Phải có báo cáo chuyên sâu với giải pháp hiệu quả

Các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức liên quan tiếp tục tổ chức các buổi làm việc chuyên sâu về các vấn đề nổi cộm trong công tác bảo đảm trật tự ATGT. Đặc biệt, các địa phương có tai nạn giao thông tăng phải có báo cáo chuyên sâu, đánh giá cụ thể nguyên nhân và các giải pháp hiệu quả để khắc phục. Đó là yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Nguyễn Văn Thắng tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông quý I.

Còn xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng

Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Lê Kim Thành cho biết, trong thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đặc biệt là sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương đã triển khai nhiều biện pháp tình hình trật tự an toàn giao thông đã có những chuyển biến tích cực. Ngành Giao thông Vận tải tiếp tục quan tâm đổi mới, điều chỉnh kịp thời tổ chức giao thông; chủ động rà soát, phát hiện, đồng thời tiếp thu kiến nghị của lực lượng cảnh sát giao thông, chính quyền địa phương, báo chí và người dân để xử lý dứt điểm các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông.

Tuy nhiên, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông quý I còn một số tồn tại, hạn chế. Vi phạm về trật tự an toàn giao thông còn nhiều, trong đó vi phạm về hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt chưa được xử lý kịp thời. Tình trạng tụ tập, điều khiển xe thành đoàn, có dấu hiệu đua xe trái phép vẫn còn xảy ra tại một số tỉnh, thành phố. Vẫn còn tình trạng xe ô tô tải không thực hiện nghiêm quy định về xếp hàng hóa lên phương tiện, khiến cho hàng hóa bị rơi xuống đường, gây mất ATGT. Tình trạng ùn tắc giao thông vẫn tiếp diễn trên các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng điểm, nhất là tại cửa ngõ ra, vào các thành phố lớn. Đặc biệt, một số địa phương còn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Toàn cảnh Hội nghị toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông quý I tại đầu cầu Hà Nội

Theo báo cáo của Bộ Công an, tính đến 14.3, toàn quốc xảy ra 6.550 vụ TNGT, làm chết 2.723 người, bị thương 5.246 người. So với cùng kỳ, tăng 1.194 vụ, giảm 484 người chết, tăng 1.847 người bị thương. Trong số này, có 6 vụ đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Lào Cai, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Trà Vinh và Thừa Thiên Huế, làm chết 22 người, bị thương 4 người.

Có 40 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết do TNGT giảm so với cùng kỳ, trong đó 11 địa phương giảm trên 30% số người chết; đặc biệt, còn 22 địa phương có số người chết do TNGT tăng, trong đó có 5 tỉnh có số người chết tăng trên 50%.

Cũng trong quý I, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 1,3 triệu trường hợp vi phạm trật tự ATGT đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa (tăng 38%), phạt tiền hơn 2.041 tỷ đồng (tăng 49%), tước 206.400 giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn; tạm giữ hơn 373.500 phương tiện các loại. Trong đó, có hơn 275.100 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (chiếm 22,2% các hành vi vi phạm); gần 1.600 trường hợp lái xe dương tính với chất ma túy và hơn 245.700 trường hợp chạy quá tốc độ cho phép…

Gắn trách nhiệm người đứng đầu địa phương có tai nạn giao thông tăng

Theo ông Lê Kim Thành, để kiềm chế và kéo giảm TNGT, các địa phương ưu tiên sử dụng nguồn kinh phí bảo trì đường bộ để khắc phục các "điểm đen" tiềm ẩn tai nạn giao thông trên hệ thống đường do địa phương quản lý. Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục triển khai công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành giao thông vận tải theo kế hoạch và đột xuất, trong đó tập trung vào các nội dung: thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe ô tô đường bộ; kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và hoạt động các bến xe ô tô khách; gắn trách nhiệm người đứng đầu địa phương để TNGT tăng.

Bộ Công an chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động tuần tra, kiểm soát về trật tự ATGT. Đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma túy khi lái xe; chở hàng hóa quá tải trọng và các hành vi khác như vượt ẩu, đi ngược chiều, không chấp hành biển báo giao thông…

Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục triển khai và tổng kết chương trình “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai” dành cho học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông; chương trình “An toàn giao thông cho nụ cười trẻ thơ” dành cho học sinh tiểu học; chương trình “Tôi yêu Việt Nam” cho trẻ mầm non.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Nguyễn Văn Thắng nhận định, tai nạn giao thông còn diễn biến phức tạp, văn hóa giao thông chưa hình thành rõ nét, việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông có lúc, có nơi còn buông lỏng. Để đạt được mục tiêu mà Đảng, Quốc hội và Chính phủ đặt ra, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ tiếp tục tổ chức các buổi làm việc chuyên sâu về các vấn đề nổi cộm trong công tác bảo đảm trật tự ATGT; đặc biệt, yêu cầu các địa phương còn tăng số vụ tai nạn giao thông phải có báo cáo chuyên sâu, đánh giá cụ thể nguyên nhân và các giải pháp hiệu quả. Ngoài ra, tăng cường công tác tuyên truyền và giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho người dân, nhất là đối tượng có nguy cơ cao gây tai nạn giao thông.

“Chính phủ vừa ban hành Nghị định 41/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô, dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe và sẽ có hiệu lực từ 1.6; trong quý II, Quốc hội dự kiến sẽ xem xét và thông qua Luật Đường bộ và Luật Trật tự an toàn giao thông Đường bộ, các cơ quan chức năng cần sẵn sàng để bảo đảm triển khai Luật được toàn diện” Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết thêm.

NGỌC NAM

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/giao-thong/phai-co-bao-cao-chuyen-sau-voi-giai-phap-hieu-qua-i368891/