Phát hiện ca mắc cúm A (H9N2) đầu tiên tại Việt Nam

Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) vừa ghi nhận một trường hợp mắc cúm A (H9N2) đầu tiên tại Việt Nam. Bệnh nhân đang được cách ly để điều trị, hiện vẫn chưa rõ nguồn lây bệnh.

Ngày 7/4, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, TP.HCM đã ghi nhận trường hợp mắc cúm A (H9N2) đầu tiên tại Việt Nam. Bệnh nhân đang được cách ly điều trị, hiện chưa rõ nguồn lây bệnh.

Cụ thể, bệnh nhân là nam, 37 tuổi, làm thợ hồ, thường trú tại ấp Tân Quới, xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, được chuyển lên TP.HCM điều trị với chẩn đoán theo dõi xuất huyết tiêu hóa trên nền loét dạ dày, kèm xơ gan do rượu, theo dõi nhiễm trùng huyết. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân có tình trạng viêm phổi nên được chỉ định lấy mẫu làm xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm lần 1 cho kết quả dương tính cúm A.

Ngày 1/4, xét nghiệm lần 2 bằng phương pháp giải mã trình tự gen do Bệnh viện Bệnh nhiệt đới phối hợp với Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) thực hiện có kết quả là bộ gene của vi rút cúm A (H9N2).

HCDC khuyến cáo người dân không sử dụng sản phẩm từ gia cầm bệnh, chết hoặc không rõ nguồn gốc. (Ảnh: Ceva Sante Animale)

Theo điều tra sơ bộ, bệnh nhân sinh sống và làm việc ở gần nhà, chưa từng tiêm phòng vắc xin cúm và vắc xin phòng Covid-19. Đối diện nhà bệnh nhân là nhà người thân có trực tiếp giết mổ và kinh doanh buôn bán gia cầm. Bệnh nhân không trực tiếp tiếp xúc với gia cầm. Hiện tại, tình hình sức khỏe của những người trong gia đình đều khỏe mạnh, đồng thời cũng chưa ghi nhận gia cầm chết hay biểu hiện bất thường ở khu vực bệnh nhân sinh sống.

Sở Y tế TP.HCM đã chỉ đạo Bệnh viện thực hiện cách ly, điều trị và chăm sóc người bệnh theo đúng quy định của Bộ Y tế về cúm gia cầm, theo dõi tình trạng sức khỏe nhân viên y tế đã chăm sóc cho bệnh nhân. Được biết, tất cả nhân viên khi tiếp xúc với bệnh nhân đều mang phương tiện phòng hộ theo quy định.

Sở Y tế chỉ đạo HCDC báo cáo Viện Pasteur và phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tiền Giang tiếp tục điều tra dịch tễ, nhất là tiền sử đi lại và tiếp xúc của người bệnh, cũng như theo dõi và hướng dẫn nhữngngười thân tiếp xúc gần với bệnh nhân tự theo dõi sức khỏe tại nhà, thực hiện các biện pháp vệ sinh, khử khuẩn. Đồng thời chia sẻ thông tin cho Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM để thực hiện báo cáo và giám sát đàn gia cầm, vật nuôi.

HCDC TP.HCM dẫn lại thông tin từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cho thấy, vi rút cúm là một họ virus lớn gồm 4 loại A, B, C và D. Trong đó nhóm A và B thường gây những vụ dịch cúm mùa trên người, đặc biệt cúm A có thể gây ra những đại dịch cúm trên thế giới. Trong khi đó, cúm C thì chỉ gây bệnh nhẹ trên người và không thành dịch, còn cúm D chỉ gây bệnh trên động vật. Riêng đối với cúm A, đến nay khoa học đã phát hiện có đến 18 nhóm kháng nguyên H (ký hiệu từ H1 đến H18) và 11 nhóm kháng nguyên N (ký hiệu từ N1 đến N11).

Các kháng nguyên này tổ hợp với nhau và hình thành các mẫu vi rút cúm A khác nhau. Đã có hơn 130 loại vi rút cúm A được xác định trong tự nhiên, chủ yếu ở các loài chim hoang dã. Các loại cúm A hiện đang lưu hành trên người là cúm A (H1N1) và cúm A (H3N2). Cúm A (H1N1) đã từng gây đại dịch cúm năm 2009 sau đó chuyển sang lưu hành đến nay. Một số mẫu cúm A gây bệnh trên gia cầm độc lực cao như H5N1, H7N9 cũng đã từng được lây bệnh sang người.

Trong đó, cúm A (H9N2) là vi rút độc lực thấp, lưu hành trong đàn gia cầm ở châu Phi, châu Á, Trung Đông và châu Âu. Từ sau khi ca H9N2 trên người đầu tiên được báo cáo vào cuối thập niên 1990, đến nay vẫn phát hiện vi rút rải rác trên người, heo và một số động vật có vú khác và vẫn cần được quan tâm giám sát, dự phòng.

Các biện pháp phòng cúm hệu quả

Cúm là một bệnh truyền nhiễm lưu hành hằng năm trên thế giới trong đó có Việt Nam. Ở miền Nam, bệnh xuất hiện quanh năm, và có thể gây ra các vụ dịch nhỏ. Vi rút cúm có thể lây từ người sang người hoặc từ động vật sang người qua giọt bắn hoặc qua đường không khí.

Biện pháp phòng bệnh chính vẫn là tiêm vắc xin cúm hằng năm để phòng lây nhiễm các vi rút cúm đang chiếm ưu thế; đồng thời mỗi người cần thực hiện nghiêm túc các biện pháp vệ sinh cá nhân như rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh sau khi tiếp xúc với vật nuôi…, ăn chín uống sôi, không sử dụng sản phẩm từ gia cầm bệnh, chết hoặc không rõ nguồn gốc.

Đối với người già và người có bệnh lý nền cần theo dõi sát sức khỏe bản thân, điều trị ổn định bệnh lý nền , nâng cao sức đề kháng để chống lại bệnh. Khi phát hiện gia cầm bệnh, chết bất thường cần thông báo ngay cho cơ quan thú y địa phương để được xử lý đúng quy định.

Trong bối cảnh hiện nay, đã có liên tiếp nhiều trường hợp cúm A (H5N1) trên người xuất hiện tại nước láng giềng Campuchia; đồng thời các nhà khoa học luôn quan ngại về nguy cơ xuất hiện một đại dịch khác có thể lây từ động vật sang người. Để chủ động kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn TP.HCM, Sở Y tế sẽ tăng cường phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để nâng cao năng lực kiểm soát các bệnh lây truyền từ động vật sang người theo hướng tiếp cận Một sức khỏe (One Health).

Minh Tuấn

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/phat-hien-ca-mac-cum-a-h9n2-dau-tien-tai-viet-nam-168714.html