Phát hiện hạt vi nhựa trong mô tim người, tiềm ẩn nguy cơ gì đối với sức khỏe tim mạch?

Lần đầu tiên, các nhà khoa học đã phát hiện hạt vi nhựa trong mô tim của những người đã trải qua phẫu thuật tim. Theo TS. Timothy O'Toole, dù hạt vi nhựa xâm nhập vào cơ thể như thế nào đều tiềm ẩn nguy cơ đối với sức khỏe, bao gồm cả tim mạch.

Do tình trạng ô nhiễm nhựa và nylon hiện nay, hạt vi nhựa có mặt ở khắp nơi. Có thể tìm thấy hạt vi nhựa trong nước, thức ăn và không khí chúng ta hít thở. Năm 2022, một nghiên cứu đã tìm thấy hạt vi nhựa trong máu người.

Giờ đây, lần đầu tiên, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy hạt vi nhựa trong mô tim của những người đã trải qua phẫu thuật tim.

Dựa trên mẫu mô tim thu thập từ 15 người đã trải qua phẫu thuật tim, các nhà khoa học phát hiện ra hàng chục đến hàng nghìn hạt vi nhựa trong hầu hết các mẫu mô được phân tích.

Nghiên cứu trên do TS. Yang Xiubin (Khoa phẫu thuật tim mạch, Bệnh viện Anzhen Bắc Kinh, Trung Quốc) cùng các đồng nghiệp thực hiện. Nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí khoa học và công nghệ môi trường (Environmental Science and Technology) của Hiệp hội Hóa học Mỹ.

Tiếp xúc với hạt vi nhựa có thể là yếu tố góp phần gây ra bệnh tim, tiểu đường và bệnh gan.

Tiếp xúc với hạt vi nhựa có thể là yếu tố góp phần gây ra bệnh tim, tiểu đường và bệnh gan.

TS. Yang Xiubin cho biết: "Việc phát hiện hạt vi nhựa trong cơ thể sống là đáng báo động. Cần có nhiều nghiên cứu hơn nữa để điều tra cách thức các hạt vi nhựa xâm nhập vào mô tim cũng như tác động tiềm tàng của vi nhựa đối với tiên lượng lâu dài sau phẫu thuật tim".

TS. Yang Xiubin cùng nhóm các nhà nghiên cứu đã sử dụng hình ảnh hồng ngoại trực tiếp và phát hiện ra các hạt vi nhựa có đường kính từ 20-500 micromet từ 8 loại nhựa khác nhau trong mô tim.

Những hạt vi nhựa này cũng tồn tại trong mẫu máu của những bệnh nhân trong nghiên cứu. Theo các nhà khoa học, các hạt vi nhựa siêu nhỏ có khả năng phát tán khắp cơ thể và hiện diện ở nhiều cơ quan khác nhau.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cho rằng, thủ thuật xâm lấn trong y tế có thể là một con đường tiếp xúc với vi nhựa bị bỏ qua.

Theo TS. Timothy O'Toole (Đại học Louisville, Kentucky, Mỹ), vi nhựa có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Ông cho biết: "Các nghiên cứu trước đây chỉ ra hạt vi nhựa trong một số mẫu mô gồm máu, phổi, sữa mẹ được cho là nhiễm từ thực phẩm, nguồn nước hoặc do hít phải.

Bất kể vi hạt nhựa xâm nhập vào cơ thể như thế nào, một số bằng chứng khoa học chỉ ra những nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khỏe.

Trong một nghiên cứu đăng tải vào năm 2021 trên tạp chí Circulation của Hiệp hội Tim mạch Mỹ, TS. O'Toole và các cộng sự cho rằng hạt vi nhựa có thể là một yếu tố nguy cơ chưa được công nhận đối với chứng xơ vữa động mạch cũng như bệnh tim mạch.

LiLy

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/phat-hien-hat-vi-nhua-trong-mo-tim-nguoi-tiem-an-nguy-co-gi-doi-voi-suc-khoe-tim-mach-169230820215726264.htm