Phấn đấu hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng kinh tế

Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Nguyễn Văn Út có văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Hồ Thị Ngọc Lan, Tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Thạnh Hóa.

Dự kiến cuối năm 2023 sẽ thông xe toàn tuyến đường Vành đai TP.Tân An, tạo đà cho KT-XH tiếp tục “cất cánh” (Ảnh: Huỳnh Du)

Tại Kỳ họp thứ 13 HĐND tỉnh khóa X, Chủ tịch UBND tỉnh nhận được phiếu chất vấn của đại biểu Hồ Thị Ngọc Lan với nội dung: “Theo Nghị quyết (NQ) số 114/NQ-HĐND, ngày 08-/12/2020 của HĐND tỉnh về Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm (2021-2025): Chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân 5 năm giai đoạn 2021-2025 đạt từ 9,2-10%; GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt từ 115-120 triệu đồng.

Tuy nhiên, kết quả về tăng trưởng kinh tế của tỉnh giai đoạn 2021-2023 đạt không cao và thiếu bền vững (lần lượt là: 1,29%; 8,31% và ước đạt 6%). Với thực trạng trên, đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh cho biết trong các năm 2024 và 2025, tỉnh sẽ có những giải pháp cụ thể và khả thi như thế nào để phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GRDP giai đoạn 2021-2025 và đạt GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 theo NQ số 114/NQ-HĐND của HĐND tỉnh đã đề ra”.

“Trong bối cảnh khó khăn, đây là mức tăng trưởng tích cực”

Vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út có văn bản trả lời như sau: Trong những năm qua, tình hình thế giới có nhiều diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, dịch Covid-19 tác động nặng nề đến mọi mặt của đời sống, KT-XH; xung đột quân sự giữa Nga - Ukraine và dải Gaza, chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm, thị trường tài chính, tiền tệ tiềm ẩn nhiều rủi ro,...

Những tác động tiêu cực này đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình trong nước, trong tỉnh. Trong khi đó, nền kinh tế trong nước, trong tỉnh có độ mở lớn, quy mô còn khiêm tốn, khả năng cạnh tranh, sức chống chịu hạn chế. Trong bối cảnh có nhiều biến động, khó khăn và thách thức từ bên ngoài, tỉnh vẫn duy trì mức tăng trưởng dương 0,95% trong năm 2021; phục hồi mạnh trong năm 2022 với mức tăng trưởng 8,32%, ước tăng trưởng khá 5,77% trong năm 2023.

Dù chưa đạt như kỳ vọng nhưng trong bối cảnh khó khăn chung, đây là mức tăng trưởng tích cực. Trong khi đó, GRDP bình quân đầu người năm 2021 đạt 79,68 triệu đồng; tăng mạnh đạt 90,16 triệu đồng/người/năm 2022 và tiếp tục tăng trong năm 2023, ước đạt kế hoạch đề ra từ 95-100 triệu đồng/người.

Theo ông Nguyễn Văn Út, thời gian tới, dự báo tình hình KT-XH của tỉnh có những khó khăn, thách thức đan xen. Cạnh tranh chiến lược các nước lớn gay gắt, toàn diện hơn; nhiều quốc gia, trong đó có các đối tác thương mại lớn của nước ta dự báo tiếp tục tăng trưởng chậm, nhu cầu các nước suy giảm, tác động trực tiếp đến các quốc gia có độ mở kinh tế lớn, trong đó có Việt Nam.

Lạm phát tuy đã hạ nhiệt nhưng dự báo vẫn neo ở mức cao dẫn đến nhiều nền kinh tế lớn tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất cao để bảo đảm kiểm soát lạm phát hiệu quả. Nền kinh tế của tỉnh đang trong quá trình chuyển đổi, độ mở lớn, khả năng cạnh tranh và sức chống chịu từ các cú sốc bên ngoài còn hạn chế. Hoạt động xuất, nhập khẩu đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do suy giảm nhu cầu ở các thị trường quốc tế, nhất là những đối tác lớn, trong khi nhiều nước gia tăng tiêu chuẩn, hàng rào mới đối với xuất, nhập khẩu, một số chuỗi cung ứng bị gián đoạn,... ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp của tỉnh.

