Phân cấp, phân quyền đã rõ

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 216/QĐ-TTg phân cấp và giao cơ quan chủ quản đầu tư các dự án đường bộ theo Nghị quyết số 106/2023/QH15 của Quốc hội thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ. Theo đó, Ủy ban nhân dân một số tỉnh được giao làm cơ quan chủ quản đầu tư dự án đường bộ.

Việc đã đến tay

Tại Kỳ họp thứ Sáu vừa qua, ngày 28.11.2023 Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 106/2023/QH15 của Quốc hội thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ. Nghị quyết có hiệu lực thi hành ngay sau khi được Quốc hội thông qua và được thực hiện thí điểm đến ngày 30.6.2025. Theo đó, Quốc hội giao Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định và chịu trách nhiệm trong việc giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được làm cơ quan chủ quản đối với một số dự án.

Triển khai Nghị quyết của Quốc hội, Quyết định của Thủ tướng cũng nêu rõ, phân cấp cho Ủy ban nhân dân các tỉnh: Bình Phước, Sơn La, Ninh Bình, Hậu Giang, Cần Thơ, Khánh Hòa được làm cơ quan chủ quản, được sử dụng ngân sách địa phương và vốn hợp pháp khác đầu tư dự án đường quốc lộ, đường cao tốc đối với các dự án tại Phụ lục II (Danh mục dự án đường quốc lộ, đường cao tốc phân cấp địa phương làm cơ quan chủ quản - PV), Nghị quyết số 106/2023/QH15.

Cụ thể, tỉnh Bình Phước sẽ làm cơ quan chủ quản dự án nâng cấp, mở rộng đường QL.14 đoạn Đồng Xoài - Chơn Thành và dự án đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Phước; tỉnh Sơn La làm cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, đoạn tuyến thuộc địa bàn tỉnh Sơn La; tỉnh Ninh Bình làm cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Ninh Bình; tỉnh Hậu Giang làm cơ quan chủ quản dự án nâng cấp mở rộng tuyến nối Cần Thơ - Hậu Giang (Quốc lộ 61C). TP. Cần Thơ làm cơ quan chủ quản dự án phát triển mạng lưới giao thông vùng đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu thành phố Cần Thơ - Dự án 1 (Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 61C, đoạn qua địa phận thành phố Cần Thơ và Đường kết nối quận Ô Môn, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ với huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang, đoạn qua địa phận thành phố Cần Thơ); tỉnh Khánh Hòa làm cơ quan chủ quản dự án nâng cấp, mở rộng đường Quốc lộ 26B, tỉnh Khánh Hòa.

Nguồn: ITN

Nguồn: ITN

Trong khi đó, Ủy ban nhân dân các tỉnh: Lai Châu, Bắc Kạn, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Tiền Giang, Ninh Thuận, Cà Mau, Cao Bằng, Vĩnh Long, Hậu Giang, Hòa Bình, Bến Tre, Trà Vinh được làm cơ quan chủ quản, được sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ địa phương khác thực hiện hoạt động đầu tư công đối với các dự án tại Phụ lục III (Danh mục dự án đường bộ qua các địa phương giao một địa phương làm cơ quan chủ quản - PV), Nghị quyết số 106/2023/QH15…

Trước đây, hầu hết các dự án quốc lộ, cao tốc, dự án có tính kết nối vùng cao đều do Bộ Giao thông Vận tải đảm nhận với vốn đầu tư nhà nước. Nhưng với Nghị quyết 106/2023/QH15, thì Thủ tướng Chính phủ giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm chủ đầu tư cao tốc qua nhiều địa phương, sẽ giúp cho các địa phương có một sự chủ động nhất định để triển khai các dự án đi qua nhiều địa phương. Với cơ chế đặc thù này, các dự án đã được giao đến tận “tay” cho Ủy ban nhân dân các tỉnh thực hiện. Thời gian thực hiện chính sách đặc thù để đầu tư xây dựng công trình đường bộ đối với các dự án này chỉ được kéo dài đến ngày 30.6.2025, do đó, các địa phương sớm triển khai thực hiện, để những chính sách đặc thù không bị bỏ lỡ nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Kiểm soát chặt tránh tiêu cực, lãng phí

Có thể thấy, Nghị quyết 106/2023/QH15 đã tạo khung khổ pháp lý quan trọng, phân cấp, phân quyền khá rõ; tuy nhiên, không phải phân quyền xong là xong. Chính phủ chịu trách nhiệm toàn diện về các danh mục đã được phân quyền. Đặc biệt, cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ trong suốt quá trình thực hiện chính sách đặc thù này.

Nhà nước cũng cần có quy chuẩn và quy trình thực hiện dự án chung để các địa phương phải tuân thủ. Điều này nhằm bảo đảm tính đồng bộ trong khâu triển khai thực hiện dự án, tránh tình trạng “mỗi nơi mỗi kiểu”. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện trong việc rà soát hồ sơ của các địa phương được phân cấp, giao cơ quan chủ quản đối với các dự án; hỗ trợ Ủy ban nhân dân các địa phương được giao làm cơ quan chủ quản triển khai các dự án theo đúng quy định của pháp luật. các Bộ: Giao thông Vận tải, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan có liên quan chủ động hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương triển khai dự án theo đúng tiến độ đã đề ra, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, an toàn.

Đối với các địa phương được “tín nhiệm” giao quyền chủ quản dự án cũng phải thể hiện rõ trách nhiệm tương xứng, bởi quyền luôn đi liền với trách nhiệm. Do đó, với UBND cấp tỉnh được giao làm cơ quan chủ quản thực hiện hoạt động đầu tư công của dự án phải tuân thủ triệt để pháp luật về đầu tư công, pháp luật về xây dựng. Đồng thời, chịu trách nhiệm bảo đảm năng lực, kinh nghiệm của cơ quan, tổ chức được giao triển khai thực hiện dự án; chịu trách nhiệm quản lý, khai thác, bảo trì đối với tuyến đường bộ trong quá trình đầu tư nâng cấp, mở rộng.

Để triển khai có hiệu quả cơ chế, chính sách đặc thù này thì ngay từ đầu, Nhà nước phải đặt rõ mục tiêu, phân rõ trách nhiệm cho các đơn vị để tránh nảy sinh tính “cục bộ”. Nhà nước cũng cần có quy chuẩn và quy trình thực hiện dự án chung mà các địa phương phải tuân thủ. Điều này nhằm bảo đảm tính đồng bộ trong khâu triển khai thực hiện dự án, chất lượng đường sá khi kết nối phải thông suốt, vận hành đem lại hiệu quả cao, tránh tình trạng “mỗi nơi mỗi kiểu”. Địa phương cấp tỉnh được giao đầu tư quốc lộ, cao tốc phải bảo đảm đủ năng lực đảm nhận. Cùng với đó, địa phương cũng chịu trách nhiệm chính khi xảy ra bất cứ vấn đề gì trong quá trình triển khai như chậm tiến độ, chất lượng chưa đạt quy chuẩn.

Chính sách đặc thù trong lĩnh vực giao thông là rất cần thiết, tạo sự chủ động cho địa phương, nhằm xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại. Do đó, các cơ quan liên quan cần sớm bắt tay triển khai chính sách này. Đẩy nhanh tiến độ là cần thiết, nhưng phải có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với các cơ quan trong quá trình thực hiện không để xảy ra lãng phí, tiêu cực, gây thất thoát tài sản và tiền vốn của Nhà nước, cũng như không để mất cán bộ do vi phạm pháp luật.

Song Hà

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/phap-luat-va-doi-song/phan-cap-phan-quyen-da-ro-i361820/