Phải quản lý tài nguyên nước một cách thống nhất

Đại biểu Lê Đào An Xuân phát biểu tại nghị trường. Ảnh: QUỐC LUÂN

Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, các ĐBQH thảo luận về Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Đại biểu Lê Đào An Xuân thuộc Đoàn ĐBQH Phú Yên đã tham gia góp ý dự thảo luật này. Báo Phú Yên giới thiệu đến bạn đọc nội dung góp ý của đại biểu.

Cần lồng ghép và phối hợp với các luật có liên quan

Nước là một loại tài nguyên đặc biệt, nên Luật Tài nguyên nước cũng cần được tiếp cận theo hướng đặc biệt. Luật nên được dự thảo như một luật khung cho việc quản lý tổng hợp tài nguyên nước, là cơ sở để triển khai các luật liên quan đến khai thác, sử dụng nước, như: Luật Thủy lợi, Luật Thủy điện, Luật Đê điều, phòng chống thiên tai; hay ngay cả dự thảo Luật Cấp thoát nước mà Chính phủ đang nghiên cứu… Trường hợp cần thiết, các điều khoản của Luật Tài nguyên nước có thể sửa đổi các luật trên nếu chưa đảm bảo các nguyên tắc mà Luật Tài nguyên nước sửa đổi đề ra.

Việt Nam là quốc gia có biển, vì vậy nước biển nên được xem là nguồn tài nguyên quan trọng giúp bảo đảm an ninh nguồn nước trong điều kiện diễn biến khí hậu phức tạp. Đề nghị bổ sung nội dung về ưu tiên phát triển khoa học công nghệ gắn với việc khai thác, chuyển đổi nước biển sang dạng nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất.

Về việc lấy ý kiến cộng đồng khi lập báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, tôi không thống nhất với phần giải thích trong báo cáo tiếp thu, giải trình của Bộ TN&MT khi cho rằng có sự khác nhau giữa 2 nội dung lấy ý kiến nên phải lấy ý kiến riêng. Xét thành phần hồ sơ để tổ chức lấy ý kiến quy định tại 2 luật có những thành phần tương tự nhau. Chủ thể trình hồ sơ là như nhau (nhà đầu tư); tổ chức/cá nhân được lấy ý kiến vẫn là chính quyền và cộng đồng vùng dự án và sau khi lấy ý kiến, đơn vị thẩm định hồ sơ cũng là Sở TN&MT hoặc Bộ TN&MT. Hơn nữa, cơ quan dự thảo 2 luật này cũng là một. Do vậy, nhiệm vụ của chúng ta là làm thế nào để đạt được yêu cầu của cơ quan nhà nước nhưng ít thủ tục hành chính nhất, giảm thời gian/chi phí nhiều nhất cho chủ đầu tư, doanh nghiệp. Vì vậy, rất mong cơ quan soạn thảo quan tâm, lồng ghép nội dung này. Ngoài nội dung trùng lắp với Luật Bảo vệ môi trường, tại khoản 4, Điều 28, Điều 42, Điều 45 dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) cần rà soát, tránh nêu quá chi tiết vào các nội dung liên quan hoạt động cấp nước, thoát nước… để không bất cập với Luật Xây dựng hoặc định hướng xây dựng Luật Cấp thoát nước.

Bảo vệ tài nguyên nước và thích ứng với biến đổi khí hậu

Trong dự thảo luật đề cập một điều riêng dành cho bổ sung nước dưới đất nhân tạo, đây là một điểm rất phù hợp dành cho những nơi nước dưới đất bị suy giảm nghiêm trọng, có nguy cơ dẫn đến sụt lún. Tuy nhiên, về lâu dài, chúng ta cần quan tâm hơn nữa tới bổ cập nước ngầm tự nhiên, thông qua một nguyên tắc bắt buộc để thúc đẩy phát triển và ứng dụng vật liệu chịu thấm, về quy hoạch tỉ lệ xây dựng, bê tông hóa trong đô thị… Nếu làm tốt điều này, sẽ giảm tải rất lớn cho các hệ thống thoát nước, giảm ngập lụt cục bộ tại các đô thị, bảo vệ nguồn nước ngầm, đảm bảo an ninh nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu và không phải xây dựng phương án bổ cập nước nhân tạo trong tương lai. Do vậy, tôi đề nghị dự thảo luật bổ sung nội dung về các nguyên tắc đảm bảo tối đa việc bổ cập tự nhiên đối với nước dưới đất, trong các nguyên tắc bảo vệ bền vững tài nguyên nước, trước hết trong hoạt động xây dựng để tương thích với trách nhiệm giao cho Bộ Xây dựng triển khai tại khoản 10, Điều 60.

Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) vẫn giữ điều khoản “Cấm xả thải nước thải vào nguồn nước dưới đất” như Luật Tài nguyên nước năm 2012. Quy định này không phân định nước thải đã được xử lý đạt chuẩn hay chưa. Nếu nước thải đạt chuẩn thì xả như thế nào gọi là xả vào nguồn nước dưới đất, tưới cây có được gọi là xả thải vào nguồn nước dưới đất hay không? Theo giải thích luật của Bộ TN&MT trước đây thì chỉ cho phép xả thải vào nơi có thủy vực. Tuy nhiên, thực tế thì có rất nhiều nơi không có sông suối, ao hồ và quy định này lâu nay chỉ áp dụng trên văn bản, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp; đồng thời chưa khuyến khích để tái sử dụng nước theo nguyên tắc kinh tế tuần hoàn. Hiện nay đã có một số quy định, quy chuẩn chuyên ngành về xử lý nước thải, như nước thải chăn nuôi, nước thải sinh hoạt… Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, sửa đổi quy định này cho phù hợp và đồng bộ với các quy định, giúp tối đa sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả.

Phân cấp thẩm quyền quản lý tài nguyên nước

Thẩm định quy trình vận hành liên hồ chứa, tại khoản 7, Điều 39 về quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa, dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) quy định lấy ý kiến của Bộ TN&MT về danh mục các đập, hồ chứa bậc thang trên sông suối thuộc địa bàn tỉnh; quy chế phối hợp vận hành giữa các hồ thuộc địa bàn một tỉnh; quy trình phối hợp vận hành của các hồ đập nằm trên địa bàn từ hai tỉnh trở lên. Tức là hầu hết đều phải lấy ý kiến Bộ TN&MT, như vậy là chưa phù hợp. Đề nghị nên phân cấp cho địa phương với những hồ đập nằm trọn vẹn trên địa bàn tỉnh, còn các hồ đập nằm ở hai tỉnh trở lên mới lấy ý kiến Bộ TN&MT.

BTV (tổng hợp)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/76/299996/phai-quan-ly-tai-nguyen-nuoc-mot-cach-thong-nhat.html