Pháp và Đức muốn châu Âu hỗ trợ ngành công nghiệp để 'phản công' Mỹ

Pháp và Đức đang yêu cầu Ủy ban châu Âu (EC) nới lỏng các quy định trợ giúp nhà nước cho các doanh nghiệp, các điều khoản 'trợ cấp có mục tiêu và tín dụng thuế' cho các lĩnh vực chiến lược.

Ô tô điện tại một bãi đỗ xe ở Romorantin-Lanthenay, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN

Báo Les Echos mới đây có bài viết "Hỗ trợ công nghiệp: Pháp và Đức muốn chống lại Mỹ" cho rằng Pháp và Đức đang muốn phối hợp "phản công" lại Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ.

Hai nền kinh tế "đầu tàu" châu Âu đang yêu cầu Ủy ban châu Âu (EC) nới lỏng các quy định trợ giúp nhà nước cho các doanh nghiệp, các điều khoản "trợ cấp có mục tiêu và tín dụng thuế" cho các lĩnh vực chiến lược.

Đối mặt với việc Mỹ muốn trợ cấp ồ ạt cho ngành công nghiệp Mỹ, Pháp và Đức bắt đầu cụ thể hóa một cuộc "phản công chung" từ đầu tuần này. Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire và người đồng cấp Đức Robert Habeck vừa gửi văn bản "đóng góp Pháp-Đức" tới EC.

Hai quốc gia chiếm hơn 40% GDP của Liên minh châu Âu (EU) đã yêu cầu cơ quan hành pháp châu Âu "xem xét" các đề xuất dự kiến sẽ đệ trình ngay đầu năm mới để đối phó với chủ nghĩa bảo hộ ngày càng tăng của Mỹ.

Trong tài liệu cho thấy quyết tâm của hai nước mà các quan chức này gửi EC có khẳng định rằng "chúng ta phải dẫn đầu các nỗ lực chung để đảm bảo cơ sở công nghiệp của châu Âu, đặc biệt là các ngành công nghiệp xanh then chốt".

Pháp và Đức bắt đầu bằng việc nhắc lại việc Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đồng ý nới lỏng các điều luật được thông qua vào mùa Hè trong khuôn khổ Đạo luật Giảm lạm phát. Dự kiến ông Bruno Le Maire và ông Robert Habeck sẽ tới Mỹ trong tháng tới để "trao đổi lại với người Mỹ" về vấn đề này.

Cả Pháp và Đức đều muốn có những "ngoại lệ" trong các biện pháp bảo hộ của Mỹ đối với 27 nước EU. Theo đó, các sản phẩm được sản xuất tại châu Âu phải "có chung điều kiện nhận tín dụng thuế" mà Mỹ cấp "giống như các sản phẩm của Mỹ". Theo một nguồn tin từ Đức, Đức muốn bằng mọi giá phải tránh để xảy ra "chiến tranh thương mại" với Mỹ.

Trên thực tế, đàm phán giữa EU và Mỹ có thể gặp nhiều rủi ro và các bộ trưởng đều biết rõ điều này. Đây là lý do giải thích tại sao Pháp và Đức đều đang thúc đẩy một "chính sách công nghiệp xanh mới của châu Âu" có sự can thiệp rộng rãi của nhà nước.

Ông Le Maire và ông Habeck muốn "bảo vệ nền tảng công nghiệp vững chắc với những việc làm được trả lương cao", phát triển "các năng lực sản xuất xứng đáng" cho quá trình chuyển đổi năng lượng, nhất là về nguyên liệu thô, "hỗ trợ và nuôi dưỡng các ngành công nghiệp mới nổi khi chúng phải đối mặt với các thực tiễn" làm méo mó sự cạnh tranh ở cấp độ quốc tế.

Cụ thể, Pháp và Đức đã nhất trí ủng hộ việc châu Âu nới lỏng các quy định điều chỉnh trợ cấp nhà nước cho các doanh nghiệp. Một sự thay đổi lớn về học thuyết ở Đức, nơi vẫn tôn trọng các điều kiện cạnh tranh công bằng được áp dụng cho đến nay.

