Phát hiện chủ động bệnh nhân lao – Tạo nền tảng chấm dứt bệnh laoTin khácThể lệ tổ chức Cuộc thi trắc nghiệm 'Tìm hiểu về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh' năm 2022Tổng đài viên đặc biệt: Chỗ dựa vững chắc cho F0 điều trị tại nhà

Lao là bệnh lý nguy hiểm, lây lan chủ yếu qua đường hô hấp với tốc độ nhanh. Vì thế, để tránh các trường hợp nặng, phát hiện bệnh muộn lây lan cho cộng đồng, những năm qua, việc tăng cường phát hiện chủ động bệnh nhân lao, tạo nền tảng tiến tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030 được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế và Chương trình chống lao (CTCL) tỉnh, trong đó, cơ quan thường trực là Bệnh viện Phổi Lạng Sơn.

Bác sĩ Nguyễn Sơn Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Lạng Sơn cho biết: Hằng năm, bệnh viện xây dựng kế hoạch thực hiện CTCL, kế hoạch phát hiện chủ động bệnh nhân lao và lựa chọn một số trung tâm y tế (TTYT) huyện để triển khai. Để công tác phát hiện chủ động được thực hiện tốt, đơn vị đã phối hợp tổ chức tập huấn, hướng dẫn cán bộ trạm y tế (TYT), nhân viên y tế thôn, bản thực hiện phiếu sàng lọc, nâng cao kỹ năng truyền thông. Chỉ tính từ năm 2021 đến nay, đơn vị đã phối hợp tổ chức được 9 lớp tập huấn cho 903 lượt đối tượng trên về những kiến thức, nghiệp vụ liên quan.

Điều dưỡng Bệnh viện Phổi chuẩn bị thực hiện kỹ thuật tiêm truyền cho bệnh nhân lao

Điều dưỡng Bệnh viện Phổi chuẩn bị thực hiện kỹ thuật tiêm truyền cho bệnh nhân lao

Y sĩ Phạm Hoàng Long, cán bộ phụ trách CTCL, TTYT huyện Chi Lăng cho biết: Hằng năm, tôi được tham gia các lớp tập huấn do Bệnh viện Phổi tổ chức. Qua đó, tôi được cập nhật những kiến thức mới, bổ ích cho công tác truyền thông, sàng lọc để phát hiện sớm, quản lý và điều trị bệnh nhân lao, tránh lây lan trong cộng đồng với tỷ lệ điều trị thành công đạt trên 90%.

Đi đôi với tập huấn, Bệnh viện Phổi Lạng Sơn đã phối hợp với TTYT các huyện hướng dẫn cán bộ trạm y tế các xã, nhân viên y tế thôn, bản thực hiện phiếu sàng lọc, giám sát sàng lọc, xử lý thông tin với những nhóm đối tượng nguy cơ cao (người sống cùng nhà với bệnh nhân lao, người già trên 60 tuổi, người hút thuốc lá, người mắc bệnh nền, bệnh hô hấp mãn tính…). Đồng thời, bắt đầu từ năm 2020, Bệnh viện Phổi Lạng Sơn phối hợp với các cơ sở y tế trong tỉnh áp dụng “chiến lược 2X” (tổ chức khám bằng phương pháp chụp X-quang phổi và xét nghiệm GeneXpert) để phát hiện chủ động bệnh nhân lao, đưa vào quản lý và điều trị sớm. Theo đó, năm 2020, chiến lược được triển khai tại huyện Cao Lộc, Hữu Lũng, qua đó đã khám 1.350 người, phát hiện 40 người có bằng chứng vi khuẩn học (BCVKH), hội chẩn điều trị 27 bệnh nhân lao không có BCVKH. Năm 2021, chiến lược triển khai tại huyện Văn Quan, Lộc Bình, khám 1.350 người, phát hiện 73 người có BCVKH, hội chẩn điều trị 15 trường hợp lao phổi không có BCVKH. Năm 2022, chiến lược áp dụng tại huyện Chi Lăng và Tràng Định. Từ đầu năm 2022 đến nay, TTYT 2 huyện đã khám được 437 trường hợp nghi mắc lao, lấy 124 mẫu xét nghiệm, phát hiện 47 trường hợp có BCVKH, đạt 15,67%.

Bệnh nhân Hoàng Văn Vinh, xã Vĩnh Tiến, huyện Tràng Định cho biết: Ngày 7/3/2022, sau khi khám sàng lọc tại Trạm Y tế xã, tôi mới biết mình bị nhiễm lao. Sau đó, từ ngày 8/3 đến nay, tôi điều trị bệnh lao tại Bệnh viện Phổi Lạng Sơn. Rất may tôi được phát hiện bệnh sớm để có thể nhanh hồi phục sức khỏe và giảm nguy cơ lây lan cho mọi người xung quanh.

Cán bộ Bệnh viện Phổi Lạng Sơn hướng dẫn người dân kê khai thông tin khám sàng lọc chủ động phát hiện bệnh lao

Cán bộ Bệnh viện Phổi Lạng Sơn hướng dẫn người dân kê khai thông tin khám sàng lọc chủ động phát hiện bệnh lao

Cùng với đó, việc đầu tư trang thiết bị hiện đại, tăng cường đào tạo chuyên môn sâu cho các bác sĩ và cung ứng, quản lý và phân phối thuốc, vật tư tiêu hao (lam kính, cốc đờm…) theo quy định cũng được Bệnh viện Phổi quan tâm triển khai. Cụ thể hằng năm, bệnh viện đề xuất với Bệnh viện Phổi Trung ương, CTCL Quốc gia trang bị máy móc, thiết bị hiện đại để phát hiện kịp thời, nâng cao hiệu quả điều trị cho bệnh nhân lao. Theo đó, riêng năm 2021, đơn vị đã được phân bổ một số trang thiết bị hiện đại như: Máy chụp X-quang cố định kĩ thuật số, máy thở chức năng cao, máy điện tim 12 kênh… với tổng kinh phí hơn 3 tỷ đồng. Nhờ đó, đơn vị đã thực hiện thành công các kỹ thuật cao như: chụp cắt lớp vi tính, nội soi phế quản, xét nghiệm GeneXpert…

Với những cách làm trên, công tác phát hiện chủ động và điều trị bệnh nhân lao đã đem lại những kết quả tích cực. Riêng năm 2021, toàn tỉnh có 448 bệnh nhân có BCVKH mới đăng ký điều trị đã khỏi bệnh, đạt tỷ lệ 91,8%, tăng 3,15% so với năm 2020; 865 bệnh nhân lao được điều trị thành công, đạt tỷ lệ 95,37%, tăng 2,62%.

Thời gian tới, Bệnh viện Phổi Lạng Sơn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ ở y tế để làm tốt công tác phát hiện chủ động bệnh nhân lao và nâng cao chất lượng điều trị, không để bệnh lao lây lan trong cộng đồng, góp phần giảm tỷ lệ tử vong do lao, đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện mục tiêu của quốc gia là chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.

NGỌC HIẾU

BAN TỔ CHỨC CUỘC THI

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/xa-hoi/y-te/488775-phat-hien-chu-dong-benh-nhan-lao-tao-nen-tang-cham-dut-benh-lao.html