Pháp và Anh cạnh tranh khốc liệt để giành vương miện AI của Châu Âu

Cả Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã đưa ra những tuyên bố táo bạo về AI trong những tuần gần đây, khi mỗi bên đều cố gắng chứng minh là trung tâm AI của Châu Âu…

Macron chia sẻ với Karen Tso của CNBC tại hội nghị công nghệ hàng năm của Pháp Viva Tech “Tôi nghĩ chúng tôi đứng số một về AI ở lục địa châu Âu và chúng tôi phải tăng tốc”. Trong khi Sunak gọi Vương quốc Anh là ngôi nhà của quy định an toàn AI toàn cầu tại Tuần lễ Công nghệ Luân Đôn.

AI được coi là một cuộc cách mạng và do đó công nghệ này có tầm quan trọng chiến lược đối với các chính phủ trên toàn thế giới. Sự cường điệu xung quanh công nghệ đã được khơi dậy một phần bởi bản chất lan truyền của ChatGPT. Đây cũng là nguồn gốc của căng thẳng công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc khi các quốc gia trên thế giới cố gắng khai thác tiềm năng của những công nghệ quan trọng nhất.

ANH VÀ PHÁP TÍCH CỰC ĐẦU TƯ VÀO AI

Tại VivaTech ở Paris, Macron đã công bố khoản tài trợ mới trị giá 500 triệu euro (562 triệu USD) để tạo ra những “nhà vô địch” AI mới. Điều này xuất phát từ các cam kết trước đây của chính phủ bao gồm lời hứa bơm 1,5 tỷ euro vào trí tuệ nhân tạo trước năm 2022, trong nỗ lực bắt kịp thị trường Mỹ và Trung Quốc.

“Chúng tôi sẽ đầu tư mạnh vào đào tạo và nghiên cứu” Macron chia sẻ với CNBC, đồng thời cho biết thêm rằng Pháp có vị trí thuận lợi trong lĩnh vực AI nhờ khả năng tiếp cận nhân tài và các công ty khởi nghiệp hình thành xung quanh công nghệ này.

Vào tháng 3, chính phủ Vương quốc Anh đã cam kết đầu tư 1 tỷ bảng Anh (1,3 tỷ USD) cho nghiên cứu siêu máy tính và AI, vì nước này có vẻ sẽ trở thành một “siêu cường khoa học và công nghệ”.

Là một phần của chiến lược, chính phủ cho biết họ muốn chi khoảng 900 triệu bảng Anh để xây dựng một máy tính “exascale” có khả năng xây dựng “BritGPT” của riêng mình, thứ sẽ cạnh tranh với chatbot AI tổng hợp của OpenAI.

Tuy nhiên, một số quan chức đã chỉ trích cam kết tài trợ, họ nói rằng khoản đầu tư này không đủ để giúp Vương quốc Anh cạnh tranh với những người khổng lồ như Mỹ và Trung Quốc.

Sajid Javid, cựu bộ trưởng chính phủ trong nội các của cựu Thủ tướng Boris Johnson, cho biết trong một cuộc thảo luận bên lề tại Tuần lễ Công nghệ Luân Đôn: “Nghe có vẻ tuyệt vời nhưng việc này không thực tế”.

CHÍNH SÁCH QUẢN LÝ AI KHÁC NHAU Ở 2 QUỐC GIA

Một điểm khác biệt lớn giữa Vương quốc Anh và Pháp là cách mỗi quốc gia lựa chọn điều chỉnh trí tuệ nhân tạo và các luật đã có sẵn ảnh hưởng đến công nghệ chuyển động nhanh này.

Liên minh châu Âu có Đạo luật AI, được coi là bộ luật toàn diện đầu tiên tập trung vào trí tuệ nhân tạo ở phương Tây. Luật này đã được các nhà lập pháp tại Nghị viện châu Âu phê chuẩn vào tháng 6.