Theo quan điểm mới của Pháp và Đức, "các quy định hiện hành về trợ giúp của nhà nước có thể linh hoạt hơn trong lĩnh vực công nghệ xử lý. Chúng ta cần các quy trình ra quyết định đơn giản hơn, nhanh hơn và dễ đoán hơn.

Tiếp đến, "các biện pháp tương đương" với những gì được thực hiện trên phạm vi quốc tế phải được áp dụng cho các ngành công nghiệp chiến lược của châu Âu như năng lượng gió, máy bơm nhiệt, hydro hoặc quang điện, tức là tất cả các lĩnh vực được Đạo luật Giảm lạm phát hỗ trợ rất nhiều. Văn bản gửi EC của hai nước này đề xuất "thử nghiệm các khoản trợ cấp có mục tiêu và chế độ tín dụng thuế" cho các ngành công nghiệp trọng điểm.

Pháp và Đức cũng đề nghị EC mở rộng phạm vi "các dự án quan trọng mang lợi ích chung của châu Âu" (PIIEC) ngoài các công nghệ đổi mới duy nhất có liên quan hiện nay (hydro, vi điện tử, pin, đám mây…).

PIIEC hiện đang được hưởng lợi từ các điều khoản nằm trong một khuôn khổ linh hoạt hơn về trợ của nhà nước ở châu Âu. Theo đề nghị chung, thời gian để PIIEC được phê duyệt "nên được rút ngắn một nửa".

Tuy nhiên, tài liệu do Pháp và Đức biên soạn vẫn chưa nói rõ nguồn tài chính phục vụ chính sách "công nghiệp" này sẽ được lấy từ đâu, mà mới chỉ đề cập như giai đoạn đầu, một sự "tái định hướng" các ngân quỹ châu Âu chưa được sử dụng, chẳng hạn như quỹ phục hồi hậu COVID-19, cũng như "đánh giá" vai trò của các tổ chức tài chính như Ngân hàng Đầu tư châu Âu.

Trên thực tế, cho đến nay Pháp vẫn vấp phải trở ngại từ việc phản đối thiết lập một quỹ châu Âu chung, điều mà Đức coi là một bước đệm cho các khoản nợ chung mới. Cần biết rằng liên minh cầm quyền tại Đức luôn phản đối gay gắt với mọi ý tưởng vay thêm của châu Âu mà Pháp thúc đẩy. Theo một nguồn tin từ Bộ Kinh tế Đức, EU hiện "vẫn còn rất nhiều tiền chưa được sử dụng và vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào để huy động số tiền này".

Chưa hết, trong sự "đồng quy" của cặp Pháp-Đức vẫn còn một giới hạn khác liên quan đến góc độ phương pháp. Đức không muốn gây căng thẳng với Mỹ bằng cách đe dọa sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại của châu Âu. Nhưng chương trình nghị sự mới mà Đức thúc đẩy hướng tới một hiệp định thương mại tự do giữa EU và Mỹ ngược lại đã không nhận được sự ủng hộ của Pháp.

Trong tài liệu gửi EC, ngoài phản ứng của châu Âu, Pháp và Đức cam kết sẽ sử dụng các biện pháp ở cấp độ quốc gia. Đặc biệt đối với đấu thầu công khai, hai quốc gia có ý định "nghiên cứu đưa vào các tiêu chí định tính".

Về phần mình, Pháp có ý tưởng tạo điều kiện cho "các sản phẩm tuân thủ các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Tài liệu khẳng định "kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên EU thực hiện các bước đi tương tự". "Quả bóng" hiện đang ở phần sân EC và 25 thành viên còn lại của EU./.

Nguyễn Tuyên (P/v TTXVN tại Paris)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/phap-va-duc-muon-chau-au-ho-tro-nganh-cong-nghiep-de-phan-cong-my/272878.html