Pháp thông qua dự luật cải cách hưu trí gây tranh cãi

Chính phủ Pháp đã vận dụng một điều khoản đặc biệt trong hiến pháp để thông qua dự luật cải cách hưu trí gây tranh cãi mà không cần bỏ phiếu ở Hạ viện. Động thái này cho thấy khó khăn mà Tổng thống Macron phải đối mặt khi thúc đẩy chương trình nghị sự của mình trong nhiệm kỳ thứ hai, trong lúc sự ủng hộ đang bị giảm sút đáng kể.

Theo truyền thông Pháp, chỉ vài chục phút trước khi đến cuộc bỏ phiếu ở Hạ viện, Tổng thống Pháp vẫn còn phải họp với các chính trị gia hàng đầu. Ông chỉ đưa ra quyết định vượt quyền Quốc hội trong phút chót.

DÙNG QUYỀN ĐẶC BIỆT, THÔNG QUA CẢI CÁCH

Tại Hạ Viện Pháp, các nghị sĩ đã đợi sẵn trong tâm thế đối đầu.

Cảm ơn. Tôi mời các nghị sĩ mang các tấm bảng phản đối đi ngay lập tức, hành động này trái với quy tắc của chúng ta. Và tôi xin nhường quyền phát biểu cho Bà Thủ tướng.

Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne được chào đón bởi những tiếng la ó khi chuẩn bị thông báo rằng bà sẽ viện dẫn điều 49.3 của hiến pháp để bỏ qua cuộc bỏ phiếu cho dự luật cải cách lương hưu.

Phiên họp tạm dừng trong hai phút sau khi các nhà lập pháp cánh tả hát quốc ca nhằm ngăn cản Thủ tướng phát biểu.

NGUY CƠ LÚN SÂU KHỦNG HOẢNG

"Hỗn loạn" là từ mà báo chí miêu tả về tình hình bên trong Quốc hội, và bên ngoài tòa nhà, trên các đường phố, khắp các thành phố của Pháp…

Biểu tình bùng phát thành bạo lực diễn ra khắp nơi. Từ Paris tới Nantes, từ Marseilles đến Donges, Lille, Lion, những ngọn lửa bùng lên từ sự giận dữ của người lao động Pháp.

Chính phủ và Tổng thống Pháp Macron đã lường trước được điều này bởi biểu tình đã diễn ra suốt 2 tháng qua. Người dân phản đối một số chi tiết trong “Dự luật cải cách hệ thống hưu trí mới”, theo đó, tuổi nghỉ hưu sẽ được nâng dần từ mức 62 tuổi hiện nay 64 tuổi vào năm 2030. Các nghiệp đoàn cho rằng, điều này không công bằng với người lao động chân tay vốn bắt đầu làm việc từ sớm và sẽ khiến họ phải làm việc lâu hơn so với những người làm văn phòng.

Dự kiến một cuộc tổng đình công và biểu tình lớn trên toàn quốc sẽ diễn ra vào ngày 23/3. Các lực lượng chính trị đối lập tuyên bố sẽ trình các kiến nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính phủ.

Những diễn biến cho thấy, nếu không nhanh chóng tìm ra giải pháp phù hợp với lợi ích của các bên, nước Pháp có thể lún sâu hơn nữa vào vòng xoáy bất ổn chính trị và xã hội, vốn vẫn chờ bùng phát thời gian qua.

Thực hiện : Hồng Nhung Anh Tuấn

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/phap-thong-qua-du-luat-cai-cach-huu-tri-gay-tranh-cai