Phát huy các nguồn lực kinh tế, đưa Hậu Giang trở thành tỉnh khá trong vùng Đồng bằng Sông Cửu Long

Qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 15/1/2019 của Bộ Chính trị khóa XII về 'Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế' (Nghị quyết số 39-NQ/TW), tỉnh Hậu Giang đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Những kết quả và bài học kinh nghiệm bước đầu tạo nền tảng để Hậu Giang tiếp tục vươn lên, hướng tới mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, trở thành tỉnh khá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính xem mô hình quy hoạch tỉnh Hậu Giang tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang năm 2022.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính xem mô hình quy hoạch tỉnh Hậu Giang tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang năm 2022.

KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC MỤC TIÊU

Trong thực hiện mục tiêu tổng quát, tỉnh xác định nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực của nền kinh tế nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đưa Hậu Giang trở thành tỉnh khá của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.

Theo đó, tăng trưởng kinh tế của tỉnh đã và đang là điểm sáng trong bức tranh tăng trưởng kinh tế của cả nước. Các năm qua, Hậu Giang liên tục tăng trưởng cao hơn bình quân khu vực và cả nước, đánh dấu sự phát triển bứt phá trong 20 năm thành lập tỉnh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2022 đạt 13,94%, mức cao nhất kể từ khi thành lập tỉnh, đứng thứ tư cả nước, cao hơn 5,92% so với bình quân cả nước (cả nước tăng trưởng 8,02%); năm 2023 đạt 12,27%, tăng trưởng kinh tế vươn lên đứng thứ hai cả nước, cao hơn 7,22% so với bình quân cả nước (cả nước tăng trưởng 5,05%). Tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm (tính từ năm 2019 đến năm 2023) là 8,06%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng, giảm tỷ trọng khu vực nông - lâm - thủy sản, tăng khu vực công nghiệp - xây dựng.

GRDP bình quân đầu người năm 2019 đạt 47,99 triệu đồng, đến năm 2023 đạt 80,33 triệu đồng, tương đương 3.239 USD, tăng 67,39% so với năm 2019, đứng thứ 4/13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (sau Long An, Cần Thơ và Trà Vinh).

Bên cạnh đó, việc thực hiện các mục tiêu cụ thể đối với các nguồn nhân lực, vật lựctài lực cũng đạt được những kết quả khả quan. Theo Báo cáo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang về Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, giai đoạn 2019 - 2023, tỷ trọng lao động qua đào tạo tăng từ 55,68% (năm 2019) lên 67,8% (năm 2023), vượt 2,8% kế hoạch. Tỷ trọng lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng từ 48,91% (năm 2019) lên 56,85% (năm 2023).

Đến nay, tỉnh đã cơ bản đào tạo, tuyển dụng cung ứng lao động cho các doanh nghiệp trên địa bàn; hoàn thành sắp xếp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII.

Việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực lãnh đạo chủ chốt các cấp, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về công tác cán bộ gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài và tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp trong hệ thống chính trị tỉnh là đột phá thứ nhất trong ba nhiệm vụ đột phá chiến lược của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025.

Đối với nguồn vật lực, giai đoạn 2019-2023, Tỉnh ủy đã chỉ đạo sâu sát, hiệu quả công tác quản lý và sử dụng tài nguyên, nhất là tài nguyên về đất đai. Cơ quan quản lý nhà nước các cấp thực hiện tốt các trình tự, thủ tục về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, góp phần khai thác và phát huy có hiệu quả nguồn lực đất đai phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm...

Hậu Giang đã thành lập Ban Chỉ đạo thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Kết quả đã hoàn thành vượt tiến độ giải phóng mặt bằng nhiều dự án, công trình trọng điểm như: dự án cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Hậu Giang - Sóc Trăng; các khu, cụm công nghiệp; các dự án giao thông, công trình trọng điểm của quốc gia và của tỉnh.