Bên cạnh những thách thức trên, tình hình KT-XH của tỉnh cũng có những thuận lợi: Toàn cầu hóa, hợp tác phát triển tiếp tục là xu hướng năm 2024; chuyển dịch đầu tư vào Việt Nam được dự báo sẽ tăng mạnh trong thời gian tới; tác động lớn từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trên thế giới và xu hướng thúc đẩy chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, tăng cường hợp tác của các quốc gia là thời cơ đối với tỉnh.

Trong nước, tình hình kinh tế vĩ mô của cả nước dự báo tiếp tục duy trì ổn định, tăng trưởng kinh tế tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực; các chính sách hỗ trợ được ban hành trong năm 2023 sẽ tác động rõ nét hơn vào nền kinh tế của tỉnh. Các động lực về đầu tư (bao gồm cả đầu tư tư nhân, FDI, đầu tư công), tiêu dùng, du lịch và xuất khẩu tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ. Các vấn đề tồn đọng, bất cập kéo dài được tập trung tháo gỡ, chuyển biến tích cực hơn, nhất là vướng mắc của doanh nghiệp, dự án đầu tư, thị trường bất động sản,...Nhiều dự án quan trọng, trọng điểm của tỉnh tiếp tục được xây dựng và đưa vào hoạt động như đường Vành đai 3 TP.HCM, đoạn qua Long An, Đường tỉnh 830E, Đường tỉnh 823D,...

Đặc biệt, cuối năm 2023 đưa vào sử dụng toàn tuyến đường Vành đai TP.Tân An và cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây. Bên cạnh đó, các dự án lớn ngoài ngân sách tiếp tục được triển khai như dự án Trung tâm Thương mại Aeon, Suntory Pepsi, Coca cola, dự án hoàn thiện sản phẩm dệt Thái Tuấn. Tất cả dự án này sẽ tác động mạnh mẽ đến phát triển KT-XH của tỉnh, đặc biệt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024.

Những cải thiện mạnh mẽ về cơ chế, chính sách liên quan đến đất đai, đầu tư,... được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện quyết liệt tiếp tục phát huy hiệu quả, hỗ trợ tốt hơn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, du lịch, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển. Bên cạnh đó, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong tỉnh là tiền đề thực hiện thắng lợi NQ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI.

Càng khó khăn càng nỗ lực

Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức và với kết quả tăng trưởng kinh tế trong 3 năm 2021, 2022 và 2023 như trên thì để đạt mục tiêu tăng trưởng 9,2-10% giai đoạn 2021-2025 như NQ Đại hội XI Đảng bộ tỉnh và NQ số 114/NQ-HĐND, ngày 08/12/2020 HĐND tỉnh về Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm (2021-2025) đề ra là hết sức khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực, phấn đấu của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân. Để đạt mức tăng trưởng cao nhất có thể và đạt mục tiêu GRDP bình quân đầu người đến năm 2025, UBND tỉnh đề ra các giải pháp trọng tâm thực hiện trong năm 2024 và 2025 như sau:

Thứ nhất, tập trung thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; hoàn thành lập các quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch xây dựng dọc các trục giao thông động lực của tỉnh; điều chỉnh, hoàn thiện các quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn phù hợp với quy hoạch tỉnh; triển khai xây dựng các quy hoạch mang tính chất kỹ thuật, chuyên ngành để cụ thể hóa Quy hoạch tỉnh.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, tập trung thu hút 6 nhóm ngành ưu tiên của tỉnh là công nghiệp hỗ trợ, chế biến - chế tạo, đầu tư phát triển đô thị dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ cảng biển, dịch vụ logistics, nông nghiệp sinh thái hữu cơ, mô hình nông nghiệp công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái, năng lượng tái tạo,... trong đó, chú trọng thu hút đầu tư các tập đoàn quốc tế, có sản phẩm thương hiệu mạnh để tạo điều kiện thúc đẩy liên kết phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, hình thành chuỗi sản xuất cung ứng ổn định, bền vững. Tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc, nhất là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư; đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng, sớm đưa thêm các khu, cụm công nghiệp vào hoạt động nhằm tăng quỹ đất sạch để thu hút đầu tư.

