Phát hiện 'kho báu' ở nơi từng bị lãng quên, chẳng cần Nga, châu Âu tự tin 'né' khủng hoảng năng lượng

Các quốc gia trên khắp châu Âu đang chuẩn bị kỹ lưỡng cho mùa Đông tới, trong bối cảnh những 'báo động đỏ' về thị trường khí đốt khó dự đoán và giá cả tăng cao đang xuất hiện ở khắp nơi.

Một số chính trị gia khẳng định rằng, thời kỳ tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu đã qua. (Nguồn: Reuters)

Trong một bài viết trên The Conversation, GS. Michael Bradshaw chuyên về năng lượng toàn cầu tại Trường Kinh doanh Warwick (Anh) cho biết, cú sốc năng lượng bất ngờ sau chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine vào năm ngoái đã gây ra lo ngại rằng, cơ sở hạ tầng năng lượng của châu Âu sẽ không thể đối phó với mùa Đông lạnh giá và có khả năng khiến các nền kinh tế sụp đổ.

Tuy nhiên, một mùa Đông ôn hòa, cùng với các biện pháp nhanh chóng của Liên minh châu Âu (EU) nhằm giảm mức tiêu thụ năng lượng và thoát khỏi sự phụ thuộc vào nhiên liệu của Nga "đã khiến khu vực này bị lung lay nhưng không gục ngã".

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo, ở thời điểm hiện tại, sự kết hợp của nhiều yếu tố có thể “dễ dàng làm gia tăng căng thẳng trên thị trường khí đốt. Theo báo cáo thị trường khí đốt hàng năm mới nhất của cơ quan này, giá khí đốt đã giảm và EU nỗ lực lấp đầy các kho lưu trữ khí đốt nhưng những bất ổn lớn vẫn còn tồn tại trong mùa Đông tới.

Còn hơi sớm để tự tin

Giá khí đốt tại khối 27 thành viên đã giảm kể từ tháng 6/2022. GS. Michael Bradshaw cho hay, năm ngoái, các quốc gia phụ thuộc vào khí đốt Nga như Đức và Italy đã nhanh chóng "quay xe" rời xa Moscow. Kể từ đó, nhiều tin tốt hơn đến với EU.

Giá năng lượng giảm "đều đặn" vào năm 2023 và mức dự trữ khí đốt của châu Âu đang trên đà đạt mục tiêu 100% công suất vào tháng 11.

Một số chính trị gia khẳng định rằng, “thời kỳ tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng năng lượng đã qua”, tuy nhiên, ông Bradshaw nhận thấy, “còn hơi sớm để tự tin như vậy”.

Báo cáo của IEA đã chỉ ra rằng, mùa Đông lạnh giá kết hợp với việc Nga ngừng cung cấp khí đốt hoàn toàn có thể mang lại sự gián đoạn mới cho thị trường châu Âu. Cơ quan này khẳng định: “Các địa điểm lưu trữ đầy đủ không đảm bảo chống lại sự biến động của thị trường trong mùa Đông”.

Các nhà phân tích nói với CNBC rằng, tình hình “rất bất ổn” có thể dẫn đến giá cả các mặt hàng năng lượng tăng mạnh vào cuối năm nay.

Trang tin này thông tin, thị trường đã "liên tục biến động" trong những tháng gần đây do các yếu tố như nhiệt độ cực cao và việc bảo trì tại các nhà máy khí đốt. Hoạt động công nghiệp tại các cơ sở khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn ở Australia cũng có tác động dây chuyền đến thị trường khí đốt châu Âu.

Dù phần lớn khí đốt có nguồn gốc từ Australia được xuất sang Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc, sự gián đoạn này "có thể dẫn đến việc châu Á và châu Âu cạnh tranh" khí đốt từ các nhà cung cấp khác.

CNBC cho biết thêm, mức tiêu thụ khí đốt thấp hơn và việc lấp đầy các cơ sở lưu trữ đã "giúp ngăn giá khí đốt tăng vọt lên mức cao nhất bất thường vào mùa Hè năm ngoái là 340 Euro mỗi megawatt giờ.

Ana Maria Jaller-Makarewicz, nhà phân tích năng lượng tại Viện Kinh tế năng lượng và phân tích tài chính cho biết trong một nghiên cứu rằng, vì sự không chắc chắn ở Australia, châu Âu nên chuẩn bị tinh thần cho những biến động nhiều hơn trên thị trường năng lượng.

