Pháo M46 'biến hình' để đáp ứng yêu cầu tác chiến hiện đại

Lựu pháo nòng dài M46 cỡ 130 mm mặc dù đã cao tuổi nhưng vẫn được tin dùng cho tới thời điểm hiện nay.

Pháo nòng dài M46 cỡ 130 mm (NATO gọi bằng cái tên M1954) là phương tiện tác chiến mặt đất do Liên Xô chế tạo, chuyên làm nhiệm vụ hỗ trợ các hỏa lực cho những đơn vị bộ binh.

Thiết kế của M46 rất thông dụng, nòng pháo dài, thon được đặt trên 2 bánh cao su lớn để di chuyển, đi kèm theo đó là hai "càng" dài, pháo thủ sẽ đóng cố định một phần của 2 cái "càng" này xuống đất khi tác xạ nhằm tăng độ ổn định.

Khẩu M46 được lắp loa giảm giật to ở đầu nòng, giúp giảm chấn động khi khai hỏa, bên cạnh đó là một tấm khiên thép có tác dụng bảo vệ pháo thủ khỏi mảnh văng cũng như đạn súng bộ binh cỡ nhỏ.

Pháo M46 có trọng lượng tác chiến 8,45 tấn, cho nên yêu cầu phải được kéo bởi xe tải hạng nặng, kíp chiến đấu bao gồm 8 người, tốc độ bắn trung bình 6 phát/phút, giảm xuống 4 phát/phút khi bắn loạt dài, hoặc tăng lên 8 phát/phút nếu phải gấp bắn.

Các loại đạn chủ yếu của M46 bao gồm đạn nổ phá mảnh OF-43 và OF-44 có tầm bắn lần lượt 27 km và 22 km. Bên cạnh đó là đạn tăng tầm lắp động cơ rocket để vươn tới cự ly 38 km; đạn xuyên lõm chống tăng tầm bắn hiệu quả chỉ 1.140 m, nhưng đó là khi tác xạ trực tiếp.

Sơ tốc đầu nòng của đạn pháo đạt khoảng 930 m/s, ưu điểm lớn nhất của M46 là hoạt động rất tin cậy đi kèm độ chính xác cao và nhịp bắn tốt, khiến nó được tin dùng cho tới hiện nay.

Trên chiến trường hiện nay, binh sĩ Nga và Ukraine vẫn sử dụng tích cực loại lựu pháo sản xuất hàng loạt từ những năm 1950 này, cho dù họ đã có những khẩu pháo cỡ 152 mm hiện đại hơn.

Không chỉ có vậy, M46 còn được sử dụng bởi nhiều quốc gia Ả Rập và Israel, khi Tel Aviv thu được một số lượng đáng kể dưới dạng chiến lợi phẩm. Bên cạnh đó, bản sao Type 59 của Trung Quốc cũng có độ "phủ sóng" khá rộng.

Ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc đã làm chủ được việc sản xuất đạn 130 mm có khả năng bắn trúng mục tiêu ở cự ly lên tới 44 km, trong khi Iran sản xuất đạn tiêu diệt kẻ thù ở khoảng cách 42 km.

Những khẩu pháo M46 nói trên còn được sử dụng để tạo ra các hệ thống pháo tự hành, ví dụ ở Ấn Độ, tổ hợp Catapult được tạo ra bằng cách đưa khẩu M46 lên khung gầm xe tăng chiến đấu chủ lực Arjun Mk 1.

Bên cạnh đó, phiên bản Catapult Mk 2 cũng đã được trình diễn trên nền tảng xe tăng Arjun Mk 2 hiện đại hơn, mặc dù vậy nó vẫn chỉ tồn tại ở dạng nguyên mẫu.

Ngoài ra Quân đội Syria ngay cả trước khi bắt đầu cuộc nội chiến, đã thiết lập việc lắp ráp pháo M46 trên khung gầm xe tải việt dã bốn trục Mercedes Actros 4140.

Kết quả là Damascus đã sở hữu một phương tiện chiến đấu tương đối rẻ, đơn giản và có tính cơ động cao. Chúng được sử dụng trong hầu hết các trận chiến nhằm chống lại phiến quân và khủng bố quốc tế.

Hòa chung với xu thế quốc tế, Việt Nam cũng đang thử nghiệm một phiên bản tự hành hóa của khẩu M46, vũ khí này đã được giới thiệu trên Kênh Truyền hình Quốc phòng và có thể sớm đưa vào thành phần tác chiến.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/phao-m46-bien-hinh-de-dap-ung-yeu-cau-tac-chien-hien-dai-post546477.antd