Phát hiện mới về 'Người Rồng'

Các nhà nghiên cứu tìm thấy bằng chứng mới có thể kết nối người Denisovan bí ẩn với loài người sơ khai Homo longi (hay Người Rồng).

Đây vẫn là một trong những nhóm người khó nắm bắt nhất từng tồn tại trên Trái Đất. Bằng chứng từ dấu vết ADN do người Denisovan để lại cho thấy họ sống trên cao nguyên Tây Tạng, có lẽ di cư đến Philippines và Lào ở phía nam châu Á và có thể đã đến miền Bắc Trung Quốc hơn 100.000 năm trước. Họ cũng lai giống với con người hiện đại, theo Guardian.

Đáng chú ý

Tuy nhiên, người Denisovan trông như thế nào hoặc họ sống ra sao vẫn là một điều bí ẩn. Những bằng chứng đặc điểm cơ thể của họ tới này chỉ gói gọn trong một số hiện vật được tìm thấy, bao gồm một mảnh hàm, vài mảnh xương và một hoặc hai chiếc răng.

AND của người Denisovan lần đầu tiên được tìm thấy trong các mẫu từ hang động Denisova ở Siberia vào năm 2010, cung cấp hầu hết thông tin mà chúng ta hiện nắm bắt được về sự tồn tại của họ.

Bức chân dung sơ bộ của một phụ nữ trẻ Denisovan, nhóm người sơ khai này hiện có rất nhiều bí ẩn. Ảnh: Maayan Harel/Guardian.

Tuy nhiên, gần đây các nhà khoa học đã xác định được một ứng cử viên nặng ký cho loài mà người Denisovan có thể thuộc về. Đó là Homo longi - hay còn được gọi là “Người Rồng” - ở Cáp Nhĩ Tân, phía đông bắc Trung Quốc. Hóa thạch quan trọng này được tạo thành từ một hộp sọ gần như hoàn chỉnh cho thấy kích thướng tương đương hộp sọ người hiện đại và khuôn mặt phẳng với xương gò má thanh tú. Phân tích cho thấy hóa thạch này ít nhất đã 150.000 năm tuổi.

Giáo sư Xijun Ni thuộc Viện Khoa học Trung Quốc tại Bắc Kinh cho biết: “Tới nay, chúng tôi tin rằng người Denisovan là thành viên của loài Homo longi. Đặc điểm của loài Homo longi là mũi rộng, vầng trán dày trên mắt và hốc răng lớn”.

Mối liên hệ tiềm năng giữa Denisovan-Homo longi là một trong những phát hiện mới nhất của các nhà khoa học đang nghiên cứu về những người đã chia sẻ hành tinh này với Homo sapiens (người tinh khôn) trong hàng trăm nghìn năm. Người ta thậm chí còn cho rằng Denisovan có thể đóng vai trò quan trọng trong quá trình tiến hóa của loài người.

Thú vị

Các nhà khoa học ở Tây Tạng đã phát hiện gene Denisovan ở người dân địa phương, kết quả của sự giao phối giữa hai loài từ xa xưa. Điều quan trọng là gene này đã được chứng minh là giúp người hiện đại sống sót ở những địa điểm trên cao.

Ngoài ra, cũng có dấu vết bằng chứng ở cao nguyên Tây Tạng cho thấy mối liên hệ Denisovan-Homo longi. Đó là nơi các nhà khoa học bắt đầu nghiên cứu xương hàm ban đầu được một nhà tu hành Phật giáo tìm thấy trong hang động hẻo lánh ở độ cao 3.000 m trên mực nước biển.

Xương được tìm thấy không phải của người hiện đại. Nhưng chỉ khi các nhà khoa học bắt đầu nghiên cứu hang động - nơi xương hàm được phát hiện ban đầu, họ mới phát hiện rằng trầm tích của nó rất giàu ADN Denisovan. Ngoài ra, họ còn phát hiện hóa thạch có chứa các protein chỉ ra nguồn gốc của người Denisovan.

“Đây là lần đầu tiên một hóa thạch Denisovan được tìm thấy bên ngoài Sibera và điều đó rất quan trọng”, bà Janet Kelso thuộc Viện Nhân chủng học Tiến hóa Max Planck ở Leipzig (Đức) cho hay.

“Điều thú vị không kém là xương hàm có những chiếc răng giống với răng được tìm thấy ở Homo longi. Vì vậy tôi cho rằng bằng chứng cho thấy có mối liên hệ giữa hộp sọ và người Denisovan”.

