Pháp luật quy định như thế nào về tình tiết giảm nhẹ hình thức kỷ luật khi xử lý phạm nhân vi phạm?

Bạn đọc Thào Thị Mừng ở xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, hỏi: Pháp luật quy định như thế nào về tình tiết giảm nhẹ hình thức kỷ luật khi xử lý phạm nhân vi phạm?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 21, Nghị định số 133/2020/NĐ-CP ngày 9-11-2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi hành án hình sự. Cụ thể như sau:

Phạm nhân vi phạm có một trong các tình tiết sau đây có thể được xem xét giảm nhẹ hình thức kỷ luật:

1. Vi phạm lần đầu, gây hậu quả không lớn; khai báo thành khẩn, trung thực về vi phạm của mình và những phạm nhân khác; chủ động ngăn chặn hành vi vi phạm của phạm nhân khác; tích cực khắc phục hậu quả do mình gây ra (nếu có).

2. Ăn năn hối cải, nhận rõ sai phạm, tự giác nhận khuyết điểm, tích cực tiếp thu sự giáo dục, sửa chữa vi phạm của mình.

3. Vi phạm do bị phạm nhân khác đe dọa, cưỡng bức, ép buộc, xúi giục, lôi kéo; bị kích động về tinh thần do hành vi vi phạm của phạm nhân khác gây ra hoặc nguyên nhân khách quan khác.

4. Lập công hoặc có thành tích tiêu biểu trong phong trào thi đua chấp hành án phạt tù, có quyết định khen thưởng.

5. Phạm nhân già yếu đối với nam từ đủ 70 tuổi trở lên, nữ từ đủ 65 tuổi trở lên; bị khuyết tật hoặc có nhược điểm về thể chất, tinh thần; bị bệnh hiểm nghèo, ốm, đau nặng; bị bệnh làm hạn chế khả năng nhận thức, điều khiển hành vi của mình; phạm nhân nữ có thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 36 tháng tuổi; phạm nhân là người dưới 18 tuổi.

* Bạn đọc Trần Văn Mạnh ở phường 4, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, hỏi:Đề nghị tòa soạn cho biết, nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật được quy định như thế nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 5, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể như sau:

1. Bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật.

2. Tuân thủ đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

3. Bảo đảm tính minh bạch trong quy định của văn bản quy phạm pháp luật.

4. Bảo đảm tính khả thi, tiết kiệm, hiệu quả, kịp thời, dễ tiếp cận, dễ thực hiện của văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm yêu cầu cải cách thủ tục hành chính.

5. Bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, không làm cản trở việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

6. Bảo đảm công khai, dân chủ trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/phap-luat-quy-dinh-nhu-the-nao-ve-tinh-tiet-giam-nhe-hinh-thuc-ky-luat-khi-xu-ly-pham-nhan-vi-pham-729177