Thứ ba, đẩy nhanh tiến độ triển khai, thực hiện Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Tập trung công tác quản lý, giám sát mã số vùng trồng, mã kho đóng gói; hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã các quy định, rào cản kỹ thuật của các thị trường xuất khẩu; quy trình sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản bảo đảm an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu nông sản. Tái cơ cấu ngành Chăn nuôi phù hợp với tình hình mới, thúc đẩy sản xuất chăn nuôi theo chuỗi giá trị, truy xuất nguồn gốc chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và dịch bệnh; đẩy mạnh công tác tái đàn vật nuôi của tỉnh. Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới bền vững, thực chất, đáp ứng nguyện vọng của người dân; thực hiện hiệu quả chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP).

Thứ tư, tập trung triển khai hiệu quả các giải pháp phát triển thương mại - dịch vụ; tăng cường mời gọi đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ giao nhận, logistic. Tăng cường cầu nối, giới thiệu, liên kết hợp tác sản xuất, tiêu thụ, nhất là liên kết hợp tác với các tỉnh, TP.HCM để thúc đẩy tiêu thụ nông sản; chú trọng phát triển chuỗi cung ứng nông sản sạch, an toàn vào kênh phân phối hiện đại của TP.HCM. Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin và thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, giúp quảng bá thương hiệu, phát triển thị trường, phát triển giao dịch trên các sàn thương mại điện tử uy tín.

Thứ năm, huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại; ưu tiên các dự án trọng điểm, có khả năng kết nối liên vùng, liên tỉnh, có tính lan tỏa, nhất là về hạ tầng giao thông, hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, hạ tầng đô thị. Chú trọng cơ cấu lại đầu tư công, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, giải ngân kịp thời các nguồn vốn đầu tư đã giao, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thứ sáu, tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; thực hiện tốt các giải pháp nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), phấn đấu thứ hạng PCI nằm trong tốp đầu của cả nước; nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính. Duy trì tổ chức đối thoại với doanh nghiệp theo định kỳ hàng tháng; liên hệ chặt chẽ Hội, Hiệp hội Doanh nghiệp các nước và vùng lãnh thổ để kịp thời nắm bắt và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư bảo đảm có hiệu quả; tổ chức tiếp xúc với các tập đoàn kinh tế mạnh trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế để tranh thủ cơ hội thu hút đầu tư, quan tâm thu hút các dự án đầu tư nước ngoài có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, sử dụng đất hiệu quả.

Thứ bảy, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Phát triển mạnh mẽ khoa học - công nghệ; đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số trên tất cả lĩnh vực nhằm nâng cao năng suất, giá trị gia tăng các sản phẩm của tỉnh. Tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng phát triển ngành Công nghiệp và Nông nghiệp của tỉnh; tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển và đổi mới giáo dục nghề nghiệp gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu thị trường lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Thứ tám, phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng - an ninh và trật tự, an toàn xã hội, tạo nền tảng phục hồi, phát triển kinh tế.

Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ban, ngành tỉnh và chính quyền địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp trên để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GRDP giai đoạn 2021-2025 và đạt được GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 theo NQ số 114/NQ-HĐND của HĐND tỉnh đã đề ra./.

Trong bối cảnh có nhiều biến động, khó khăn và thách thức từ bên ngoài, tỉnh vẫn duy trì mức tăng trưởng dương 0,95% trong năm 2021; phục hồi mạnh trong năm 2022 với mức tăng trưởng 8,32%, ước tăng trưởng khá 5,77% trong năm 2023. Dù chưa đạt như kỳ vọng nhưng trong bối cảnh khó khăn chung, đây là mức tăng trưởng tích cực”.

Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út

Tấn Lộc

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/phan-dau-hoan-thanh-cac-muc-tieu-tang-truong-kinh-te-a168367.html