Phân loại rác thải tại nguồn hướng tới nền kinh tế tuần hoàn

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, chậm nhất đến ngày 31/12/2024, các hộ gia đình, cá nhân phải phân loại rác thải sinh hoạt từ đầu nguồn nếu không sẽ bị xử phạt từ 500 nghìn tới 1 triệu đồng. Đây là 1 trong những quy định mới tại Nghị định 45 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường có hiệu lực từ tháng 8 vừa qua.

Từ năm 2006, Hà Nội đã có Dự án phân loại rác tại nguồn được thí điểm tại 4 quận nội thành. Mặc dù được tài trợ về kinh phí cũng như hướng dẫn kỹ thuật, rất đầy đủ nhưng dự án đã thất bại. Nguyên nhân được chỉ rõ là do việc triển khai thực hiện dự án chưa đến nơi đến chốn, thiếu kế hoạch, chương trình hành động cụ thể cho từng khâu như người dân phân loại rác, việc thu gom rác của công ty môi trường đô thị rồi các cơ sở xử lý rác sau phân loại. Quá trình triển khai cho thấy, người dân phân loại rác nhưng khi thu gom lại không phân loại trong khi hệ thống thùng rác quá bé để giữa phố, chỉ một lúc là rác đầy tràn ra ngoài.

 Phân loại rác thải tại nguồn hướng tới nền kinh tế tuần hoàn. Ảnh: KT

Phân loại rác thải tại nguồn hướng tới nền kinh tế tuần hoàn. Ảnh: KT

Ông Trần Hợp Dũng, Phó trưởng ban Đô thị, HĐND thành phố Hà Nội cho biết: "Hiện nay các xe chờ để lấy rác, các điểm chứa rác, tập quán sinh hoạt của bà con chưa được thích ứng với các điểm trung chuyển, chưa rác cho nên vẫn còn tồn tại nơi thì xe chở rác vận chuyển chậm, nơi thì gây tắc nghẽn giao thông. Những tồn tại ấy chính quyền Hà Nội cũng đã nhận ra và có hướng giải quyết như tăng chế tài đối với các đơn vị thực hiện dịch vụ thu gom, xử lý rác còn chậm, chưa tốt… Thứ hai là cũng là quyết liệt đối với các đơn vị mà thực hiện dịch vụ đấy còn chậm còn chưa tốt thì cũng sẽ điều chỉnh".

Theo thống kê, hiện mỗi ngày nước ta có khoảng 60.000 tấn rác thải sinh hoạt “đổ” ra môi trường, trong đó tại các đô thị chiếm khoảng 35.000 tấn/ngày. Lượng rác thải phát sinh theo cấp số nhân hàng ngày trong khi công nghệ xử lý chủ yếu là chôn lấp (hơn 70%), thêm vào đó, việc quy hoạch các bãi rác không đồng bộ nên đã dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường. Xử lý rác thải đã và đang là vấn đề nhức nhối của nhiều địa phương. Ông Nguyễn Linh Ngọc, Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, không thể đổ lỗi cho thói quen hay do chưa có hạ tầng phù hợp mà chậm lại việc phân loại rác tại nguồn. Việc này cần phải được triển khai sớm nhất có thể. Nếu rác thải không được phân loại thì sẽ không thể trở thành tài nguyên. Vì vậy, chúng ta phải cương quyết giải quyết vấn đề này ở cả việc xây dựng chính sách hay vận động, tuyên truyền cho người dân.

Ông Nguyễn Linh Ngọc lấy ví dụ: "Hiện nay, ý thức của người dân hoàn toàn có thể thay đổi. Đơn cử, tại hai xã Dục Tú, Liên Hà huyện Đông Anh, người dân đã phân loại rác tại nguồn rất tốt. Vì vậy, tôi đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu thêm chính sách về hạ tầng cơ sở để phân loại, thu gom rác tại nguồn. Sau khi đã phân loại, rác chính là tài nguyên thì hoàn toàn có thể xử lý được".

Nói về các tiêu chí lựa chọn công nghệ phù hợp với điều kiện phát triển và mục tiêu xử lý rác thải ở các tỉnh, thành phố, ông Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, không công nghệ xử lý rác nào có thể áp dụng trong bối cảnh nước ta chưa phân loại rác tại nguồn như hiện nay, hoặc là có địa phương đã phân loại rồi nhưng do điều kiện hạ tầng trong quá trình trung chuyển, vận chuyển lại phải trộn lẫn:.

"Mặc dù Luật bảo vệ môi trường đã yêu cầu phân loại nhưng thời gian thực hiện bao giờ cũng cần có độ trễ. Bây giờ rác thực tế là không phân loại được thì các công nghệ tiên tiến phải phân loại phân loại được chứ bây giờ nhiều nơi phân loại bằng tay. Người công nhân đứng đấy nhặt nilông rất độc hại. Chúng tôi đi kiểm tra một số nơi như thế này rất nguy hiểm cho người lao động"- ông Ngọc cho hay.

Theo quy định tại Điều 75 của Luật Bảo vệ môi trường 2020, thì chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo nguyên tắc: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế. Chất thải thực phẩm, và chất thải rắn sinh hoạt khác. Nếu các hộ gia đình không tiến hành thu gom rác, công nhân vệ sinh có quyền từ chối thu gom rác. Thậm chí theo quy định tại Nghị định 45 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, nếu hộ gia đình, cá nhân không phân loại rác thải sinh hoạt từ đầu nguồn sẽ bị xử phạt từ 500 nghìn tới 1 triệu đồng. Theo Bộ Tài nguyên và môi trường, lộ trình áp dụng quy định này chậm nhất là vào ngày 31/12/2024.

Ông Nguyễn Hưng Thịnh, Vụ trưởng Vụ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường thông tin: "Điểm quan trọng nhất là sau khi đã xác định được những điều kiện cần thiết có thể đáp ứng được thì UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ ban hành quy định cụ thể để triển khai tại địa phương mình. Đối với từng địa bàn cụ thể. Như vậy khi chúng ta ban hành được quy định này mà những tổ chức, cá nhân, hộ gia đình mà không triển khai thực hiện theo đúng quy định thì lúc đó mới bị xử phạt theo quy định tại Nghị định số 45 của Chính phủ mới ban hành vừa qua".

Để phân loại rác tại nguồn sớm trở thành lối sống quen thuộc, hàng ngày cần triển khai quyết liệt và đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó việc thay đổi tư duy và nhận thức của người dân là điều kiện tiên quyết. Bởi việc phân loại, thu gom chất thải tại nguồn không chỉ đem lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế, nâng cao hiệu quả xử lý chất thải rắn, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn.

Quang Huy/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/danh-gia-tac-dong-moi-truong-can-dam-bao-tinh-doc-lap-khong-bi-lam-meo-mo-post1058086.vov