thành nên tín ngưỡng của người Dao. Họ cho rằng, nhờ cầu xin các vị thần mà thiên di của dân tộc Dao được thuận buồm xuôi gió, cuộc sống bình yên. Họ đã vẽ bức tranh của những vị thần, coi đó là vật linh thiêng dùng trong các lễ cúng với lòng tin, các vị thần sẽ phù hộ, giúp đỡ, dẫn đường, chỉ lối cho họ vượt qua mọi chông gai để hướng tới cái tốt đẹp trong cuộc sống. Từ đó, nghề vẽ tranh thờ cũng gắn với đời sống của người Dao cho đến ngày nay.

Chiếc khèn, theo tiếng Mông nghĩa là bố khèn, người Mông gọi như vậy bởi vì xuất phát điểm của nó được hình thành và tồn tại trong đời sống tín ngưỡng độc đáo liên quan đến chu kỳ đời người sinh và tử. Trong Lễ gầu tào, cây khèn xuất hiện từ quá trình chọn cây nêu cho đến kết thúc lễ hội. Vai trò của cây khèn xuyên suốt quá trình hành lễ, là phương tiện truyền tải thông điệp của con người đến thần linh, đất trời, cầu mong cho một thiên thần bé nhỏ nào đó được ra đời trong một gia đình hiếm muộn. Nghĩa là cây khèn có vai trò trong việc hình thành nên sự sống một kiếp người trong nghi lễ, tín ngưỡng thiên cầu tự. Trong tang lễ, cây khèn có vai trò chỉ đường cho linh hồn người đã khuất trở về với thế giới bên kia, về với tổ tiên. Từ khi có người qua đời, cây khèn xuất hiện cho đến khi kết thúc tang lễ. Như vậy, khèn gắn bó như một biểu tượng văn hóa không thể thiếu được của người Mông.

Nghệ nhân Thào Chín Phà, thôn Máo Chóa Sủ, xã Tả Ngài Chồ, huyện Mường Khương chia sẻ: Cây khèn rất quan trọng đối với dân tộc Mông chúng tôi, nhắc đến cây khèn là nhắc đến dân tộc mình, là đàn ông dân tộc Mông phải hiểu về cây khèn, biết thổi, biết múa.

Chính bởi sự linh thiêng và ý nghĩa đối với cây khèn mà việc kế thừa múa khèn, thổi khèn được các nghệ nhân người Mông luôn tâm huyết với mong muốn các thế hệ sau biết trân trọng, gìn giữ giá trị và phát huy văn hóa linh thiêng của dân tộc mình.

Theo bà Đinh Minh Hà, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Lào Cai: Văn hóa còn thì dân tộc còn, di sản văn hóa cũng như vậy. Nếu như chúng ta đánh mất đi di sản văn hóa thì cũng đồng nghĩa đánh mất đi bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính vì vậy, việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của mỗi dân tộc là rất cần thiết, bản sắc văn hóa được ví như hồn cốt dân tộc vậy.

Theo thời gian, các di sản văn hóa, di sản thiên nhiên không ngừng được tái tạo và lưu truyền, sự đa dạng và độc đáo trong văn hóa cộng đồng đã giúp sở hữu những kho tàng đồ sộ, điều này không chỉ thể hiện bề dày lịch sử phát triển ở văn hóa vật thể, phi vật thể mà nó còn thể hiện trong cộng đồng các dân tộc. Việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản là nhiệm vụ then chốt để gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc.

Trong những năm qua, nhờ công tác bảo tồn và phát huy giá trị của những di sản đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển của nhiều địa phương. Bảo tồn và phát huy nét đẹp của di sản văn hóa không chỉ thúc đẩy du lịch, mà còn cải thiện đời sống văn hóa và tinh thần người dân. Ngoài ra, việc bảo tồn và phát huy còn làm sống lại những nét truyền thống đang dần mai một, tiếp sức cho nhiều di sản mang đậm sắc thái dân tộc phát triển mạnh mẽ hơn ra ngoài thế giới.

Ái Vân

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/phat-huy-gia-tri-di-san-van-hoa-vat-the-phi-vat-the-cua-dong-bao-dan-toc-thieu-so-o-lao-cai-post470831.html