Pháo binh Việt Nam trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Cách đây 70 năm (7/5/1954 - 7/5/2024), trong chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng pháo binh non trẻ của quân đội ta đã lập được những chiến công vang dội. Đại tướng, Tổng Tư lệnh mặt trận Võ Nguyên Giáp từng đánh giá: 'Pháo binh ta tuy nhỏ, nhưng đã có một tác dụng lớn trong Chiến dịch Điện Biên Phủ'. Thắng lợi này là điển hình trong nghệ thuật sử dụng pháo binh của quân đội ta, với sức mạnh và ý chí của mình, các chiến sĩ pháo binh góp công lớn vào chiến thắng 'lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu'.

Bộ đội pháo binh dội bão lửa xuống căn cứ của địch tại Him Lam, ngày 13/3/1954.Ảnh: Tư liệu

Chỉ huy pháo binh của ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Tư lệnh Đại đoàn Công pháo 351 Đào Văn Trường, Chính ủy Phạm Ngọc Mậu. Chỉ huy trưởng pháo binh của Pháp là Trung tá Pi-rốt (tự sát ngày 15/3 sau khi thất thủ ở cứ điểm Độc Lập) và Trung tá Guy-vai-lan (lên thay). Đại đoàn công pháo 351 có nhiệm vụ yểm trợ đắc lực cho bộ binh tiến công, kiềm chế pháo binh, bắn máy bay tiếp tế của địch, tập kích hỏa lực vào sân bay, sở chỉ huy, căn cứ hậu cần của địch.

Ngày 22/12/1953, pháo binh ta xuất phát từ Tuyên Quang, được kéo bằng ô tô qua Yên Bái, Tạ Khoa, Cò Nòi, đến Km 62 đường Tuần Giáo - Điện Biên, cách trận địa khoảng 15 km. Từ đây, bắt đầu một hành trình gian khổ, pháo được kéo bằng tay vào trận địa trên con đường do chiến sĩ công binh mới mở. Dưới làn mưa bom, bão đạn của kẻ thù, băng qua núi cao, vực sâu, chật vật lắm mới đưa được pháo vào tới gần trận địa.

Đến ngày 26/1/1954, phương án tác chiến “đánh chắc, tiến chắc” được xác định, những khẩu lựu pháo 105mm và pháo cao xạ 37mm nặng hơn 2 tấn lại được kéo ra, bố trí lại. Trong hơn 20 ngày đêm, địch đánh phá liên tục trên đoạn đường rừng núi dài 15km, hàng ngàn chiến sĩ bộ binh và pháo binh vượt mọi khó khăn, gian khổ, lập kỳ công bí mật đưa pháo vào trận địa. Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đến thăm động viên và biểu dương cán bộ, chiến sĩ: “Các đồng chí đưa được xe, pháo lên đến đây an toàn là đã nắm chắc 50% phần thắng”.

Đảm bảo chiến đấu, giữ bí mật và tránh bị thiệt hại, bộ đội pháo binh Việt Nam đào đường cơ động, hầm xuyên vào lòng núi để làm công sự. Nóc hầm được gia cố bằng các thân cây gỗ lớn đổ đất dày lên trên, bên ngoài trận địa ngụy trang kỹ lưỡng, không để lộ một dấu vết. Các khẩu pháo bố trí rải khắp các ngọn núi xung quanh thung lũng. Ngoài ra, bộ đội ta còn làm các trận địa giả bằng những cây gỗ thui đen trông giống như khẩu pháo đang nghếch nòng lên, khi trận địa thật phát hỏa, thì bộ đội ta ném bộc phá tung lên không trung làm giả chớp lửa đầu nòng. Sáng kiến đó, làm cho 80% đạn pháo của quân Pháp rót nhầm vào trận địa giả.

Theo kế hoạch, 16 giờ ngày 13/3, ta nổ súng đánh cứ điểm Him Lam, nhưng địch cho xe tăng và bộ binh ra phá trận địa xuất phát xung phong của ta. Lúc này, buộc phải cho pháo binh bắn chặn, đồng thời kiểm tra phần tử bắn. 20 phát lựu pháo rất trúng đích, xe tăng và bộ binh địch buộc phải rút về. Trong khi lựu pháo bắn vào Him Lam, thì sơn pháo tập kích vào sân bay, Sở chỉ huy của Đờ-cát và trận địa pháo của địch.

