Pháp luật và cuộc sống: Trách nhiệm người làm chứng

Do bận công việc, đã lâu rồi tôi mới về quê (phường Lê Hồng Phong, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi).

Biết tôi về, bác Võ Thành Hồ là bạn vong niên với ba tôi, nhà ở cạnh bên qua chơi. Vừa thấy tôi, bác đã nói:

- Lâu quá cán bộ mới về quê, hôm nay bác có việc nhờ đây.

- Có việc gì bác cứ nói, cháu xem có giúp bác được gì không ạ?

- Chuyện là mấy anh em con ông Cường, bà Bửu kiện người anh cả là Xuân ra tòa. Họ đòi quyền thừa kế di sản là 64m2 đất mà từ năm 1982, khi còn sống, ông Cường, bà Bửu đã cho vợ chồng anh Xuân làm nhà ở ổn định, liên tục cho đến nay. Lúc cho chẳng có giấy tờ gì nhưng có bác và chú Bảy biết sự việc. Anh Xuân đề nghị và tòa án đã triệu tập bác và chú Bảy là người làm chứng. Do già yếu, đi lại khó khăn, bác muốn từ chối làm chứng nhưng lương tâm và trách nhiệm không cho phép, vậy bác cần làm thế nào để không phải đến tòa mà vẫn có lời khai hợp pháp về sự việc?

Ảnh minh họa / Vietnam+

- Thưa bác, theo Điều 77 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, nếu bác là người biết các tình tiết liên quan đến nội dung vụ việc, được anh Xuân đề nghị và tòa án triệu tập tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng, thì lời khai của bác là một trong những nguồn chứng cứ để tòa án xem xét, giải quyết vụ việc.

Quyền và nghĩa vụ của người làm chứng như bác Thành Hồ được quy định tại Điều 78 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Theo đó, người làm chứng phải cung cấp toàn bộ thông tin, tài liệu, đồ vật mà mình có được có liên quan đến việc giải quyết vụ việc; khai báo trung thực những tình tiết mà mình biết có liên quan đến việc giải quyết vụ việc...

Đồng thời, theo quy định tại Điều 229 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì người làm chứng có nghĩa vụ tham gia phiên tòa theo giấy triệu tập của tòa án; trường hợp người làm chứng vắng mặt thì hội đồng xét xử quyết định vẫn tiến hành xét xử hoặc hoãn phiên tòa. Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử trong trường hợp người làm chứng vắng mặt nhưng trước đó đã có lời khai trực tiếp với tòa án hoặc gửi lời khai cho tòa án. Chủ tọa phiên tòa công bố lời khai đó...

Như vậy, để việc vắng mặt không làm ảnh hưởng đến việc xét xử của tòa án thì bác Thành Hồ phải làm đơn xin vắng mặt, đồng thời gửi bản tự khai của mình đến tòa án. Đơn và bản tự khai của bác Thành Hồ phải được chứng thực chữ ký. Việc chứng thực chữ ký có thể thực hiện tại văn phòng công chứng hoặc UBND cấp xã theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16-2-2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch.

Theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP, khi đến UBND cấp xã yêu cầu chứng thực chữ ký, bác Thành Hồ phải mang theo căn cước công dân, ký trước mặt công chức thực hiện nhiệm vụ chứng thực và phải cam đoan chịu trách nhiệm về nội dung, tính hợp lệ, hợp pháp của giấy tờ, văn bản mà mình yêu cầu chứng thực hoặc xuất trình khi làm thủ tục chứng thực theo quy định.

Sau khi nghe tôi giải thích và hướng dẫn, bác Thành Hồ đã hiểu ra. Cầm tay tôi, bác nói:

- Pháp luật quy định rất cụ thể, rõ ràng. Ngày mai, bác sẽ ra UBND xã để chứng thực chữ ký vào đơn và bản tự khai nộp tòa án cho tròn trách nhiệm của công dân về người làm chứng nhằm nói lên sự thật mà bác biết, còn phán quyết thế nào là do tòa án, cháu nhỉ!

Luật sư ĐĂNG TÂM

* Mời bạn vào chuyên mục Pháp luật xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/cac-van-de/phap-luat-va-cuoc-song-trach-nhiem-nguoi-lam-chung-774392