Phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024

Ngày 3/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024 và Hội nghị Chính phủ với địa phương. Ảnh: TTXVN

Tham dự hội nghị có các Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Trần Lưu Quang; các bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; đại diện lãnh đạo một số ban, ủy ban, cơ quan của Trung ương Đảng và Quốc hội; lãnh đạo một số tập đoàn kinh tế; chủ tịch, phó chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tại điểm cầu Phú Yên, tham dự có các đồng chí: Tạ Anh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Tấn Hổ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh; Hồ Thị Nguyên Thảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Đào Mỹ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành trong tỉnh.

Kinh tế phục hồi tích cực

Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, tình hình KT-XH tháng 3/2024 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực; tính chung quý I hầu hết các lĩnh vực đạt kết quả tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,98%, đóng góp 6,09% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,28%, đóng góp 41,68%; khu vực dịch vụ tăng 6,12%, đóng góp 52,23%.

Lãnh đạo UBND tỉnh cùng các sở, ngành tham dự hội nghị tại điểm cầu Phú Yên. Ảnh: NHƯ THANH

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, sản xuất công nghiệp khởi sắc và tiếp tục đà tăng trưởng từ cuối năm 2023. Giá trị tăng thêm toàn ngành Công nghiệp quý 1/2024 tăng 6,18% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến quý 1/2024, cả nước có gần 60.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý 1/2024 theo giá hiện hành ước đạt 613,9 ngàn tỉ đồng, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước.

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, bên cạnh thành tựu, vẫn còn không ít khó khăn, thách thức cần nỗ lực vượt qua như: sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; áp lực lạm phát, tỉ giá là vấn đề cần quan tâm; thị trường tài chính, tiền tệ, hệ thống ngân hàng còn tiềm ẩn rủi ro…

Lãnh đạo các địa phương đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành một số kiến nghị như sớm phê duyệt một số dự án quan trọng trên địa bàn, nhất là các dự án phát triển hạ tầng; giao chuyển và chuyển mục đích sử dụng đất; tiếp tục cụ thể hóa các chương trình, đề án, nhất là việc phân cấp xử lý thủ tục các dự án thuộc 3 chương trình, mục tiêu quốc gia, đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội; khắc phục thiếu các chuyến bay hàng không phục vụ nhu cầu đi lại…

Phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5%

Sau khi nghe các ý kiến của các đại biểu và giải đáp của các bộ, ngành, kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: trong tháng 3 và từ đầu năm đến nay, Chính phủ, các bộ, ban, ngành và địa phương đã tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, linh hoạt các nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là các chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thời gian tới, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2024, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, thực hiện “5 quyết tâm”, “5 bảo đảm” và “5 đẩy mạnh”. Trong đó, nêu cao tinh thần “5 quyết tâm” gồm: Quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức; Quyết tâm thực hiện, không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm, không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác với phương châm thắng không kiêu, bại không nản; Quyết tâm bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung; Quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp; Quyết tâm nỗ lực phấn đấu cao nhất để đạt kết quả tốt nhất trong năm 2024.

Theo Thủ tướng, “5 bảo đảm” phải thực hiện tốt là: Bảo đảm thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, lãnh đạo chủ chốt, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ; Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế và kiểm soát lạm phát; Bảo đảm phát triển lành mạnh, công khai, minh bạch các loại thị trường như thị trường bất động sản, thị trường vốn; Bảo đảm đầy đủ điều kiện để triển khai chế độ tiền lương mới từ ngày 1/7/2024; Bảo đảm an sinh xã hội, an ninh, an toàn, an dân và tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Cùng với đó người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu, tập trung thực hiện “5 đẩy mạnh” là: Đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế trên tất cả lĩnh vực; Đẩy mạnh huy động mọi nguồn lực xã hội vào đầu tư phát triển; Đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược, về hoàn thiện thể chế; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển thời kỳ mới; Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, củng cố và nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ; đổi mới sáng tạo, lập nghiệp; Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia.

Giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu và tin tưởng các bộ, ngành, địa phương nắm chắc tình hình, phản ứng chính sách kịp thời; đoàn kết, nhất trí; tích cực, chủ động giải quyết công việc theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền; điều hành quyết liệt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ... thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đề ra.

NHƯ THANH

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/76/314940/phan-dau-dat-va-vuot-cac-chi-tieu-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-nam-2024.html