Đối với nguồn tài lực, giai đoạn 2019-2023, các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã triển khai đồng bộ, đầy đủ các giải pháp thu ngân sách nhà nước ngay từ đầu năm; tập trung phân tích, rà soát từng khoản thu, sắc thuế, nhằm đánh giá nguyên nhân tác động để khai thác tốt các nguồn thu tiềm năng; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu thuế và xử lý nợ đọng thuế gắn với cải cách thủ tục hành chính thuế. Giai đoạn 2019-2023, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là 25.435 tỷ đồng, tăng bình quân 11%/năm. Trong đó, thu nội địa là 22.917 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu là 2.516 tỷ đồng. Tổng chi ngân sách địa phương là 52.743 tỷ đồng, tăng bình quân 10%/năm. Trong đó, chi đầu tư phát triển là 16.450 tỷ đồng, tăng bình quân 19%/năm; chi thường xuyên là 23.035 tỷ đồng, tăng bình quân 5%/năm.

Các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã thực hiện tốt những giải pháp điều hành hoạt động; chủ động, cân đối nguồn vốn, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; Chương trình mục tiêu quốc gia; các chương trình, Đề án trọng tâm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; thực hiện tốt chính sách phục hồi và phát triển kinh tế của Quốc hội, Chính phủ; tập trung triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, nhất là dịch COVID-19; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Từ năm 2019 đến nay, nguồn vốn huy động tăng trưởng bình quân 15%/năm, đáp ứng hoạt động tín dụng; dư nợ tăng trưởng bình quân 14,69%/năm, đáp ứng nhu cầu vay vốn của các thành phần kinh tế, phục vụ sản xuất, kinh doanh; tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát, theo đúng chỉ tiêu đề ra...

Từ những kết quả đạt được, trong những mục tiêu đặt ra đến năm 2035, Hậu Giang xác định phấn đấu trở thành tỉnh có nền sản xuất công nghiệp phát triển ở mức khá; bộ mặt nông thôn và thu nhập hộ gia đình được cải thiện mạnh mẽ, phấn đấu nằm trong nhóm 4 tỉnh, thành phố có thu nhập bình quân đầu người cao nhất vùng Đồng bằng Sông Cửu Long; là tỉnh có trình độ phát triển khá của cả nước, trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của vùng; các lĩnh vực văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, môi trường sống trong lành, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc...

Trình diễn vận hành máy bay không người lái phun thuốc, phân bón trên đồng ruộng tại ấp 11, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang.

Trình diễn vận hành máy bay không người lái phun thuốc, phân bón trên đồng ruộng tại ấp 11, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang.

KẾT QUẢ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÁC NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

Qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, về tổng thể, tỉnh Hậu Giang đã hoàn thiện đồng bộ hệ thống cơ chế, chính sách; tập trung ưu tiên xây dựng các cơ chế, chính sách tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân, nhất là cơ chế, chính sách đặc thù, ưu đãi đặc biệt trên một số lĩnh vực thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã theo hướng ưu đãi, cạnh tranh so với các địa phương khác. Đây cũng là đột phá thứ hai trong ba nhiệm vụ đột phá chiến lược của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Tỉnh đã tập trung cải cách hành chính mạnh mẽ, nâng cao chất lượng và cải thiện vị trí xếp hạng các chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh từng năm và cả nhiệm kỳ. Xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện chuyển đổi số các ngành, lĩnh vực, phát triển đô thị thông minh kinh tế số; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động kinh tế - xã hội. Kết quả các chỉ số năm 2023 đều tăng thứ bậc so với năm 2022.Cụ thể là,chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) xếp thứ 19/63 tỉnh, thành phố cả nước, tăng 1 bậc; chỉ số hài lòng của người dân và tổ chức (SIPAS) xếp thứ 29/63 tỉnh, thành phố cả nước, tăng 4 bậc.

Cùng với đó, tỉnh đã thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Xác định phát triển công nghiệp là động lực tăng trưởng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng. Chú trọng xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp, hạ tầng giao thông đồng bộ, thuận lợi cho nhà đầu tư. Đây cũng là đột phá thứ ba trong ba nhiệm vụ đột phá chiến lược của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025.

Đồng thời quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương và đồng chí Tổng Bí thư - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Qua đó, nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được nâng lên, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp ủy.

Bám sát xu hướng phát triển trong bối cảnh mới, tỉnh luôn chủ động tận dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, việc xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh và chuyển đổi số của tỉnh tiếp tục được đẩy mạnh, đạt được một số kết quả tích cực. Nhiều hoạt động thiết thực được chỉ đạo thực hiện và mang lại hiệu quả lan tỏa trong xã hội...

