Phải có nhà, tái định cư mới thu hồi đất

Người có đất bị thu hồi được xem xét tái định cư (TĐC) trước khi thu hồi đất là nội dung có trong Luật Đất đai (sửa đổi) mới được Quốc hội thông qua đầu năm 2024. Quy định cụ thể, rõ ràng sẽ tháo gỡ nhiều điểm 'nghẽn' trong bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Dự án Đường ven sông Đồng Nai đang bị vướng mặt bằng do chưa hoàn thiện hạ tầng tái định cư cho người dân. Ảnh: H.Lộc

Đây cũng là căn cứ bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho người có đất bị thu hồi.

* Tháo gỡ điểm “nghẽn” mặt bằng

Thời gian qua, tại Đồng Nai cũng như nhiều địa phương trên cả nước, không ít dự án phát triển kinh tế - xã hội bị vướng khâu giải phóng mặt bằng vì TĐC chậm, chính sách bồi thường, hỗ trợ chưa thỏa đáng. Vướng mắc này đã kéo theo tiến độ triển khai dự án chậm, giải ngân vốn đầu tư chậm, không bảo đảm an cư cho người dân, hiệu quả về kinh tế - xã hội của dự án giảm.

Phó giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ TĐC tỉnh Nguyễn Hồng Quế cho rằng, thời gian qua, nhiều dự án không bảo đảm tiến độ bàn giao mặt bằng vì TĐC chậm. Theo ông Quế, đáng lý trước khi thu hồi đất của cá nhân, tổ chức phải có hạ tầng TĐC, nhưng hạ tầng này thường đi sau một bước dẫn đến công tác tuyên truyền, vận động người dân bàn giao mặt bằng, nhận kinh phí bồi thường, hỗ trợ để có đất thực hiện dự án gặp nhiều khó khăn.

Điển hình như dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, các địa phương đã thu hồi đất, chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ nhưng TĐC chưa có. Có dự án TĐC đã làm lễ khởi công nhưng chưa triển khai xây dựng hạ tầng, có dự án còn đang chờ điều chỉnh quy hoạch phân khu và xin chủ trương Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa cần nhiều thời gian.

Đại diện Công ty TNHH Vân Nga Phát (TP.Biên Hòa), đơn vị đang thi công dự án Đường ven sông Đồng Nai cho rằng, TĐC chậm là nguyên nhân chính dẫn đến tiến độ dự án chậm và cả chủ đầu tư, đơn vị thi công lẫn người dân đều thiệt. Về phía đơn vị thi công, khi vật liệu, máy móc, nhân công đã sẵn sàng mà thiếu mặt bằng càng lâu càng bị đội chi phí. Chủ đầu tư thì không giải ngân được vốn đầu tư, tốn thêm chi phí hỗ trợ người dân thuê nhà trọ trong thời gian chờ TĐC; còn người dân thì phải đi thuê nhà trọ, ở nhờ nơi khác.

Trong các báo cáo của UBND tỉnh, Sở TN-MT cũng chỉ ra, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án thời gian qua còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế, chưa tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Một trong các nguyên nhân là việc giải quyết bố trí TĐC và xác định nghĩa vụ tài chính tại các khu TĐC còn lúng túng. Đầu tư xây dựng các khu TĐC còn chậm, một số khu TĐC chưa được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kịp thời để chủ động bố trí, di dời các trường hợp bị thu hồi đất.

* TĐC phải đi trước một bước

Trước vướng mắc trên, ngày 16-6-2022, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Nghị quyết nêu, đối với TĐC phải dành vị trí thuận lợi nhất cho người có đất bị thu hồi, bảo đảm người dân phải di dời chỗ ở có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.

Tiếp đó, Luật Đất đai (sửa đổi) mới thông qua đầu năm nay cũng thể hiện người có đất bị thu hồi được xem xét TĐC trước khi thu hồi đất. Cụ thể, luật quy định người có đất ở bị thu hồi để thực hiện dự án đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại thì được bồi thường bằng đất ở, nhà ở tại chỗ. Trường hợp thu hồi đất ở để thực hiện các mục đích khác thì được bồi thường bằng đất ở, nhà ở tại chỗ nếu tại khu vực thu hồi đất có quỹ đất, quỹ nhà TĐC.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho rằng, thời gian qua, các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư đã nỗ lực xử lý các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm quốc gia như: Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, Đường vành đai 3 - TP.HCM, Đường vành đai 4 - TP.HCM và nhiều dự án trọng điểm của tỉnh. Tuy nhiên, tiến độ giải phóng mặt bằng, bàn giao đất một số dự án còn chậm.

Lãnh đạo UBND tỉnh đề nghị các địa phương bố trí quỹ đất, làm sẵn hạ tầng các khu TĐC nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho dự án thu hồi đất. Việc triển khai dự án hạ tầng TĐC phải bảo đảm nguyên tắc nơi ở mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.

Vừa qua, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 19/CT-UBND về việc đẩy nhanh bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh. Trong chỉ thị này, UBND tỉnh giao trách nhiệm cho từng sở, ngành, địa phương trong việc đảm bảo TĐC cho người bị thu hồi đất. Trong đó, Sở Xây dựng xác định vị trí, quy mô các khu TĐC phù hợp với quy hoạch phát triển chung của địa phương, khẩn trương trình UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch các khu TĐC theo quy định. UBND các huyện, thành phố rà soát, chủ động bố trí nguồn vốn, quỹ đất, thủ tục liên quan, nhanh chóng đầu tư xây dựng khu TĐC trước khi thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án đầu tư. Việc thu hồi đất chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành xây dựng nhà ở hoặc hạ tầng của khu TĐC.

Hoàng Lộc

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202402/phai-co-nha-tai-dinh-cu-moi-thu-hoi-dat-02256ef/