Đến 17 giờ, trận địa pháo của ta chính thức khai hỏa cho Chiến dịch, hơn 40 khẩu pháo đồng loạt dội lửa xuống phân khu trung tâm. Cột cờ ở Him Lam biến mất, cứ điểm ngập trong khói bụi, 5 chiếc máy bay, một kho xăng bốc cháy, các trận địa pháo của địch hoàn toàn tê liệt. Trung tá Giô-sê, Chỉ huy phân khu trung tâm, đồn trưởng Pê-gốt và đồn phó Pác-đi của cứ điểm Him Lam tử trận ngay từ những loạt pháo đầu tiên. Trận chiến diễn ra ác liệt, đến 23 giờ 30 phút, tiếng kèn hiệu vang lên, báo hiệu trận mở màn thắng lợi giòn rã.

Đêm 14/3, địch thấp thỏm lo sợ đón chờ đợt tấn công tiếp theo của ta, lần này là cứ điểm Độc Lập thuộc phân khu Bắc. Trong khi lựu pháo 105 vào vị trí, thì vẫn chưa thấy sơn pháo đến, Đại đoàn trưởng 308 Vương Thừa Vũ đã lệnh cho lựu pháo 105 bắn uy hiếp và phá công sự địch. Rút kinh nghiệm từ trận Him Lam, Đờ-cát cho rằng sau khi pháo bắn chuẩn bị là bộ binh ta bắt đầu xuất phát xung phong, hắn ra lệnh cho Pi-rốt nã hàng nghìn đạn pháo xuống tuyến xuất phát của ta. Nào ngờ chẳng có bóng Việt Minh nào tiếp cận hàng rào.

Khi địch đang tức tối và xót của, đúng 3 giờ 30 phút sáng ngày 15/4, sơn pháo đã tới, ta chính thức mở đợt tiến công mạnh mẽ, địch mất dần trận địa, điên cuồng gọi xe tăng, pháo binh phản kích nhưng đều bị ta đánh tan. Quân địch tháo chạy về Mường Thanh, cứ điểm Độc Lập nhanh chóng thất thủ; tại bản Kéo, 2 tiểu đoàn lính Thái lũ lượt kéo nhau ra hàng. Sau trận này, quân Pháp mất 3 cứ điểm: Him Lam, Độc Lập và bản Kéo, về hỏa lực chúng thiệt hại một đại đội cối 120mm, 2 khẩu 105mm, một khẩu 155 mm. Viên trung tá Pi-rốt, chỉ huy pháo binh ở Điện Biên Phủ mất hết danh dự và tự sát. Đại đoàn công pháo 351 trở thành đơn vị đầu tiên vinh dự nhận được lá cờ “Quyết chiến quyết thắng”, giải thưởng luân lưu của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngay sau khi ba cứ điểm bị tiêu diệt, cùng với chiến thuật đào hào vây lấn, pháo binh của ta di chuyển gần vào khu trung tâm. Các khẩu pháo lớn, được đưa đến những vị trí thuận lợi hơn, sử dụng hỏa lực bắn thẳng, nã pháo vào đồn địch. Trung đoàn cao xạ 367 bố trí lại đội hình, chiến đấu với máy bay địch, khống chế sân bay Mường Thanh, ngăn không cho chúng thả quân và dù tiếp tế.