Thời gian qua, Hậu Giang đã tổ chức thành công “Tuần lễ thúc đẩy Chuyển đổi số phát triển kinh tế vùng - Hậu Giang năm 2022” và “Tuần lễ chuyển đổi số và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Mekong Delta 2023”. Tỉnh đã thành lập Khu công nghệ số tỉnh Hậu Giang. Đồng thời triển khai các hoạt động giám sát, điều hành đô thị thông minh giúp giám sát tình hình hoạt động các dịch vụ đô thị, phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của chính quyền địa phương.

BÀI HỌC KINH NGHIỆM VÀ GIẢI PHÁP

Qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, kết quả, bài học kinh nghiệm đồng thời là những giải pháp quan trọng được Tỉnh ủy Hậu Giang xác định và thực hiện hiệu quả để đưa Nghị quyết vào cuộc sống là:

Làm tốt công tác phổ biến, quán triệt. Ngay sau khi Nghị quyết số 39-NQ/TW được ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức các hội nghị học tập, nghiên cứu, quán triệt đúng thời gian, nghiêm túc, đạt chất lượng. Các hội nghị được tổ chức cả bằng hình thực trực tiếp và trực tuyến từ đầu cầu Tỉnh ủy tới các điểm cầu huyện, thị, thành phố. Cán bộ, đảng viên đồng tình, nhất trí cao việc Trung ương ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW phù hợp với tình hình thực tiễn, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt thúc đẩy sản xuất kinh doanh, duy trì tăng trưởng kinh tế.

Nhìn chung, công tác quán triệt, triển khai Nghị quyết số 39-NQ/TW đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy quan tâm chỉ đạo chặt chẽ, chu đáo; xây dựng chương trình, kế hoạch, hướng dẫn thực hiện sát với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị.

Việc quán triệt, triển khai tại xã, phường, thị trấn cũng được triển khai thực hiện nghiêm túc, chất lượng. Cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc về những nội dung cơ bản của Nghị quyết số 39-NQ/TW. Sau mỗi hội nghị đều có tổng kết, giải đáp những vấn đề đặt ra; cán bộ, đảng viên sau khi học tập, viết bài thu hoạch đầy đủ và nộp về Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổng hợp, báo cáo Thường trực Tỉnh ủy.

Tăng cường tuyên truyền; tích cực, chủ động, sáng tạo trong triển khai thực hiện. Cùng với chỉ đạo tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chương trình số 218-CTr/TU ngày 7/5/2019 thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW. Tỉnh cũng ban hành nhiều văn bản liên quan đến quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế. Trên cơ sở đó, các sở, ban, ngành tỉnh và UBND huyện, thị xã, thành phố đã lồng ghép vào chương trình công tác của cấp ủy, chính quyền triển khai thực hiện đồng bộ trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh ủy đã ban hành 7 nghị quyết, 7 chương trình, 6 đề án; HĐND tỉnh ban hành 44 nghị quyết về cơ chế, chính sách; UBND tỉnh ban hành 26 quyết định quy phạm pháp luật để thực hiện cơ chế, chính sách theo Nghị quyết của HĐND và ban hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công...

Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân trong công tác quản lý, khai thác, sử dụng các nguồn lực của nền kinh tế của tỉnh. Khắc phục các tồn tại trong quản lý, khai thác, sử dụng các nguồn lực; phân bổ và sử dụng các nguồn lực ngày càng hợp lý và hiệu quả. Đa dạng hóa các hình thức huy động và sử dụng nguồn lực; thúc đẩy xã hội hóa, thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước, trong đó tập trung vào nguồn lực tài nguyên thiên nhiên. Tập trung khai thác tối đa tiềm năng khoa học và công nghệ cho phát triển kinh tế - xã hội.

Nâng cao nhận thức, đổi mới công tác quản lý, sử dụng, đánh giá và đào tạo nguồn nhân lực. Tỉnh ủy ban hành đồng bộ các văn bản, cơ chế, chính sách để cụ thể hóa đột phá chiến lược về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và công tác cán bộ, trong đó có nhiều giải pháp mới, đột phá nhằm hiện thực hóa mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là tăng cường đội ngũ cán bộ trẻ, có phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển trong giai đoạn mới.

