Phấn đấu giành thắng lợi vụ mùa

Những ngày qua, thời tiết nắng mưa đan xen là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng sâu bệnh gây hại xuất hiện trên cây lúa, cây chè...

Bà Tống Thị Năm, ở xóm Cầu Gai, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ) kiểm tra lúa mùa bị nhiễm sâu cuốn lá.

Bà Tống Thị Năm, ở xóm Cầu Gai, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ) kiểm tra lúa mùa bị nhiễm sâu cuốn lá.

Trên cánh đồng xóm Cầu Gai, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ), diện tích lúa mùa của bà con nông dân đang trong giai đoạn đẻ nhánh rộ. Tuy nhiên, tại nhiều thửa ruộng đã xuất hiện sâu cuốn lá nhỏ. Ngoài ra, thời tiết những ngày qua liên tục có mưa cũng ảnh hưởng đến việc phun thuốc trừ sâu bệnh của người dân.

Bà Tống Thị Năm, một hộ dân trong xóm, nói: Nhà tôi cấy 3 sào lúa nếp. Qua thăm đồng và thấy cây lúa bị sâu cuốn lá nhiều, cách đây 2 hôm tôi đã mua thuốc trừ sâu về phun nhưng lại gặp trời mưa nên không hiệu quả. Đợi một vài hôm nữa nắng lên, tôi sẽ tiến hành phun lại. Những ngày này, tôi đang tranh thủ làm cỏ, sục bùn để cây lúa hấp thụ tối đa chất dinh dưỡng.

Vụ mùa năm nay, toàn tỉnh gieo cấy hơn 38.400ha lúa. Hiện nay, trà lúa mùa sớm đang ở giai đoạn đẻ nhánh, trà lúa mùa trung và muộn đang trong giai đoạn hồi xanh. Theo điều tra, dự báo của cơ quan chuyên môn, sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuất hiện 2 đợt cao điểm. Cao điểm 1, sâu đã gây hại với mật độ trung bình từ 0,1 đến 0,2 con/m2, nơi cao từ 0,5-1 con/m2, cục bộ từ 5-7con/m2 và sẽ tiếp tục tăng trong những ngày tới. Dự báo, sâu non sẽ nở rộ từ đầu tháng 8 và đặc biệt gây hại nặng trên trà lúa mùa sớm giai đoạn làm đòng.

Còn đối với cao điểm 2, dự báo, sâu non nở rộ vào trung tuần tháng 8, gây hại diện rộng trên các trà lúa. Ngoài ra, sâu đục thân 2 chấm hại lúa cũng xuất hiện rộ trong nửa đầu tháng 8, sâu non sẽ nở rộ trong nửa cuối tháng 8 gây ung đòng, bạc bông. Bên cạnh đó, thời tiết diễn biến phức tạp, nắng mưa xen kẽ cũng khiến các loại bệnh như: khô vằn, vàng lá... phát triển gây hại tăng trong thời gian tới.

Trước tình hình trên, để đảm bảo phòng trừ sâu bệnh hiệu quả, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã có văn bản hướng dẫn người dân cách phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng. Theo đó, đối với sâu cuốn lá, bà con phun thuốc trừ sâu những ruộng có mật độ sâu non trên 20 con/m2, còn đối với những ruộng có mật độ sâu non trên 100 con/m2 cần phun kép 2 lần, mỗi lần cách nhau từ 4-5 ngày. Bà con sử dụng một trong các loại thuốc trừ sâu cuốn lá được phép sử dụng như: Comda gold 5WG; Sherzol 205 EC; Match 050 EC; Radiant 60SC; Netoxin 90WP...

Còn đối với sâu đục thân hai chấm, bà con sử dụng một trong các loại thuốc sau để phun trừ, như: Neretox 18 SL, 95WP; Gà nòi 95SP; Aremec 45EC; Shepatin 90EC... Bà con lưu ý, tại những ruộng có mật độ ổ trứng cao trên 1 ổ/m2, cần tiến hành phun kép 2 lần, mỗi lần cách nhau 4-5 ngày.

Người dân xóm Khe Cốc, xã Tức Tranh (Phú Lương) kiểm tra tình hình sâu bệnh gây hại trên cây chè để có biện pháp phòng trừ.

Người dân xóm Khe Cốc, xã Tức Tranh (Phú Lương) kiểm tra tình hình sâu bệnh gây hại trên cây chè để có biện pháp phòng trừ.

Không riêng cây lúa, thời tiết nóng ẩm, nắng mưa xen kẽ cũng là điều kiện thuận lợi để rầy xanh, bọ cánh tơ phát sinh, gây hại trên cây chè. Vì vậy, ngành chức năng khuyến cáo bà con cần thường xuyên kiểm tra diễn biến rầy xanh, bọ cánh tơ trên các nương chè, xác định thời điểm rầy non, bọ cánh tơ nở. Đặc biệt, bà con chú ý giai đoạn chè nảy búp, đang phát triển búp trước hái 10 ngày, nếu thấy tỷ lệ búp bị hại từ 10% trở lên thì phun trừ.

Đối với rầy xanh, bà con phun thuốc khi rầy còn non, sử dụng một trong các loại thuốc trừ rầy như: Comda 250EC, Trebon 10EC, Cheestar 50WG, Butyl 10WP... và thuốc trị bọ cánh tơ: TC-Năm Sao 20EC, Takare 2EC, Catex 3.6EC, Proclaim 1.9 EC ... Cùng với đó, người dân thực hiện các biện pháp chăm sóc, bón phân cân đối hợp lý, dọn sạch cỏ dại, đảm bảo cây phát triển tốt; áp dụng kỹ thuật “hái chạy” nếu đến lứa hái.

Để đạt năng suất, sản lượng cao trong vụ mùa, Sở Nông nghiệp và PTNT khuyến cáo các địa phương cần tập trung chăm sóc tốt diện tích lúa đã gieo cấy: chủ động các biện pháp chống hạn và tiêu úng cho lúa; hướng dẫn người dân bón phân thúc lần 2 cho lúa mùa sớm; tăng cường công tác kiểm tra đồng ruộng để phát hiện sớm và chỉ đạo, hướng dẫn nông dân phòng trừ kịp thời, có hiệu quả với các đối tượng sâu bệnh hại.

Theo ông Nguyễn Tá, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật: Để đảm bảo các loại cây trồng trong vụ mùa đạt năng suất, sản lượng cao, Chi cục đã cử cán bộ chuyên môn phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra, nắm bắt mức độ gây hại, xác định mật độ của sâu bệnh để hướng dẫn người dân các biện pháp phòng trừ kịp thời. Bên cạnh đó, Chi cục cũng đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo nông dân không chủ quan mà cần bám sát đồng ruộng, để phát hiện sớm và phun thuốc phòng trừ đúng ngưỡng, đúng thuốc...

Theo dự báo, trong thời gian tới, thời tiết tiếp tục có những diễn biến phức tạp, nắng gắt xen kẽ những trận mưa to đến rất to, kèm theo giông lốc. Chính vì vậy, cùng với công tác phòng trừ sâu bệnh, bà con nông dân được khuyến cáo chú ý khơi thông hệ thống kênh mương, cống rãnh để kịp thời tiêu thoát nước cho cây trồng vụ mùa khi xảy ra ngập úng. Đồng thời, bón phân cân đối, hợp lý, hạn chế tình trạng thừa đạm, dễ gây gãy đổ cây khi gặp mưa lớn...

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/nong-nghiep/202308/phan-dau-gianh-thang-loi-vu-mua-fea4fe1/