Đến ngày 17/4, có 9 chiếc máy bay bị ta bắn rơi trên bầu trời Điện Biên. Trận địa được củng cố, quân ta bước vào đợt chiến đấu mới, tiếp tục tấn công phân khu trung tâm và các cao điểm phía Đông. Đại đoàn công pháo 351 chi viện hỏa lực cho bộ binh đánh chiếm các cứ điểm A1, D1, C1, E, chế áp pháo binh, sát thương quân cơ động của địch. Lúc này, địch đã trở nên hết sức khốn đốn, sự chi viện của Pháp và Mỹ đã lên đến giới hạn cao nhất. Quân địch ẩn nấp trong những công sự ngập nước, bệnh tật, đói khát làm chúng phát điên. Hàng tiếp tế khan hiếm và cần thiết hơn bao giờ hết, máy bay địch buộc phải thả hàng tiếp tế ở độ cao ngoài tầm pháo cao xạ của ta. Việc thu nhặt dù tiếp tế bị tản mát hết sức khó khăn, “cuống họng” đường không và cái “dạ dày” Điện Biên Phủ gần như đã bị quân ta cắt lìa.

Ngày 1/5, pháo ta tiếp tục khai hỏa, bước vào đợt tiến công cuối cùng. Các trận địa pháo của địch ở phân khu Nam và khu trung tâm là mục tiêu chủ yếu. Một kho gần 3.000 viên đạn pháo nổ tung, cháy luôn cả kho lương thực gần đấy. Trong đợt tiến công này đạn của ta khá dồi dào, ngoài số đạn được tăng cường, còn rất nhiều đạn pháo ta lấy được sau những đợt thả dù tiếp tế của địch. Nhờ vậy, ta tiêu diệt tương đối nhanh các cứ điểm C1, 505A, 505, 311A và 311B ở phân khu trung tâm và khu C trong phân khu Nam - Hồng Cúm của địch.

Quân ta kéo pháo vào trận địa tại chiến dịch Điện Biên Phủ.Ảnh: Tư liệu

Đêm 6/5, pháo binh ta tiếp tục chi viện bộ binh đánh chiếm các cứ điểm C2, 506, 507, 310. Trận địa pháo của địch ở phân khu Nam và sở chỉ huy địch hoàn toàn tê liệt, pháo hỏng không có phụ tùng thay, lực lượng phản kích không còn. Quân Pháp hoàn toàn tuyệt vọng, kế hoạch tháo chạy đưa ra. Thậm chí, Mỹ còn đưa ra kế hoạch ném bom nguyên tử xuống Điện Biên Phủ cứu nguy cho Pháp. Thế nhưng, tất cả đã muộn.

Sáng ngày 7/5, sau những trận chiến ác liệt, ta làm chủ đồi A1, pháo tiếp tục bắn cấp tập xuống đồi C2, phá hoại những lô cốt, hỏa điểm, công sự vững chắc của địch. Lợi dụng đợt pháo kích, bộ đội ta tiến công như vũ bão, toàn bộ quân địch còn lại ở C2 buông súng đầu hàng. 17 giờ 30 phút cùng ngày, tướng Đờ-cát cùng toàn bộ quân địch ở phân khu trung tâm bị bắt, lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” tung bay trên nóc hầm chỉ huy tập đoàn. Đến đêm 7/5, quân địch ở phân khu Nam - Hồng Cúm đang trên đường tháo chạy sang Lào bị ta bắt gọn. Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng.

Gần 5 tháng chiến đấu, hy sinh gian khổ, đặc biệt là trong 56 ngày, đêm giáp mặt với quân thù tại Điện Biên Phủ, pháo binh ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chi viện hiệu quả cho bộ binh chiến đấu, bắn cháy 59 phi cơ, 2 trực thăng. Ngoài ra, có 186 phi cơ khác bị trúng đạn và hư hại ở các mức độ khác nhau, phá hỏng, vô hiệu hóa toàn bộ xe tăng, pháo binh Pháp ở Điện Biên Phủ.

Kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến chống Pháp, những chiến công, hy sinh của lớp lớp các thế hệ cán bộ, chiến sĩ pháo binh nói riêng, các chiến sĩ trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa nói chung mãi in dấu trong trang sử đấu tranh hào hùng của dân tộc Việt Nam.

An Nhiên (Hội KHLS Sơn La)

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/ky-niem-70-nam-chien-thang-dien-bien-phu-7-5-1954-7-5-2024-/phao-binh-viet-nam-trong-chien-dich-dien-bien-phu-tslyTHYSg.html