Phát hiện hóa thạch nổi tiếng là giả mạo, gồm sơn, đá và một vài khúc xương

Mẫu vật hóa thạch bò sát cổ đại 280 triệu năm tuổi được bảo quản cẩn thận phần lớn là giả mạo, được tạo ra bằng cách phủ sơn đen lên đá chạm khắc hình thằn lằn, theo một nghiên cứu mới.

Hóa thạch được phát hiện lần đầu tiên ở dãy Alps của Ý vào năm 1931, có tên khoa học là Tridentinosaurus antiquus. Trước đây, các nhà khoa học cho rằng lớp phủ màu đen của hóa thạch là da và mô mềm của loài bò sát này. Họ coi hóa thạch là một mảnh ghép để hiểu về quá trình tiến hóa ban đầu của loài bò sát.

Hóa thạch được phát hiện vào năm 1931 được cho là một loài bò sát cổ đại. Bây giờ, các nhà nghiên cứu đang đặt câu hỏi về bản chất thực sự của nó. Ảnh: Valentina Rossi

Những thập kỷ qua, Tridentinosaurus antiquus đã nhiều lần xuất hiện trong sách báo nhưng chưa có nghiên cứu chi tiết nào về nó. Nằm trong bộ sưu tập tại Bảo tàng Tự nhiên và Nhân loại của Đại học Padua ở Ý. Hóa thạch đã đặt ra nhiều câu hỏi về bản chất chính xác của sinh vật này khi còn sống bởi các nhà khoa học không phát hiện thêm các mẫu vật tương tự.

Sự thật về hóa thạch chỉ được tiết lộ khi một nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng màu tối của hóa thạch không phải là mô mềm được bảo quản tốt mà chỉ là lớp sơn đen bao phủ một vài khúc xương và đá chạm khắc. Các nhà nghiên cứu đã báo cáo phát hiện của họ vào ngày 15 tháng 2 trên tạp chí Paleontology (Cổ sinh vật học).

Tác giả chính của nghiên cứu, Tiến sĩ Valentina Rossi, nhà nghiên cứu sau tiến sĩ về cổ sinh vật học tại Đại học Cork ở Ireland, cho biết: "Lớp phủ của mẫu hóa thạch có màu giống các mô mềm hóa thạch thực sự của thực vật và động vật. Vì vậy, nếu không sử dụng các kỹ thuật chẩn đoán thì không thể xác định chính xác vật liệu màu tối kia là gì".

Khi mẫu vật được phát hiện, các nhà nghiên cứu cho rằng hóa thạch có thể cung cấp cái nhìn hiếm hoi về quá trình tiến hóa của loài bò sát. Có những điều kỳ lạ về mẫu hóa thạch, chẳng hạn như thiếu xương, bao gồm cả xương sọ. Vì vậy, đánh giá ban đầu cho thấy mẫu vật này thực chất là xác ướp của một loài bò sát cổ đại.

"Một lời giải thích hợp lý là xương được ẩn dưới lớp da và do đó không thể nhìn thấy được", Tiến sĩ Rossi nói.

Bị hấp dẫn những sự bí ẩn xung quanh hóa thạch, bà Rossi và các đồng nghiệp bắt đầu nghiên cứu vào năm 2021 bằng kỹ thuật chụp ảnh tia cực tím. Phân tích cho thấy mẫu vật được bao phủ bởi một lớp dày.

Với hy vọng tìm thấy thông tin sinh học về hóa thạch bên dưới lớp phủ, nhóm nghiên cứu đã sử dụng kính hiển vi mạnh để phân tích các mẫu hài cốt qua các bước sóng ánh sáng khác nhau.

Kết quả là, các nhà nghiên cứu xác định lớp phủ cơ thể của hóa thạch thực chất được tạo ra bằng cách phủ sơn đen lên bề mặt đá chạm khắc hình thằn lằn. Lớp sơn được làm từ than xương, một loại bột màu thương mại được sử dụng khoảng 100 năm trước, sản xuất bằng cách đốt xương động vật thành than.

Đá chạm khắc hình thằn lằn cũng giải thích lý do tại sao mẫu vật dường như vẫn giữ được hình dạng giống như thật thay vì trông phẳng hơn như một hóa thạch thực sự.

Nhưng một điều thú vị là có xương thật bên trong hóa thạch. Các xương chi sau vẫn là thật và cũng có dấu vết của các vảy xương hoặc các cấu trúc giống như vảy. Hiện các nhà nghiên cứu đang cố gắng xác định tuổi chính xác của những chiếc xương và chúng thuộc về loài động vật nào.

Theo bà Rossi, đây không phải là lần đầu tiên việc giả mạo hóa thạch được phát hiện, nhưng cách giả mạo đặc biệt này là không bình thường.

Ngọc Ánh (theo CNN)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/phat-hien-hoa-thach-noi-tieng-la-gia-mao-gom-son-da-va-mot-vai-khuc-xuong-post285229.html