Phát hiện sớm, xử lý kịp thời đảm bảo an toàn đàn vật nuôi

Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia, thời điểm này, thời tiết diễn biến bất lợi, có thể xẩy ra rét đậm, rét hại kéo dài, tăng độ ẩm, dễ gây mầm bệnh trên đàn vật nuôi. Bên cạnh đó, Vĩnh Phúc là tỉnh chung chuyển hàng hóa giữa Thành phố Hà Nội với các tỉnh phía Bắc nên việc vận chuyển gia súc, gia cầm qua địa bàn gia tăng. Đây là những yếu tố gây nguy cơ dịch bệnh phát sinh trên đàn vật nuôi. Để cung cấp thông tin về các giải pháp ngăn chặn dịch bệnh và đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi, phóng viên Báo Vĩnh Phúc đã có cuộc trao đổi với đồng chí Lê Xuân Công, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh.

Hộ bà Nguyễn Minh Chiến, thôn Quan Đình, xã Tam Quan, huyện Tam Đảo đang chăn nuôi 4000 gà thịt luôn chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh.

PV: Đồng chí khái quát vài nét về tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh và định hướng phát triển trong thời gian tới?

Đồng chí Lê Xuân Công: Hiện nay, tổng đàn trâu bò của tỉnh có hơn 121 nghìn con, trong đó đàn trâu hơn 17.600 con, giảm 2,5% so với cùng thời điểm năm 2020; đàn bò 103.500 con giảm 0,61%, riêng bò sữa tăng 1,31%; tổng đàn gia cầm gần 12 triệu con tăng 1,44%; tổng đàn lợn có 466 nghìn con, tăng 4,6%.

Hình thức chăn nuôi chủ yếu là nhỏ lẻ, phân tán trong các hộ gia đình. Theo kết quả điều tra của các huyện, thành phố phân loại quy mô chăn nuôi theo quy định của Luật Chăn nuôi: Chăn nuôi trang trại bò sữa có 583 cơ sở, chiếm 68,7% tổng số lượng đàn bò sữa của tỉnh; chăn nuôi lợn trang trại 1.212 cơ sở (chiếm 3,79% số cơ sở chăn nuôi), chiếm 49,6% tổng đàn lợn của tỉnh.

Đối với đàn gia cầm, chăn nuôi trang trại có 1.004 cơ sở (chiếm 2% số cơ sở chăn nuôi), chiếm 53% tổng số lượng đàn gà của tỉnh.

Chất lượng con giống ngày càng nâng cao và các hộ chăn nuôi đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, đã hình thành các vùng chăn nuôi tập trung, sản xuất hàng hóa...

Theo Kế hoạch số 202/2021 của UBND tỉnh về thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến 2045, Vĩnh Phúc sẽ tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại công nghiệp, ứng dụng tiến bộ KHCN, công nghệ cao; sản xuất hàng hóa, thực phẩm đạt tiêu chuẩn.

Tổ chức lại chăn nuôi nông hộ theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học, đảm bảo vệ sinh môi trường, nâng cao tỷ trọng sản phẩm chăn nuôi trong các trang trại, hướng đến nghề chăn nuôi chuyên nghiệp, chuyên môn hóa.

Phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh có hơn 100 nghìn con bò (16 nghìn con bò sữa), 16 nghìn con trâu; 580 nghìn con lợn, 12 triệu con gia cầm.

Tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt 126,5 nghìn tấn; sản lượng trứng gia cầm đạt 580 triệu quả; sản lượng sữa bò đạt 40 nghìn tấn. Giai đoạn 2021- 2025 giá trị sản xuất chăn nuôi tăng 1,5%/năm, giai đoạn 2026-2030 tăng 1%/năm

PV: Đồng chí cho biết nhiệm vụ của Chi cục Chăn nuôi và Thú y trong phòng, chống, ngăn chặn dập dịch (nếu có) trên địa bàn tỉnh?

