Pháo phòng không huyền thoại thời Liên Xô trở thành khắc tinh với UAV cảm tử

Pháo phòng không ZU-23-2, một loại vũ khí huyền thoại thời Liên Xô, tiếp tục được Nga nâng cấp với việc phát triển hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại, nhằm đối phó với UAV trên chiến trường.

Nhà máy cơ điện Kizlyar của Nga vừa công bố hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại được phát triển để trang bị cho các hệ thống pháo phòng không.

Một tính năng quan trọng của hệ thống điều khiển hỏa lực này là khả năng chống lại mối đe dọa ngày càng tăng từ các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái.

Kết hợp với đạn nổ phân mảnh, hệ thống điều khiển hỏa lực sẽ tính toán điểm phát nổ lý tưởng, nhằm tạo ra một đám mây mảnh đạn lớn, nhắm thẳng vào các mục tiêu trên không, khiến nó trở thành một hệ thống phòng thủ đáng gờm trước máy bay không người lái.

Công nghệ này đặc biệt phù hợp trong bối cảnh sự phụ thuộc ngày càng tăng vào máy bay không người lái trong chiến tranh hiện đại.

Máy bay không người lái, thường được sử dụng để giám sát, trinh sát và thậm chí tấn công trực tiếp.

Việc đánh chặn các loại UAV bằng các loại vũ khí truyền thống có thể gặp khó khăn do kích thước nhỏ và tính linh hoạt của UAV.

Pháo phòng không đang được coi là vũ khí hiệu quả về mặt chi phí để chống lại UAV, việc tích hợp thêm hệ thống điều khiển hỏa lực sẽ gia tăng hiệu suất chiến đấu của chúng.

Hiện pháo phòng không ZU-23M2 (phiên bản cải tiến của pháo ZU-23-2 Liên Xô) đóng vai trò là nguyên mẫu để thử nghiệm hệ thống này kiểm soát hỏa lực mới, khi thành công chúng cũng có thể lắp đặt cho các loại pháo có kích thước nòng lớn hơn.

Pháo phòng không ZU-23M2 được Nga nâng cấp để có thể tiêu diệt các mục tiêu là máy bay chiến đấu, trực thăng, UAV bay tầm thấp. Ngoài ra nó cũng được sử dụng để tiêu diệt các mục tiêu bọc thép nhẹ trên mặt đất.

Gói nâng cấp lên chuẩn ZU-23M2 bao gồm các thiết bị: bộ điều khiển bằng điện, thiết bị điều khiển từ xa, thiết bị quang tuyến, máy tính số và hệ thống phát điện.

Ngoài 2 nòng pháo 2A14 cỡ 23 mm như nguyên bản, phương án nâng cấp này còn cho phép lắp đặt thêm 2 tên lửa phòng không vác vai Igla hoặc Igla-S.

Pháo phòng không ZU-23M2 có một số tính năng kỹ chiến thuật vượt trội so với nguyên bản ZU-23-2 như: tự động tìm kiếm, phát hiện, bám bắt và đưa ra quyết định bắn, tăng cường độ tin cậy, có khả năng tác chiến trong mọi điều kiện thời tiết, giảm thời gian ngắm bắn

Được biết pháo phòng không ZU-23-2 đi vào hoạt động trong quân đội Liên Xô vào năm 1960, sau đó chúng được trang bị rộng rãi cho đồng minh.

Pháo phòng không ZU-23-2 thường đặt lắp đặt trên xe tải với cả hai vai trò phòng không và phòng thủ mặt đất.

Trong trạng thái cố định, mâm pháo có một trục quay giúp xạ thủ có thể quay pháo 360 độ.

Pháo có thể triển khai vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu trong vòng 30 giây và có thể vừa hành tiến vừa bắn trong trường hợp khẩn cấp.

Pháo phòng không ZU-23-2 được ngắm và bắn hoàn toàn bằng thủ công, trang bị một kính ngắm quang học ZAP-23 cùng một thước ngắm cơ khí.

Ngoài ra pháo cũng được lắp đặt một ống ngắm thẳng T-3 sử dụng trong trường hợp tấn công bộ binh hoặc xe thiết giáp ở mặt đất.

Đạn pháo được đặt trong các thùng đạn và được nạp qua hai băng tải ở hai bên. Mỗi thùng đạn chứa 50 viên và cung cấp cho 2 nòng riêng biệt của khẩu pháo.

Thông thường nếu bắn liên tục 100 viên nòng súng sẽ bị nóng và ảnh hưởng tới độ chính xác.

Mỗi khẩu pháo ZU-23-2 đều được cấp theo 2 nòng dự phòng như thiết bị thay thế trong quá trình chiến đấu, tuổi thọ của một nòng súng là 8.000 viên.

Có hai phiên bản khác của ZU-23-2 ở dạng 1 nòng và 4 nòng, tuy nhiên cả hai phiên bản này chưa bao giờ đưa vào phục vụ.

Pháo phòng không ZU-23-2 có thể dễ dàng lắp đặt lên các phương tiện cơ giới.

Ở Liên Xô và sau này là Nga thì pháo phòng không ZU-23-2 thường được lắp trên xe tải GAZ-66 hoặc GAZ-69, sau này chúng được dùng để tấn công mục tiêu mặt đất là chính.

Tuy nhiên trong các cuộc xung đột gần đây đã đánh dấu sự trở lại của loại pháo này trong lĩnh vực phòng không.

Theo Bulgarian Military, pháo phòng không như ZU-23-2 đang được coi là một trong những vũ khí diệt UAV hiệu quả nhất.

Việc dùng tên lửa phòng không để chống lại UAV không phải lúc nào cũng hiệu quả, mặt khác chi phí lại rất cao, vì thế sử dụng pháo phòng không ZU-23-2 được coi là giải pháp hiệu quả và rẻ.

Khi UAV cảm tử đang là mối đe dọa nghiêm trọng trên chiến trường hiện đại, vì vậy việc tìm ra vũ khí hiệu quả để khắc chế chúng là vấn đề ưu tiên hàng đầu.

Mặc dù ZU-23-2 có thể không hiệu quả trước các máy bay phản lực hiện đại, nhưng nó vẫn là một công cụ có giá trị trong cuộc chiến chống UAV.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/phao-phong-khong-huyen-thoai-thoi-lien-xo-tro-thanh-khac-tinh-voi-uav-cam-tu-post554017.antd