"Người rồng" có thể là họ hàng gần nhất của con người. Ảnh: CNN.

Giáo sư Chris Stringer của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở London (Anh) đồng tình với quan điểm này: “Bằng chứng củng cố ý kiến cho rằng người Denisovan là thành viên của Homo longi nhưng chúng ta vẫn chưa có bằng chứng tuyệt đối. Tuy nhiên, tôi tin rằng điều đó sẽ đến theo thời gian”.

Ông Stringer nói rằng một vấn đề lớn đối với các nhà nghiên cứu là chưa có ADN nào được tìm thấy trong các hóa thạch ở Trung Quốc như Homo longi.

“Gene của họ đã không tồn tại sau thời gian. Tuy nhiên, việc sử dụng các kỹ thuật proteomics có thể cung cấp dữ liệu mới quan trọng. Chúng tập trung vào các protein của hóa thạch, tồn tại lâu hơn nhiều so với ADN của nó và có thể cho chúng ta biết nhiều hơn về loài này”, vị giáo sư phân tích.

Nghiên cứu gần đây cũng cho thấy những người này có thể đã đóng một vai trò quan trọng trong quá trình tiến hóa của loài người chúng ta.

Tác động của gene Denisovan được tìm thấy ở người Tây Tạng ngày nay là một ví dụ. Nhưng ADN của Denisovan cũng đã được tìm thấy ở các quần thể hiện đại khác, bao gồm cả người dân ở New Guinea, miền Bắc Australia và Philippines, và dường như đã giúp họ chống lại sự lây nhiễm với các bệnh như sốt rét.

Răng hàm Denisova 4 được tìm thấy trong hang Denisova ở Siberia vào năm 2000. Ảnh: New York Times.

Giáo sư Stringer cho biết người Denisovan định cư ở những khu vực có địa lý rất đa dạng. “Một số nơi nóng và trũng, một số khác lạnh và miền núi. Chúng đại diện cho môi trường sống rất đa dạng, từ cao nguyên Tây Tạng đến các hòn đảo như Sulawesi (ở Indonesia)”.

Ngược lại, người Neanderthal, nhóm người lớn thứ ba đã tiến hóa trong vài trăm nghìn năm qua, tự khu biệt mình trong những vùng có khí hậu mát mẻ hơn của một khu vực trải dài về phía đông từ châu Âu đến miền nam Siberia.

Họ không mở rộng ra khỏi môi trường tương đối đồng nhất này. Vì vậy, các nhà khoa học đang đặt câu hỏi phải chăng sự đa dạng về nơi ở được người Denisovan thích ứng là dấu hiệu cho thấy họ có khả năng thực hiện hành vi đa dạng và thích nghi hơn nhiều so với người Neanderthal.

Homo sapiens dường như cũng đã lai giống với người Denisovan.

“Thật vậy, có bằng chứng rõ ràng cho thấy một số người hiện đại đã nhiều lần giao phối với những người Denisovan khác biệt về mặt di truyền”, bà Kelso cho biết. “Điều này cho thấy hai nhóm đã cùng tồn tại trong một thời gian dài, với một số nghiên cứu cho thấy lần liên lạc cuối cùng gần đây là 25.000 năm trước”.

Điều quan trọng là vào thời điểm này, người Neanderthal đã tuyệt chủng.

Người Denisovan được cho là có thể có làn da sẫm màu, không giống như người Neandertal có nước da sáng. Bức ảnh cho thấy một người đàn ông Neanderthal. Ảnh: Bảo tàng người Neanderthal.

Nghiên cứu đang được thực hiện bởi các nhà khoa học Ni và Stringer cũng cho thấy rằng trong số ba nhóm người chính đã tiến hóa vào thời điểm này, nhóm Homo sapiens và nhóm Homo longi là những nhóm cuối cùng tách ra khỏi các con đường tiến hóa khác nhau, có thể là một triệu năm trước, với người Neanderthal phân nhánh thậm chí còn sớm hơn.

Tuy nhiên, các phân tích ADN đã gợi ý những niên đại phân kỳ gần đây hơn, trong đó Homo sapiens tách ra trước tiên, vì vậy đây là một câu hỏi quan trọng cho nghiên cứu trong tương lai, giáo sư Stringer cho biết.

Ông nói thêm: “Tần suất con đường của chúng ta giao nhau sau lần chia tay đó hiện cũng là một chủ đề được giới khoa học đặc biệt quan tâm. Còn rất nhiều điều chúng ta cần tìm ra".

Hạ Cúc

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/phat-hien-moi-ve-nguoi-rong-post1467798.html