Đạo luật này đánh giá các ứng dụng khác nhau của AI dựa trên rủi ro. Ví dụ: hệ thống nhận dạng sinh trắc học và tính điểm xã hội theo thời gian thực được coi là gây ra “rủi ro không thể chấp nhận được” và do đó bị cấm theo quy định.

Theo Minesh Tanna, Pháp sẽ chịu sự quản lý trực tiếp của Đạo luật AI và sẽ “không ngạc nhiên” nếu cơ quan quản lý của Pháp, CNIL hoặc cơ quan quản lý mới dành riêng cho AI thực hiện “cách tiếp cận tích cực” đối với việc thực thi đạo luật này.

Tại Vương quốc Anh, thay vì ban hành luật dành riêng cho AI, chính phủ đã đưa ra sách trắng tư vấn cho các cơ quan quản lý ngành khác nhau về cách họ nên thực thi các quy tắc hiện hành đối với các lĩnh vực tương ứng của họ. Sách trắng sử dụng cách tiếp cận dựa trên nguyên tắc để điều chỉnh AI.

Tanna nói thêm: “Trong thế giới hậu Brexit, cách tiếp cận của Vương quốc Anh được thúc đẩy bởi mong muốn khuyến khích đầu tư vào AI, điều này mang lại cho Vương quốc Anh nhiều sự tự do và linh hoạt hơn trong việc đưa ra quy định ở mức độ phù hợp để khuyến khích đầu tư”

Ngược lại, Đạo luật AI của EU có thể khiến Pháp “kém hấp dẫn hơn” đối với việc đầu tư vào trí tuệ nhân tạo do nước này đặt ra một chế độ quản lý nặng nề cho AI, Tanna nói.

AI SẼ LÀ NGƯỜI CHIẾN THẮNG?

Anton Dahbura, đồng giám đốc Viện Johns Hopkins chia sẻ với CNBC qua email “Pháp chắc chắn có cơ hội trở thành nước dẫn đầu ở châu Âu, nhưng quốc gia này phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ Đức và Anh,”

Alexandre Lebrun, Giám đốc điều hành của Nabla cho biết Vương quốc Anh và Pháp “có lẽ ngang nhau” khi xét về mức độ hấp dẫn để thành lập một công ty AI. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng Đạo luật AI của EU sẽ khiến các công ty khởi nghiệp “không thể” xây dựng AI ở EU.

Lebrun nói thêm: “Nếu Vương quốc Anh thông qua một đạo luật hơp lý hơn, thì chắc chắn nước này sẽ giành chiến thắng trước EU và Pháp”.

Tuy nhiên, nhiều người đã nói rằng London là một nơi không hấp dẫn đối với các doanh nhân công nghệ. Keir Starmer, lãnh đạo đảng Lao động đối lập, nói rằng một loạt cuộc khủng hoảng chính trị ở nước này đã làm sứt mẻ tâm lý của nhà đầu tư đối với công nghệ nói chung.

“Nhiều nhà đầu tư nói với tôi rằng chúng tôi không đầu tư vào Vương quốc Anh ngay bây giờ vì chúng tôi không thấy các điều kiện chắc chắn về mặt chính trị mà chúng tôi cần để đầu tư” Starmer nói.

Claire Trachet, Giám đốc tài chính của công ty khởi nghiệp công nghệ Pháp YesWeHack, cho biết cả Vương quốc Anh và Pháp đều có tiềm năng thách thức sự thống trị của những gã khổng lồ AI của Hoa Kỳ.

Bà nói: “Để thực sự tạo ra tác động có ý nghĩa, họ phải tận dụng các nguồn lực tập thể của mình, thúc đẩy sự hợp tác và đầu tư vào việc nuôi dưỡng một hệ sinh thái mạnh mẽ”.

Nguyễn Hà

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/phap-va-anh-canh-tranh-khoc-liet-de-gianh-vuong-mien-ai-cua-chau-au.htm