Phát hiện hóa thạch cá heo khổng lồ 16 triệu năm tuổi

Ngày 20/3, các nhà khoa học đã công bố hộp sọ hóa thạch 16 triệu năm tuổi của loài cá heo sông từng sinh sống ở vùng nước mà ngày nay là sông Amazon thuộc Peru.

Theo hãng tin Reuters, hóa thạch hộp sọ của loài cá heo lớn nhất trong lịch sử được phát hiện nhân chuyến thám hiểm do Hiệp hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ tài trợ, và hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên quốc gia ở Lima, Peru.

Hóa thạch hiện được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên quốc gia Peru. Ảnh: Reuters

Nhà cổ sinh vật học Rodolfo Salas cho biết hộp sọ thuộc về loài cá heo sông khổng lồ này dài từ 3 đến 3,5 mét. Nó được đặt tên khoa học là Pebanista yacuruna theo tên Yacuruna, một sinh vật thần thoại Peru sống ở vùng nước sâu.

“Con cá heo này có họ hàng với cá heo sông Hằng ở Ấn Độ. Tổ tiên của cả hai loài cá heo trước đây đều sống ở đại dương. Chúng chiếm giữ những không gian đại dương rộng lớn gần bờ biển Ấn Độ và Nam Mỹ. Sau đó chúng rời khỏi đại dương để đến sinh sống ở các con sông tại Peru. Đáng tiếc là chúng đã tuyệt chủng ở Amazon,” ông Salas nói.

Một bài báo trên chuyên san Science Advances ngày 21/3 thông tin rằng đây là loài cá heo nước ngọt lớn nhất từng được biết đến và phát hiện mới nhất này phản ánh nguy cơ đối với những loài cá heo nước ngọt hiện tại. “Tất cả đều đối diện nguy cơ tuyệt chủng trong 20-40 năm tới,” bài báo dẫn lời nhà khoa học Aldo Benites-Palomino, nghiên cứu sinh tại khoa cổ sinh vật học của Đại học Zurich (Thụy Sỹ).

Ông phát hiện hóa thạch từ năm 2018 nhưng nghiên cứu bị hoãn do đại dịch Covid-19. Benites-Palomino cho biết vào thời điểm đó ông phát hiện ra một mảnh xương hàm khi đang đi dạo cùng một đồng nghiệp.

Anh Kiệt

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/phat-hien-hoa-thach-ca-heo-khong-lo-16-trieu-nam-tuoi.html