GS. Michael Bradshaw nhận định rằng, để tránh sự gia tăng đột biến của giá khí đốt, châu Âu phải hy vọng vào một mùa Đông ôn hòa trong hai hoặc ba năm tới và không có sự gián đoạn lớn nào đối với những nguồn cung cấp hiện tại.

Ông chỉ ra rằng, giá khí đốt ở châu Âu vẫn ở mức cao hơn khoảng 50% so với mức trung bình trước khi chiến dịch quân sự đặc biệt tại Nga nổ ra.

Khủng hoảng năng lượng: Phát hiện 'mỏ vàng' ở nơi bị lãng quên, châu Âu

Tích cực khai thác dòng chảy mới

Hãng tin Bloomberg cho biết, cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu vào mùa Đông năm ngoái đã “trở nên nghiêm trọng hơn” khi “nhà xuất khẩu điện quan trọng” - Pháp buộc - phải ngắt hơn chục lò phản ứng hạt nhân.

Nhưng Electricite de France SA - công ty điện lực đa quốc gia của Pháp - khẳng định đã "khắc phục được các vấn đề khiến sản lượng năng lượng bị cắt giảm gần 1/4 vào năm 2022". Điều này nuôi hy vọng rằng, các hộ gia đình và doanh nghiệp châu Âu sẽ không phải quá lo lắng về vấn đề thiếu điện trong năm nay.

Tại Anh, Giám đốc điều hành Ofgem Jonathan Brearley cũng kêu gọi các Bộ trưởng thực hiện "khuôn khổ nghiêm ngặt hơn" để bảo vệ người tiêu dùng khỏi giá năng lượng tăng cao.

Ông Brearley nói với The Guardian rằng, giới hạn giá năng lượng là một cơ chế "rộng rãi và thô thiển" và "không còn phù hợp với mục đích nữa", với số lượng người tiêu dùng kỷ lục đã mắc nợ nhà cung cấp năng lượng của họ.

Báo The Wall Street Journal thông tin rằng, những địa điểm mới từng bị lãng quên trên thị trường năng lượng như ở ngoài khơi Congo và Azerbaijan đang bùng nổ các hoạt động khai thác khí đốt.

Tại vùng Bir Rebaa, sâu trong sa mạc Sahara, Tập đoàn năng lượng của Eni (Italy) và công ty năng lượng thuộc nhà nước Algeria đang khoan hàng chục giếng dầu. Trong vài tháng qua, họ đã tìm kiếm và tập trung sản xuất khí đốt từ các mỏ chưa từng được khai thác trước đây.

3 đường ống dưới biển Địa Trung Hải đã kết nối lượng khí đốt khổng lồ của Algeria với châu Âu. Trong thập kỷ qua, gã khổng lồ khí đốt Gazprom của Nga luôn giữ giá năng lượng ở mức thấp, đẩy các nhà cung cấp như Algeria ra khỏi thị trường châu Âu.

Hiện tại, các quan chức Algeria đang đàm phán về các hợp đồng khí đốt mới với bên mua ở Đức, Hà Lan và các quốc gia EU khác.

Trong khi đó, Eni "vung tiền" đầu tư mạnh vào sản xuất ở Algeria. Chính phủ nước này cũng có những cuộc thảo luận với các “ông lớn” như Chevron và Exxon Mobil của Mỹ về các thỏa thuận cho sản xuất khí đốt tại đây.

Ngoài ra, một liên doanh do Tập đoàn dầu khí BP đứng đầu đang thúc đẩy hoạt động sản xuất khí đốt ở Azerbaijan. Một loạt các đường ống dài hơn 3.000 km nối Azerbaijan với Italy hứa hẹn sẽ giúp tăng gấp đôi lượng khí đốt cung cấp cho châu Âu vào năm 2027.

EU kỳ vọng rằng, dòng chảy mới sẽ mang lại sự hỗ trợ lớn cho lĩnh vực năng lượng trong 3 năm tới - giai đoạn mà các quan chức và giới phân tích lo ngại, tình trạng khủng hoảng nguồn cung trở nên căng thẳng nhất.

Song song với đó, nhiều người cũng dự đoán, nguồn cung khí đốt mới sẽ giúp giá năng lượng "hạ nhiệt", từ đó, giúp châu Âu một lần nữa "né" khủng hoảng năng lượng trong mùa Đông này.

(theo The Week, WSJ)

Linh Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/phat-hien-kho-bau-o-noi-tung-bi-lang-quen-chang-can-nga-chau-au-tu-tin-ne-khung-hoang-nang-luong-242964.html