Pháp mạnh tay với sản phẩm tăng giá trá hình

Trong nhiều tháng qua, Carrefour - chuỗi siêu thị lớn nhất Pháp - đã để nhãn thông báo trước một số sản phẩm thực phẩm bị nghi là giảm kích cỡ nhưng giá lại không đổi, thậm chí còn tăng lên.

Chính phủ Pháp giờ đây xem chiêu thức này, gọi là "shrinkflation" (tạm dịch là "lạm phát thu nhỏ"), là lừa dối khách hàng và đang đẩy mạnh nỗ lực chấm dứt nó.

Theo quy định mới được công bố hôm 19-4, mọi nhà bán lẻ thực phẩm ở nước này được yêu cầu có bước đi giống như trên. Cụ thể, đến ngày 1-7, các cửa hàng sẽ phải để nhãn cảnh báo trước tất cả sản phẩm bị giảm kích thước hoặc trọng lượng nhưng lại không giảm giá tương ứng. Cảnh báo này sẽ được duy trì trong vòng 2 tháng sau khi sản phẩm lên kệ.

Nhà chức trách cũng khuyến khích người mua hàng gửi thông tin đến cơ quan chức năng thông qua ứng dụng hoặc website nếu nghi ngờ có sản phẩm nào liên quan đến hành vi nói trên. Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire nhấn mạnh yếu tố minh bạch là cần thiết để khôi phục niềm tin của người tiêu dùng.

Theo tờ The New York Times, "lạm phát thu nhỏ" đã khiến nhiều người mua sắm tại Pháp không khỏi bức xúc. Đây còn là vấn đề chính trị của Tổng thống Emmanuel Macron trong bối cảnh người tiêu dùng tiếp tục đối mặt cuộc khủng hoảng về chi phí sinh hoạt. Tại Pháp, lạm phát hiện đã giảm hơn 1/3 so với một năm trước nhưng giá thực phẩm vẫn còn cao. Một giỏ thực phẩm cơ bản hiện vẫn cao hơn 3%-5% so với cách đây một năm.

Nhãn thông báo về “lạm phát thu nhỏ” tại một siêu thị Carrefour ở gần thủ đô Paris - Pháp hồi tháng 9-2023 Ảnh: REUTERS

Theo Reuters, chính phủ Pháp đã có một số động thái nhằm giảm giá thực phẩm hơn nữa trong năm nay, như yêu cầu các nhà bán lẻ và nhà cung cấp kết thúc cuộc đàm phán thường niên về giá trong tháng 1-2024, sớm hơn 2 tháng so với thông thường.

Ngoài ra, Paris còn gây sức ép lên các công ty để hạn chế tăng giá. Giờ đây, chiến dịch chống "lạm phát thu nhỏ" là vũ khí mới nhất. Không dừng lại ở đó, Pháp đã trình lên Liên minh châu Âu đề xuất buộc các nhà bán lẻ thực phẩm khắp châu Âu tiến hành chiến dịch tương tự.

Cuộc chiến chống lại "lạm phát thu nhỏ" cũng đang được đẩy mạnh tại Mỹ, nơi Tổng thống Joe Biden chỉ trích các công ty thực phẩm tăng giá ngay cả khi lạm phát không còn cao như trước. Trước đó, nhiều công ty hàng tiêu dùng toàn cầu đã tăng giá từ 10% trở lên trong năm qua, lấy lý do giá nguyên liệu và chi phí lao động tăng. Tuy vậy, nhiều công ty trong số này đã báo cáo lợi nhuận tăng mạnh khi bán ít sản phẩm hơn với giá cao hơn.

Hoàng Phương

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/phap-manh-tay-voi-san-pham-tang-gia-tra-hinh-196240420204119845.htm