Phấn đấu đến năm 2025 giữ mức dự trữ tồn kho gạo cuối năm khoảng 250.000 tấn

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký ban hành Quyết định số 305/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển dự trữ quốc gia (DTQG) đến năm 2030; trong đó, đặt mục tiêu đến năm 2025 giữ mức dự trữ tồn kho gạo cuối năm khoảng 250.000 tấn.

Phấn đấu đến năm 2025 mức dự trữ lương thực tồn kho cuối năm khoảng 250.000 tấn (quy gạo).

Theo Quyết định số 305/QĐ-TTg ngày 12/4/2024, mục tiêu tổng quát của Chiến lược nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, huy động, sử dụng nguồn lực DTQG; xây dựng lực lượng DTQG có quy mô đủ mạnh, cơ cấu hợp lý, danh mục mặt hàng chiến lược, thiết yếu để chủ động đáp ứng kịp thời, hiệu quả các mục tiêu DTQG và các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Về mục tiêu cụ thể, Chiến lược nêu rõ mức DTQG một số mặt hàng chiến lược, thiết yếu đến năm 2030.

Cụ thể, đối với lương thực, phấn đấu đến năm 2025 mức dự trữ lương thực tồn kho cuối năm khoảng 250.000 tấn (quy gạo). Giai đoạn 2026 - 2030, căn cứ tình hình thực tế để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định mức mua tăng hàng năm phù hợp.

Đối với vật tư, thiết bị cứu hộ, cứu nạn, mức dự trữ đáp ứng yêu cầu phòng, chống, ứng phó sự cố thiên tai, dịch bệnh và tìm kiếm, cứu nạn của các bộ, ngành, địa phương.

Đối với muối ăn, sử dụng lượng muối ăn tồn kho hiện nay để xuất cấp cứu trợ, hỗ trợ cho Nhân dân khi có tình huống đột xuất, cấp bách xảy ra hoặc xuất giảm theo quyết định của cấp có thẩm quyền; trong giai đoạn tới không bố trí kế hoạch mua tăng, mua bù muối ăn.

Đối với các mặt hàng phục vụ quốc phòng, an ninh, Chiến lược nêu rõ tăng cường DTQG các mặt hàng chiến lược, tiên tiến, hiện đại với mức bố trí kinh phí hàng năm tăng cao hơn mức bình quân của toàn Ngành, đảm bảo yêu cầu tăng cường nguồn lực cho quốc phòng, an ninh.

Đối với các mặt hàng DTQG phục vụ nông nghiệp: Mức dự trữ đáp ứng yêu cầu cơ bản về phòng, chống, khắc phục hậu quả của thiên tai, dịch bệnh, ổn định sản xuất của Nhân dân.

Đối với mặt hàng xăng dầu, đến năm 2030 phấn đấu tăng dần mức DTQG lên khoảng 800 ngàn m3 đối với sản phẩm xăng dầu và 1.000 - 2.000 ngàn tấn đối với dầu thô, tương đương 15 - 20 ngày nhập ròng.

Trong đó: Tiếp tục tập trung hoàn thiện hệ thống quy định của pháp luật về quản lý xăng dầu DTQG; trên cơ sở đó, tăng dần mức DTQG phù hợp với hạ tầng phục vụ DTQG về xăng dầu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 18/7/2023.

Đối với các mặt hàng y tế, mức dự trữ đảm bảo chủ động đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, các tình huống khẩn cấp về y tế và nhu cầu chăm sóc sức khỏe của Nhân dân.

Đối với các mặt hàng phục vụ đảm bảo giao thông, vận tải, phát thanh truyền hình, mức DTQG thực hiện theo yêu cầu nhiệm vụ của từng ngành, lĩnh vực đến năm 2030.

Ngoài các nội dung trên, Chiến lược cũng nêu rõ: Xây dựng, hoàn thiện hệ thống kho DTQG và cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng theo hướng tiên tiến, hiện đại, quy mô lớn, tập trung tại các vùng, tuyến chiến lược trong cả nước theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đồng thời, đầu tư, nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật, mở rộng hợp tác quốc tế trong nghiên cứu và chuyển giao công nghệ bảo quản tiên tiến, hiện đại, phù hợp với điều kiện khí hậu và kinh tế - xã hội của Việt Nam, đảm bảo chất lượng, hạ thấp tỷ lệ hao hụt hàng DTQG…

Chiến lược nêu rõ: Định kỳ, hàng năm rà soát Danh mục hàng DTQG làm cơ sở điều chỉnh, bổ sung Danh mục hàng DTQG và phân công cơ quan quản lý hàng DTQG cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Nghiên cứu dự báo của các cơ quan chuyên môn về tình hình thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, an ninh, quốc phòng để xây dựng, xác định Danh mục hàng DTQG phù hợp. Hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về hàng DTQG phục vụ công tác đánh giá Danh mục hàng DTQG…

Văn Trường

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/phan-dau-den-nam-2025-giu-muc-du-tru-ton-kho-gao-cuoi-nam-khoang-250-000-tan.html