Pháp và Anh tăng mạnh ngân sách quốc phòng

Cuối tháng 9 vừa qua, Pháp và Anh đã công bố tăng mạnh ngân sách cho quốc phòng trong năm 2023. Trong khi Anh chưa có kế hoạch chi tiêu cụ thể thì Pháp đã nhanh chóng đưa ra những thông tin khá chi tiết.

Theo trang Breaking Defense, đề xuất mới về ngân sách quốc phòng của Pháp vào năm 2023 sẽ là 43,9 tỷ euro (42,2 tỷ USD), tăng 3 tỷ euro (2,89 tỷ USD), tương đương mức tăng 7,4% so với năm 2022. Điều đó tiếp nối xu hướng tăng chi tiêu quốc phòng của nước này kể từ năm 2017, nhằm mục đích tới đây khoản chi cho ngân sách quốc phòng phải tương đương 2% GDP, đáp ứng yêu cầu của khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Đề xuất ngân sách công bố hôm 27-9 sẽ cần được Quốc hội nước này thảo luận và thông qua trong vòng 70 ngày, song gần như chắc chắn sẽ được phê duyệt bởi nó đi đúng quỹ đạo 5 năm theo Luật lập trình quân sự (LPM) 2019-2025 đã được Quốc hội Pháp thông qua ngày 13-7-2018.

Máy bay chiến đấu Rafale do Hãng Dassault Aviation của Pháp sản xuất. Ảnh: Dassault Aviation

Trong các khoản chi tiêu quốc phòng, Pháp sẽ dành 25,6 tỷ euro (24,6 tỷ USD) vào việc mua sắm vũ khí trang bị. Lĩnh vực chi tiêu lớn thứ hai là tiền lương (12,4 tỷ USD), với kế hoạch tuyển dụng 29.700 nhân sự mới (trong đó có 24.000 quân nhân) và tạo ra 1.500 việc làm mới trong lĩnh vực tình báo và an ninh mạng.

Hồi đầu tháng 9, Bộ trưởng Bộ Quân đội Pháp Sébastien Lecornu đã đề cập đến nhu cầu tăng dự trữ đạn dược, một mối lo ngại mà các bộ trưởng quốc phòng châu Âu đưa ra trong thời gian gần đây. Cụ thể, năm 2023, Pháp sẽ dành 2 tỷ euro (1,93 tỷ USD) mua sắm đạn dược, trong đó có tên lửa không đối không MICA thế hệ mới.

Bộ Quân đội Pháp cũng sẽ được bổ sung thêm một số trang bị vũ khí quan trọng bao gồm: 13 máy bay chiến đấu Rafale, 13 máy bay tiêm kích đa nhiệm Mirage M2000 D, 3 máy bay vận tải tiếp nhiên liệu đa năng A330 MRTT Phénix, 2 máy bay vận tải A400M Atlas, 5 máy bay trực thăng quân sự NH90, 5 máy bay trực thăng tấn công Tiger, 18 xe tăng chiến đấu chủ lực Leclerc, một tàu tiếp nhiên liệu, một tàu ngầm tấn công hạt nhân, một tàu tuần tra, thiết bị chống phương tiện bay không người lái (UAV) và 9 UAV chiến thuật.

Ngoài ra, các lực lượng trên bộ sẽ tiếp nhận 264 xe bọc thép mới, bao gồm 123 xe bọc thép đa nhiệm Griffon, 119 xe bọc thép hạng nhẹ đa năng Serval và 22 xe bọc thép trinh sát Jaguar.

Còn tại Anh, Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace trong một cuộc phỏng vấn hồi cuối tháng 9 với tờ Sunday Telegraph đã cho hay, chi tiêu quốc phòng của Anh sẽ tăng gấp đôi vào năm 2029, đạt 100 tỷ bảng Anh (107 tỷ USD) so với con số 48 tỷ bảng Anh (51 tỷ USD) hiện nay.

Cũng theo ông Wallace, Thủ tướng Anh Liz Truss đã cam kết tăng chi tiêu quốc phòng tính theo tỷ trọng GDP lên 2,5% vào năm 2026 và 3% vào năm 2030. Tương tự Pháp, ngân sách quốc phòng của Anh đã tăng đều đặn kể từ năm 2016, khi đạt mốc 41,5 tỷ bảng Anh (44,3 tỷ USD).

Việc Pháp và Anh công bố tăng mạnh ngân sách quốc phòng không nằm ngoài xu hướng gia tăng chi tiêu quốc phòng của các nước châu Âu. Sau khi cuộc xung đột ở Ukraine xảy ra, Chính phủ Đức đã tuyên bố tăng thêm 100 tỷ euro cho ngân sách quốc phòng.

Thụy Điển cũng có kế hoạch phân bổ 2% GDP cho quốc phòng trong những năm tới. Ba Lan thậm chí còn dự kiến tăng 3% GDP cho quốc phòng từ năm 2023 trở đi. Các tuyên bố tương tự cũng được đưa ra ở Hà Lan, Áo, Bỉ, Đan Mạch, Estonia, Na Uy, Romania và Tây Ban Nha.

Tuy nhiên, đa số các khoản chi ngân sách quốc phòng tập trung vào mua sắm trang bị vũ khí, còn hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) trong lĩnh vực quốc phòng dường như chưa được các nước trong khối quan tâm đầy đủ, theo nhà nghiên cứu Alexandra Marksteiner của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI).

Trước đó, theo dữ liệu do SIPRI công bố, bất chấp đại dịch Covid-19, chi tiêu quốc phòng toàn cầu năm 2021 đạt 2.100 tỷ USD, cao nhất mọi thời đại. Con số này được dự báo tới đây sẽ còn tăng cao hơn nữa. Chi tiêu quân sự tăng đồng nghĩa với việc gia tăng mức độ phổ biến vũ khí trên khắp thế giới và điều đó mang lại nhiều rủi ro. Nó dẫn đến các cuộc chạy đua vũ trang, và tất nhiên, không loại trừ vũ khí có thể rơi vào tay phần tử cực đoan, gây ra những hậu quả khó lường.

Tuy nhiên, các nước châu Âu vẫn tin rằng, việc sở hữu những vũ khí hiện đại và một tiềm lực quốc phòng mạnh, ngoài việc gia tăng sức mạnh quân sự cho các quốc gia trong châu lục thì ít nhiều còn mang tính răn đe, khiến đối thủ của họ, nếu có, sẽ phải e dè trước bất kỳ một kế hoạch quân sự nào.

HÀ PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/phap-va-anh-tang-manh-ngan-sach-quoc-phong-707226