Pháp-Ấn Độ: Tình thân ngày càng bền

Khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến New Delhi vào ngày 26/1, ông sẽ là nhà lãnh đạo Pháp thứ 6 tham dự Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Cộng hòa của Ấn Độ với tư cách là khách mời chính.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong chuyến thăm Paris vào tháng 7/2023. (Nguồn: Reuters)

Như vậy, kể từ Ấn Độ khởi động thông lệ mời khách chính tham dự lễ kỷ niệm Ngày Cộng hòa, từ năm 1950 đến nay, Pháp đứng đầu danh sách quốc gia được mời dự sự kiện đánh dấu Hiến pháp chính thức có hiệu lực. Ấn Độ đón vị khách mời chính đầu tiên đến từ Pháp là ông Jacques Chirac (1932-2019) vào năm 1976 và lần gần nhất là ông Francois Hollande vào năm 2016.

Sự hiện diện của ông Emmanuel Macron tại đất nước sông Hằng mang tính chất “đáp lễ” sau chuyến tham dự kỷ niệm Quốc khánh Pháp tại Paris của Thủ tướng Narendra Modi vào tháng 7/2023 và càng có ý nghĩa hơn khi diễn ra vào thời điểm Ấn Độ và Pháp kỷ niệm 25 năm quan hệ đối tác chiến lược.

Hội tụ chiến lược

Pháp là một trong những quốc gia đầu tiên mà Ấn Độ ký kết quan hệ đối tác chiến lược trong thời kỳ hậu Chiến tranh lạnh (tháng 1/1998), sớm hơn sáu năm so với Mỹ.

Giờ đây, New Delhi và Paris còn có nhiều điểm chung trong nhiều hồ sơ nóng của thế giới và khu vực, bao gồm quan điểm chiến lược về một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở bên cạnh các hợp tác chặt chẽ về kinh tế, thương mại, an ninh, quốc phòng…

Tại các diễn đàn đa phương, New Delhi và Paris chia sẻ quan điểm chung trong nỗ lực thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và các thể chế đa phương theo hướng mang tính đại diện và hiệu quả hơn cũng là sợi dây kết dính hai bên.

Những điểm chung này đã được thể hiện mạnh mẽ tại Tuyên bố chung trong chuyến đi Paris vừa qua của Thủ tướng Modi rằng “các giá trị chung, niềm tin vào chủ quyền và quyền tự chủ chiến lược, cam kết kiên định đối với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, niềm tin vững chắc vào chủ nghĩa đa phương và mục tiêu chung cho một thế giới đa cực ổn định”. Hai tháng sau đó, Tổng thống Macron đến New Delhi dự Thượng đỉnh G20 và cùng lãnh đạo nước chủ nhà Modi tiếp tục rà soát lại quan hệ hai bên.

Nhiều thập kỷ qua, Ấn Độ và Pháp tiếp tục duy trì sự hợp tác trong rất nhiều lĩnh vực chiến lược, từ kinh tế thương mại đến năng lượng hạt nhân dân sự, quốc phòng và vũ trụ…

Trao đổi thương mại giữa hai nước đã tăng khoảng 19% trong năm 2022, đạt giá trị 12 tỷ USD và con số của 2023 là trên 13 tỷ USD. Mức tăng này được cho là xuất phát từ việc Pháp đẩy mạnh nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ tinh chế từ Ấn Ðộ sau khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra. Ðầu tư trực tiếp của Pháp vào Ấn Ðộ lên tới trên 11 tỷ USD, tạo ra khoảng 450.000 việc làm. Paris cũng đang dành nhiều quan tâm thúc đẩy các cuộc đàm phán về Hiệp định Thương mại tự do giữa Ấn Ðộ và Liên minh châu Âu (EU).

Đặc biệt, trong lĩnh vực quốc phòng, New Delhi và Paris tiếp tục là đối tác lớn của nhau. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), trong giai đoạn 2018-2022, Pháp là nhà cung cấp vũ khí lớn thứ hai của Ấn Ðộ (sau Nga). Thậm chí, hai bên có “ân tình” sâu sắc đến mức Paris không cung cấp vũ khí cho các đối thủ của New Delhi. Pháp cũng là đối tác quan trọng về sản xuất, chia sẻ công nghệ và nghiên cứu quốc phòng của Ấn Độ. Sau thành công của chương trình chế tạo tàu ngầm P-75 Kalvari, Mazagon Dockyard Ltd của Ấn Độ và Tập đoàn Hải quân của Pháp đã ký thỏa thuận đóng thêm 3 tàu ngầm Scorpene cho Hải quân Ấn Độ…

Tàu ngầm lớp Scorpene thứ sáu sản xuất tại Ấn Độ theo thiết kế của Naval Group được hạ thủy vào tháng 4/2022. (Nguồn: PTI)

Mở rộng ảnh hưởng

Bên cạnh đó, New Delhi và Paris đang mở rộng mối quan hệ sang các mục tiêu địa chính trị chung, trong đó có mối quan tâm tới các quốc đảo ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Hồi tháng 5/2023, Thủ tướng Modi đã tham dự Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác quần đảo Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (FIPIC) lần thứ ba trong khi Tổng thống Macron gần đây tiến hành các chuyến thăm tới Vanuatu, Papua New Guinea và các lãnh thổ New Caledonia và Polynesia thuộc Pháp....

Ấn Độ và Pháp cũng tham gia vào Ủy ban Ấn Độ Dương và Hiệp hội Vành đai Ấn Độ Dương, tập trung vào an ninh phi truyền thống, kết cấu hạ tầng và các hoạt động cứu trợ thiên tai, phát triển bền vững và an ninh hàng hải... Hai nước thông qua Tầm nhìn chiến lược cho Ấn Độ Dương, bao gồm một thỏa thuận tiếp cận lẫn nhau đối với các cơ sở quân sự và hoạt động tuần tra chung.

Một số nhà phân tích cho rằng, từ quan điểm tương đồng về tự chủ chiến lược, cả Pháp và Ấn Độ đều cố gắng giữ mối quan hệ cân bằng trong xung đột và cạnh tranh nước lớn. New Delhi được đánh giá là đã khéo léo cân bằng mối quan hệ với cả phương Tây và Nga trong vấn đề Ukraine. Với vị thế ngày càng tăng và quan điểm cân bằng trong chính sách đối ngoại, Ấn Ðộ được xem là đối tác hoàn hảo để Pháp khắc phục những bất lợi từ sự chia rẽ địa chính trị ngày càng gay gắt hiện nay.

Trong tổng thể mối quan hệ nồng ấm như thế, việc người đứng đầu điện Elysee làm khách chính lễ kỷ niệm Ngày Cộng hòa của đất nước đông dân nhất thế giới, đã tái khẳng định mối liên kết chiến lược mạnh mẽ giữa hai nước, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Đức Trí

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/phap-an-do-tinh-than-ngay-cang-ben-258705.html