Pháp 'xoa dịu' Bắc Kinh trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh EU-Trung Quốc

Các quan chức châu Âu đã nhiều lần tuyên bố sẽ giảm sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc trong các lĩnh vực quan trọng – hay còn gọi là 'giảm thiểu rủi ro'.

Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna hôm 24/11 đã có chuyến thăm đến Bắc Kinh, chủ yếu tập trung vào việc khuyến khích trao đổi giữa công dân của hai nước, như sinh viên và khách du lịch. Nhưng chuyến thăm có nguy cơ bị “phủ bóng” bởi các vấn đề thương mại sau khi EU khởi động cuộc điều tra mà Trung Quốc gọi là “chủ nghĩa bảo hộ”.

Cuộc điều tra chống trợ cấp của Liên minh châu Âu (EU), do Pháp thúc đẩy, nhắm vào xe điện Trung Quốc đã khiến Bắc Kinh phản ứng gay gắt.

“Chúng tôi thực sự cam kết đối thoại với Trung Quốc”, bà Colonna nói với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (Li Qiang), đồng thời cho biết thêm rằng bà rất vinh dự và vui mừng được gặp lại ông sau cuộc hội đàm ở Paris hồi tháng 6.

“Hai nước là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và đều có trách nhiệm toàn cầu... tìm ra câu trả lời cho những thách thức lớn, đặc biệt là những thách thức về khí hậu, đa dạng sinh học và bất cứ điều gì có thể làm dịu căng thẳng trên thế giới”, nhà ngoại giao hàng đầu của Pháp cho biết.

Lo ngại sâu sắc

Chuyến đi của bà Colonna diễn ra trước chuyến thăm của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tới Bắc Kinh vào đầu tháng 12 để dự Hội nghị Thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên với Chủ tịch Tập Cận Bình sau 4 năm, với việc quan hệ Trung Quốc-EU lao dốc kể từ thời đại dịch.

Các quan chức châu Âu đã nhiều lần tuyên bố sẽ giảm sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc trong các lĩnh vực quan trọng – hay còn gọi là “giảm thiểu rủi ro” (de-risking).

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người đã gặp ông Tập ở Trung Quốc hồi đầu năm nay, đã lập luận rằng EU nên ngừng “ngây thơ” khi yêu cầu một sân chơi bình đẳng với các nước như Trung Quốc, đồng thời ở hậu trường đã thúc đẩy EC tiến hành cuộc điều tra chống trợ cấp nói trên.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (Li Qiang) và Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna hội đàm tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, ngày 24/11/2023. Ảnh: AP/NHRegister

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Pháp, nhưng các công ty Pháp và châu Âu lo ngại sâu sắc về sự mất cân bằng thương mại quá lớn của Trung Quốc với EU, vấn đề về truyền dữ liệu xuyên biên giới và xe điện giá rẻ của Trung Quốc tràn ngập thị trường châu Âu, đe dọa các nhà sản xuất ô tô của “lục địa già”.

Pháp cũng lo ngại về việc các công ty mỹ phẩm Pháp bị ép buộc chia sẻ bí mật sản xuất với các bên Trung Quốc.

Theo cơ quan hải quan Trung Quốc, Pháp là nguồn nhập khẩu mỹ phẩm và rượu vang hàng đầu của Trung Quốc, trong đó các hãng hàng xa xỉ khổng lồ của Pháp như LMVH đặc biệt phụ thuộc vào người tiêu dùng Trung Quốc. Nhu cầu hàng xa xỉ không phục hồi mạnh mẽ sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại sau đại dịch đã khiến các nhà đầu tư lo sợ.

Trong cuộc điện đàm với ông Macron hôm 20/11, ông Tập nhấn mạnh rằng Trung Quốc hoan nghênh đầu tư từ các công ty Pháp. Trong khi đó, nhà lãnh đạo Pháp kêu gọi đối xử công bằng đối với các công ty nước ngoài ở Trung Quốc.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Pháp Colonna, đã thể hiện quan điểm lạc quan về mối quan hệ song phương rộng lớn hơn.

“Dưới sự lãnh đạo chiến lược của Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Macron, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Pháp ngày càng phát triển tốt hơn về mọi mặt kể từ năm nay”, ông Lý nói.

“Năm tới sẽ là kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Pháp, và cả hai bên đang duy trì những nỗ lực của mình với hy vọng rằng năm thứ 60 sẽ chứng kiến một bước phát triển lớn và một bước đột phá lớn”, Thủ tướng Trung Quốc cho biết.

“Lẽ thường có thể chiếm ưu thế”

Liên quan vấn đề xe điện, hôm 23/11, Đại sứ Trung Quốc tại EU Phó Thông (Fu Cong) đã bác bỏ tuyên bố gần đây của EC rằng Trung Quốc đang xuất khẩu lượng xe điện dư thừa sang thị trường châu Âu.

“Tôi muốn nhấn mạnh thực tế là các công ty Trung Quốc đang bán ô tô ở châu Âu không phải là dấu hiệu của tình trạng dư thừa công suất”, ông Phó Thông cho biết trong Diễn đàn Châu Âu-Trung Quốc được tổ chức bởi Friends of Europe, một tổ chức tư vấn phi lợi nhuận có trụ sở tại Brussels về chính sách của EU.

Khoảng 300 người đã tham gia sự kiện, bao gồm các nhà hoạch định chính sách, doanh nhân và nhà nghiên cứu, đã tham dự sự kiện này.

Đại sứ Trung Quốc tại EU Phó Thông (Fu Cong) khẳng định việc các công ty Trung Quốc bán ô tô ở châu Âu không phải là dấu hiệu của tình trạng dư thừa công suất. Ảnh: Asia News Today

“Rõ ràng là có tình trạng dư thừa công suất ở Trung Quốc và lượng dư thừa này sẽ được xuất khẩu”, Chủ tịch EC von der Leyen cho biết hồi tuần trước, lập luận rằng đây là lý do khiến EU tiến hành cuộc điều tra chống trợ cấp đối với xe điện của Trung Quốc.

Bác bỏ những tuyên bố như vậy, ông Phó Thông đặt câu hỏi: “Nếu việc tìm kiếm thị trường nước ngoài có thể tự động được hiểu là dư thừa năng lực, thì các công ty châu Âu đang làm gì ở thị trường Trung Quốc?”

Ông nêu lên mối lo ngại về tính công bằng của việc khởi động cuộc điều tra và các thủ tục của nó, đồng thời bày tỏ hy vọng rằng “lẽ thường có thể chiếm ưu thế” trong các cuộc thảo luận về vấn đề này.

Vị Đại sứ trấn an khu vực doanh nghiệp châu Âu rằng Trung Quốc cam kết cải cách và mở cửa, đồng thời thúc đẩy phát triển chất lượng cao. “Điều này có nghĩa là có nhiều cơ hội hơn cho các công ty châu Âu”.

Ông cho biết ông tin rằng không có xung đột lợi ích cơ bản giữa Trung Quốc và EU, cả về mặt địa chính trị hay kinh tế. Ông nói: “Đúng, hai bên có những khác biệt về một loạt vấn đề, nhưng điều tốt là hai bên đang đàm phán với nhau”.

Minh Đức (Theo Reuters, CGTN)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/phap-xoa-diu-bac-kinh-truoc-them-hoi-nghi-thuong-dinh-eu-trung-quoc-a637651.html