Pháp luật quy định như thế nào về chính sách hỗ trợ đối với người sau cai nghiện ma túy?

* Bạn đọc Nguyễn Văn Sáng ở xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, pháp luật quy định như thế nào về chính sách hỗ trợ đối với người sau cai nghiện ma túy?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 80 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21-12-2021 của Chính phủ. Cụ thể như sau:

1. Người bị quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi khi tiếp tục đi học ở các bậc học phổ thông tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân được miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập. Thủ tục miễn giảm được thực hiện theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27-8-2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

2. Người sau cai nghiện khi tham gia đào tạo nghề nghiệp được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo theo quy định của pháp luật về đào tạo nghề ngắn hạn.

3. Người sau cai nghiện được vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm, được ưu tiên đăng ký tham gia chính sách việc làm công theo quy định của pháp luật về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm.

Căn cứ tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, sở lao động - thương binh và xã hội phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu UBND cấp tỉnh sử dụng các nguồn tín dụng khác để hỗ trợ cho vay ưu đãi đối với người sau cai nghiện để phát triển sản xuất, tạo việc làm.

4. Căn cứ vào khoản 1, 2, 3 điều này, chủ tịch UBND cấp xã trên cơ sở nhu cầu hỗ trợ của người sau cai nghiện, hướng dẫn, hỗ trợ người sau cai nghiện hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đề nghị theo quy định của pháp luật.

* Bạn đọc Nguyễn Thanh Hà ở xã Bạch Đằng, TP Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, hỏi: Việc giải thích, sửa chữa bản án, quyết định của tòa án được quy định như thế nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 365 Văn bản hợp nhất Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2021. Cụ thể như sau:

1. Cơ quan thi hành án hình sự, cơ quan thi hành án dân sự, viện kiểm sát, người bị kết án, bị hại, đương sự liên quan đến việc thi hành án có quyền yêu cầu tòa án đã ra bản án, quyết định giải thích, sửa chữa những điểm chưa rõ trong bản án, quyết định để thi hành.

2. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa đã ra bản án, quyết định có trách nhiệm giải thích, sửa chữa những điểm chưa rõ trong bản án, quyết định của tòa án. Trường hợp thẩm phán chủ tọa phiên tòa không thể thực hiện được thì việc giải thích, sửa chữa do chánh án tòa án đã ra bản án, quyết định đó thực hiện.

QĐND

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Bạn đọc xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/phap-luat-quy-dinh-nhu-the-nao-ve-chinh-sach-ho-tro-doi-voi-nguoi-sau-cai-nghien-ma-tuy-759300