Phát huy công tác đào tạo lưu học sinh Lào

Bên cạnh nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế của tỉnh và các tỉnh lân cận, Trường Đại học Hùng Vương đã đạt được những thành tựu trong công tác đào tạo cho sinh viên Lào, tạo dựng được hình ảnh về một trường đào tạo có chất lượng và uy tín trong khu vực.

Nhóm lưu học sinh Lào đạt giải Nhất Cuộc thi “Ý tưởng sinh viên” năm 2020 với ý tưởng khởi nghiệp “Dự án kinh doanh ẩm thực Lào trên địa bàn thành phố Việt Trì”.

Trường Đại học Hùng Vương bắt đầu tuyển sinh lưu học sinh Lào diện học bổng nhà nước từ năm 2008 với 10 sinh viên của tỉnh Luông Nậm Thà. Tính đến năm học 2020-2021, nhà trường đã và đang đào tạo 309 lưu học sinh Lào đến từ các tỉnh Luông Nậm Thà, U Đôm Xay, Phông Sa Lỳ, Bò Kẹo, Luông Pha Băng; trong đó đào tạo trình độ Đại học 301 sinh viên, Cao học 7 học viên. Số lưu học sinh Lào đã tốt nghiệp đại học là 80; quy mô đào tạo hiện tại là 229 sinh viên, học viên cao học.
Mỗi khóa, nhà trường tiếp nhận trung bình khoảng 30-50 sinh viên, lưu học sinh được học tiếng Việt và bổ trợ kiến thức văn hóa một năm, trên cơ sở mục tiêu chung là trang bị cho người học những kiến thức cơ bản, toàn diện, có tính hệ thống, hiện đại và thiết thực về ngôn ngữ Việt Nam thông qua kiến thức về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp. Đây được coi là những yếu tố làm nên thành tựu nổi bật trong công tác đào tạo tiếng Việt cho sinh viên Lào ở Trường Đại học Hùng Vương. Từ năm 2008 đến nay, Nhà trường đã đào tạo được 80 lưu học sinh Lào tốt nghiệp các khối ngành Sư phạm, Kinh tế- Quản trị kinh doanh, Nông lâm nghiệp, Công nghệ thông tin. Sau thời gian học tập tiếng Việt tại trường, sinh viên Lào đều có thể nghe, nói, đọc, viết khá lưu loát, cơ bản đáp ứng được yêu cầu sử dụng tiếng Việt để tiếp tục đăng ký học tiếp tại trường. Bên cạnh đó, nhà trường còn bố trí sinh viên Việt Nam hỗ trợ tư vấn học tập, giúp các em nhanh chóng làm quen với kiến thức chuyên ngành và môi trường học tại trường. Các chuyên ngành được sinh viên Lào theo học rất đa dạng, phổ rộng từ khoa học tự nhiên đến khoa học xã hội, từ các ngành kinh tế đến sư phạm, hay nghệ thuật như: Hướng dẫn viên Du lịch, Kinh tế, Nông Lâm nghiệp, Tài chính Ngân hàng, Sư phạm, Kỹ thuật Công nghệ,...

Sinh viên Lào múa điệu múa truyền thống đón Tết cổ truyền Bunpiway năm 2021 cùng các bạn sinh viên Việt Nam tại Trường Đại học Hùng Vương.
Với tài năng, sự đam mê nghiên cứu và tinh thần sáng tạo, cùng với sinh viên Việt Nam, các sinh viên Lào đã nghiên cứu, sáng chế ra nhiều sản phẩm khoa học có tính ứng dụng vào thực tiễn rất cao như máy đo thân nhiệt tự động, máy sát khuẩn tay tự động phục vụ cho công tác phòng chống dịch, các sản phẩm trong lĩnh vực sinh học như trà thảo mộc, tinh dầu, sáp thơm... và các công trình nghiên cứu góp phần giải quyết các vấn đề về môi trường như mô hình xử lý nước thải sinh hoạt tận dụng các chế phẩm thảo dược... Năm học 2019-2020, Đề tài “Đánh giá ảnh hưởng của một số cytokinin và Auxin đến sự tạo chồi và tạo rễ in vitro của cây Hoắc hương Pogostemon cablin (Blanco) Benth” của nhóm sinh viên quốc tế đã xuất sắc vào vòng Chung kết Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học - Euréka lần thứ XXII năm 2020 tại thành phố Hồ Chí Minh. Song song với công tác đào tạo chuyên môn, Trường Đại học Hùng Vương cũng chú trọng tới việc rèn luyện kỹ năng cho sinh viên, tạo điều kiện để các em tham gia văn nghệ, thể thao, các hoạt động của đoàn thanh niên, giao lưu, tham quan, học tập theo nhóm,…
Do tình hình dịch COVID-19 ảnh hưởng đến tiến độ học tập của các sinh viên quốc tế tại trường, trong đó có hơn 200 sinh viên Lào ở lại ký túc xá. Năm 2020, 2021, nhà trường đã chủ động, linh hoạt chuyển đổi hình thức đào tạo từ trực tiếp sang trực tuyến, bố trí đường truyền internet, trao tặng sim, tai nghe miễn phí... để phục vụ việc học tập của các sinh viên Lào. Nhờ đó, công tác đào tạo, giảng dạy sinh viên nói chung và với sinh viên Lào nói riêng của trường vẫn đảm bảo đúng tiến độ, kế hoạch năm học. Tiến sĩ Đỗ Tùng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hùng Vương cho biết: “Trong quá trình đào tạo, nhà trường đã tạo điều kiện thuận lợi nhất về cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện học tập và sinh hoạt cho các em để tham gia học tập trong điều kiện chuyên nghiệp nhất. Những năm tới, khi số lượng lưu học sinh tới học các môn chuyên ngành tại nhà trường ngày càng tăng, Trường Đại học Hùng Vương tiếp tục nâng cao về cơ sở vật chất, giáo trình đào tạo, giáo viên để các em yên tâm học tập, theo kịp các bạn về những chuyên ngành mà mình đã lựa chọn”.

Thao Hà

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/giao-duc/202201/phat-huy-cong-tac-dao-tao-luu-hoc-sinh-lao-182275