Quán triệt quan điểm giáo dục là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền bố trí nhiều nguồn lực, ban hành nhiều cơ chế, chính sách để phát triển giáo dục. Cùng với đó là thực hiện đúng cơ chế, chính sách về phát triển, quản lý và sử dụng nguồn nhân lực, nhất là luật pháp về lao động tiền lương, giáo dục - đào tạo, bảo hiểm xã hội. Đổi mới công tác quản lý và phương thức hoạt động của các đoàn thể, các tổ chức quần chúng, xã hội, nghề nghiệp trong phát triển nguồn nhân lực. Củng cố và phát triển mạng lưới y tế, đặc biệt là y tế cơ sở...

Phát triển thị trường lao động hoạt động hiệu quả. Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, tỉnh đã giải quyết việc làm và tạo việc làm mới cho 86.926 lao động, bình quân vượt 16% kế hoạch/năm; đào tạo nghề cho 49.998 người, bình quân vượt 35% kế hoạch/năm. Hỗ trợ tuyển dụng và giới thiệu, cung ứng lao động cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh...

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn vật lực, tài lực. Tỉnh ủy ban hành nhiều chương trình thực hiện đối với nguồn lực tài nguyên thiên nhiên; tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản, tài nguyên, quản lý bảo vệ môi trường...; chú trọng công tác quản lý nhà nước về đất đai đảm đúng quy định pháp luật, trình tự, thủ tục về quy hoạch, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; tiếp tục triển khai Đề án Hậu Giang xanh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030...

Thực hiện Quyết định số 952/QĐ-TTg ngày 3/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh đã triển khai công tác lập Quy hoạch tỉnh với mục tiêu hình thành khuôn khổ pháp lý, làm cơ sở để xây dựng đồng bộ các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế; biến tiềm lực thành nguồn lực, đưa tỉnh Hậu Giang trở thành tỉnh khá trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước...

Xác định Quy hoạch tỉnh là khởi nguồn và là kim chỉ nam trong sự phát triển của tỉnh, với tinh thần quy hoạch phải đi trước một bước, có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, lâu dài, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 23/12/2022 về nâng cao hiệu quả triển khai Quy hoạch và thu hút đầu tư tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2030 và các năm tiếp theo. Theo đó, các địa phương, ngành, đơn vị đã và đang tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp được xác định; chú trọng công tác tuyên truyền, hướng dẫn, triển khai thực hiện...

Thành phố Vị Thanh - Trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh Hậu Giang.

Cùng với những giải pháp đồng thời là kết quả, kinh nghiệm nêu trên, trong thời gian tới, nhằm tiếp tục thực hiện có chất lượng, hiệu quả các nghị quyết của Trung ương và của tỉnh, trong đó có Nghị quyết số 39-NQ/TW, Tỉnh ủy Hậu Giang xác định:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương, nghị quyết của Trung ương, từ đó, cụ thể hóa thành chủ trương, chính sách phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương; các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra phải bảo đảm vừa có tính khả thi, vừa có tính đột phá.

Thứ hai, tiếp tục cụ thể hóa bằng các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, nguồn lực thực hiện; đồng thời, có sự phân công trách nhiệm và quy định thời gian thực hiện cụ thể, rõ ràng. Tập thể cấp ủy phân công nhiệm vụ cho các cấp ủy viên theo lĩnh vực công tác; gắn trách nhiệm cá nhân cấp ủy viên phụ trách đơn vị, lĩnh vực trong suốt quá trình triển khai thực hiện.

Thứ ba, phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, nhất là người đứng đầu phải thật sự gương mẫu, có năng lực, bản lĩnh, sâu sát cơ sở, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì mục tiêu chung.

Thứ tư, định kỳ cấp ủy tổ chức đánh giá, sơ kết, tổng kết việc tổ chức thực hiện nghị quyết theo chương trình hành động đã đề ra. Làm rõ phạm vi trách nhiệm của các cấp, các ngành, cá nhân, tổ chức trong triển khai thực hiện, qua đó, phát hiện, biểu dương người tốt, việc tốt, kịp thời nhân rộng những mô hình mới, cách làm sáng tạo, hiệu quả.../.

HẢI YẾN - THIỆN MINH

Nguồn Tuyên Giáo: https://www.tuyengiao.vn/phat-huy-cac-nguon-luc-kinh-te-dua-hau-giang-tro-thanh-tinh-kha-trong-vung-dong-bang-song-cuu-long-154347