Phát hiện chấn động về kim tự tháp cổ nhất thế giới tại Indonesia

Một nhóm các nhà khảo cổ, nhà địa vật lý, nhà địa chất và nhà cổ sinh vật học ở Indonesia đã tìm thấy bằng chứng cho thấy Gunung Padang là kim tự tháp cổ nhất thế giới.

Ngọn đồi Gunung Padang, nơi được coi là kim tự tháp cổ nhất thế giới. (Nguồn: phys.org)

Ngọn đồi Gunung Padang, nơi được coi là kim tự tháp cổ nhất thế giới. (Nguồn: phys.org)

Trong bài báo đăng trên tạp chí Triển vọng khảo cổ học, nhóm đã mô tả nghiên cứu kéo dài nhiều năm của họ về địa điểm di sản văn hóa này.

Gunung Padang nằm trên đỉnh một ngọn núi lửa đã tắt ở Tây Java, Indonesia và được người dân địa phương coi là một địa điểm linh thiêng.

Năm 1998, nơi đây được công nhận là di sản văn hóa. Trong nhiều năm, đã có sự bất đồng về bản chất của ngọn đồi. Một số người cho rằng nó là ngọn đồi tự nhiên, và con người đã xây thêm một số cấu trúc trang trí lên trên, trong khi những người khác cho rằng có bằng chứng cho thấy ngọn đồi này hoàn toàn hoặc chủ yếu là do con người tạo ra.

Nhóm đã tiến hành một nghiên cứu khoa học dài hạn trong nhiều năm qua về khu đồi này. Họ đã nghiên cứu cấu trúc bằng phương pháp chụp cắt lớp địa chấn và radar xuyên đất. Họ khoan xuống ngọn đồi và thu thập các mẫu đất đá sau đó sử dụng kỹ thuật xác định niên đại bằng carbon phóng xạ để tìm hiểu độ tuổi của các lớp tạo nên ngọn đồi.

Khi nghiên cứu tất cả dữ liệu, nhóm nghiên cứu đã tìm thấy cái họ mô tả là bằng chứng cho thấy Gunung Padang chủ yếu được tạo ra bởi bàn tay con người. Nhóm cũng phát hiện công trình này được xây dựng theo từng giai đoạn, cách nhau hàng nghìn năm. Theo đó, những phần cũ hơn của cấu trúc này được tạo ra vào khoảng 25.000 đến 14.000 năm trước, khiến nó trở thành kim tự tháp lâu đời nhất được biết đến trên thế giới ngày nay.

Các nhà nghiên cứu cũng đã tìm thấy bằng chứng cấu trúc của công trình kim tự tháp đã được hoàn thiện theo thời gian. Công trình đầu tiên là dung nham được điêu khắc - nơi người xưa đã chạm khắc các hoa văn lên đỉnh của một ngọn núi lửa nhỏ đã tắt. Sau đó, vài nghìn năm sau, vào khoảng giữa năm 7900 đến 6100 trước Công nguyên, những người khác đã bổ sung thêm một lớp gạch và cột đá. Tiếp theo, vào khoảng giữa năm 2000 và 1100 trước Công nguyên, người ta lại bổ sung thêm một lớp đất lên bề mặt, xây bậc thang bằng đá và một số kiến trúc phụ khác.

Các khảo sát bằng sóng địa chấn đã cho thấy bên trong di tích có nhiều hốc và phòng kín, một số phòng có chiều dài tới 15 m với trần cao 10 m. Nhóm nghiên cứu đang lên kế hoạch tiến hành các cuộc đào bới sâu hơn và sẽ sử dụng máy quay phim để khám phá những bí ẩn bên trong những căn phòng này.

(theo phys.org)

Trung Hiếu

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/phat-hien-chan-dong-ve-kim-tu-thap-co-nhat-the-gioi-tai-indonesia-249083.html