Pháp: EDF có sáu tháng để vạch ra chiến lược hoạt động mới

EDF đang phải đối mặt với nhiều áp lực sau khi các lò phản ứng hạt nhân của họ có số lần ngừng hoạt động nhiều chưa từng có.

Biểu tượng của Tập đoàn Điện lực Pháp (EDF). Ảnh: Reuters

Biểu tượng của Tập đoàn Điện lực Pháp (EDF). Ảnh: Reuters

Chính phủ Pháp đã cho ông Luc Remont, Giám đốc điều hành (CEO) mới của công ty điện lực EDF, sáu tháng để đưa ra một kế hoạch chiến lược cho công ty điện lực đang chìm trong nợ nần nhưng phụ trách phần lớn nguồn cung cấp điện của đất nước.

Trong một lá thư dài ba trang đề ngày 9/12/2022 do Thủ tướng Elisabeth Borne ký gửi cho ông Remont và được tờ Les Echos đăng tải, Chính phủ Pháp đã yêu cầu ông vạch ra một "lộ trình chiến lược mới" cho các hoạt động và tài chính của EDF trong nửa đầu năm nay.

Với tình hình tài chính căng thẳng của EDF, Thủ tướng Borne đề nghị ông Remont đề ra mục tiêu cụ thể cho chính sách đầu tư của EDF, điều chỉnh các hoạt động ở nước ngoài phù hợp với năng lực tài chính và nghiệp vụ của công ty.

Thủ tướng Borne muốn EDF đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng mới để cải thiện sản lượng điện hạt nhân. Song bà kêu gọi công ty thực hiện kỷ luật ngân sách liên quan đến các dự án hạt nhân mới, sau khi dự án lò phản ứng thế hệ tiếp theo ở Flamanville bị đội chi phí và trì hoãn nhiều lần. Thủ tướng Borne muốn nhà máy Flamanville bắt đầu sản xuất vào nửa cuối năm nay.

Vào ngày 16/12/2022, một tuần sau khi Thủ tướng Borne gửi thư, EDF cho biết lò phản ứng Flamanville EPR dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động vào quý I/2024. Lò phản ứng này đã chậm tiến độ tới một thập niên và tiêu tốn 13,2 tỷ euro. So với dự báo gần nhất vào tháng 1/2022, mốc thời gian trên đã chậm trễ thêm ít nhất sáu tháng nữa với chi phí tăng thêm 500 triệu euro.

Khi dự án Flamanville được công bố lần đầu tiên vào năm 2004, các bên tham gia ước tính nó sẽ tiêu tốn 3 tỷ euro và bắt đầu hoạt động vào năm 2012.

EDF - vốn thuộc sở hữu đa số của nhà nước Pháp và đang trong quá trình quốc hữu hóa hoàn toàn - đang phải đối mặt với nhiều áp lực sau khi các lò phản ứng hạt nhân của họ có số lần ngừng hoạt động nhiều chưa từng có. Tình trạng đó đã khiến sản lượng điện hạt nhân của Pháp vào năm ngoái giảm xuống mức thấp nhất trong 30 năm.

Công ty đang chịu khoản nợ ròng hơn 40 tỷ euro (42,5 tỷ USD) này là một trong những công ty điện lực lớn nhất của châu Âu. EDF cũng là trọng tâm trong chiến lược năng lượng hạt nhân của Chính phủ Pháp nhằm giảm bớt tác động của giá năng lượng tăng cao do tình hình chiến tranh ở Ukraine./.

H.Thủy (Theo Reuters)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/phap-edf-co-sau-thang-de-vach-ra-chien-luoc-hoat-dong-moi/276350.html