Đồng chí Lê Xuân Công: Thời tiết diễn biến phức tạp, nhiệt độ thấp, ẩm độ cao, có thể rét đậm, rét hại kéo dài là điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh tồn tại, phát triển gây bệnh cho gia súc, gia cầm. Nguy cơ dịch bệnh phát sinh, lây lan trên đàn gia súc, gia cầm của tỉnh là rất lớn.

Để chủ động phòng, chống, ngăn chặn dập dịch nếu xảy ra để không lây lan rộng trên địa bàn tỉnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã chủ động tham mưu cho Sở NN&PTNT trình UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo công tác phòng chống Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP); phòng, chống bệnh Cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021- 2025; phòng, chống bệnh Lở mồm long móng (DLMLM) gia súc trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021- 2025; phòng chống bệnh Viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2030; phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi; tham mưu cho Sở NN&PTNT xây dựng kế hoạch tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm, phun khử trùng tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi năm 2022.

Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân tự giác khai báo dịch bệnh; không được chủ quan, lơ là, nhất là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm của động vật; hướng dẫn người chăn nuôi tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho gia súc, gia cầm theo quy trình; áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thực hiện chăm sóc, nuôi dưỡng tốt cho đàn vật nuôi...

Chỉ đạo Trạm Chăn nuôi và Thú y cấp huyện, nhân viên thú y cấp xã triển khai đến thôn, xóm, hộ chăn nuôi, đặc biệt tại các vùng ổ dịch cũ, vùng nguy cơ cao nhằm phát hiện sớm, xử lý kịp thời dịch bệnh; lấy mẫu giám sát chủ động lưu hành vi rút cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh; lấy mẫu xét nghiệm nhanh các trường hợp nghi mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như cúm gia cầm, LMLM; DTLCP...

Khi có ổ dịch nhỏ phát sinh sẽ thực hiện ngay các biện pháp khoanh vùng, bao vây ổ dịch, ngăn chặn không để dịch bệnh lây lan rộng.

Phấn đấu tiêm phòng đạt 80% tổng đàn trở lên các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như bệnh Tụ huyết trùng trên trâu bò, LMLM; VDNC; Dịch tả lợn, bệnh Tai xanh; bệnh dại...

Tăng cường kiểm dịch tại gốc; tích cực phối hợp với lực lượng công an, quản lý thị trường xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, nhập lậu vào địa bàn để tiêu thụ mà không có kiểm dịch của cơ quan Chăn nuôi và Thú y.

PV: Để hạn chế thiệt hại trong chăn nuôi, đồng chí khuyến có gì cho người dân để chống rét cho đàn vật nuôi hiệu quả?

Đồng chí Lê Xuân Công: Để chủ động phòng chống đói, rét, bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi; tạo điều kiện cho chăn nuôi ổn định và phát triển, người chăn nuôi áp dụng đầy đủ các biện pháp kỹ thuật về phòng chống đói, rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Thực hiện tẩy giun sán và tiêm phòng đầy đủ cho đàn vật nuôi theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Các trang trại cần chủ động mua sắm phương tiện sưởi ấm cho đàn vật nuôi, nhất là gia súc, gia cầm non phải có ô úm riêng. Sưởi ấm cho đàn vật nuôi khi khi rét đậm, rét hại, mất điện xảy ra. Đảm bảo an toàn trong chuồng nuôi tránh cho vật nuôi bị bỏng, ngạt khói hoặc gây choáng.

Mỗi gia đình chăn nuôi trâu, bò, nhất là đối với các xã vùng cao có tập quán thả rông trong rừng, núi phải chủ động đưa về chỗ nuôi nhốt, có che chắn để đảm bảo đủ ấm; những ngày nhiệt độ ngoài trời dưới 120C không chăn thả mà cho nghỉ làm việc và chuẩn bị thêm thức ăn tinh, khoáng, vitamin để tăng cường sức khỏe cho trâu, bò.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Xuân Hùng (thực hiện)

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/72352/phat-hien-som-xu-ly-kip-thoi-dam-bao-an-toan-dan-vat-nuoi.html