Phải chi bình tĩnh để giải quyết

Nhiều người dân trên địa bàn tỉnh bàng hoàng khi mới đây, một thanh niên đã ra tay đâm chết một người chỉ vì va chạm liên quan đến giao thông. Sự việc đáng tiếc này sẽ không xảy ra, nếu như mọi người biết kiềm chế, bình tĩnh trong giải quyết mâu thuẫn; chớ liều lĩnh, manh động.

 Công an làm việc với Nguyễn Cửu Quốc về hành vi giết người

Công an làm việc với Nguyễn Cửu Quốc về hành vi giết người

Một ngày đầu tháng 2/2024, Nguyễn Cửu Quốc (30 tuổi), trú 102 đường Tôn Thất Cảnh, phường An Đông (TP. Huế) điều khiển xe máy BKS 75F7 -7551 đi trên đường giao nước đá về xưởng.

Khi đến đường Xuân 68 (TP. Huế), xe máy do Quốc điều khiển va chạm giao thông với anh Nguyễn Văn B. (27 tuổi), trú phường Phước Vĩnh (TP. Huế) khiến Quốc suýt ngã.

Bực tức sau cú va chạm, Quốc điều khiển phương tiện đuổi theo anh B. dọc tuyến đường Xuân 68 và xảy ra cãi vã. Anh B. nhặt đá ở vỉa hè ném nhưng không trúng, sau đó tiếp tục rượt đuổi Quốc chạy vào xưởng làm đá tại địa chỉ số 57, đường Xuân 68. Trên đường rượt đuổi, B. tiếp tục dùng viên gạch cầm trên tay đánh vào đầu Quốc.

Bị B. đánh, Quốc lấy con dao từ trong người đâm liên tiếp 3 nhát vào người B. Anh B. bỏ chạy ra ngoài và được người dân đưa đi bệnh viện cấp cứu, nhưng nạn nhân đã tử vong.

Nhận được tin báo, Công an tỉnh phối hợp các đơn vị nghiệp vụ, bảo vệ hiện trường, truy bắt Quốc. Sau khoảng 2 giờ, Quốc bị bắt tại nhà riêng khi đang chuẩn bị quần áo với ý định bỏ trốn.

Cũng vì mâu thuẫn, Nguyễn Đình Anh (52 tuổi), trú tại xã Quảng Thọ (Quảng Điền) đã dùng rựa chém vào đầu anh Phạm Viết H (40 tuổi), trú tại phường Hương Xuân (TX. Hương Trà) gây thương tích. Tòa án nhân dân tỉnh đã xử Anh 7 năm tù giam vì tội giết người. Nguồn cơn dẫn đến mâu thuẫn là do không kiềm chế được lời nói, dẫn đến cãi vã lời qua tiếng lại. Sẵn có hơi men trong người, nên sự việc càng đẩy đi xa.

Qua các vụ việc trên cho thấy, mâu thuẫn là điều khó tránh khỏi trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, xử lý mâu thuẫn không tốt sẽ mang lại rất nhiều phiền toái và hệ lụy khó lường.

Kiềm chế cảm xúc, thực sự bình tĩnh là những yếu tố rất cần thiết trong lúc bực tức, nóng giận. Đây là vấn đề khó, nhưng nếu vượt qua sẽ giảm đi sự căng thẳng trong mâu thuẫn.

Thông thường, mâu thuẫn trở nên đỉnh điểm là lời qua, tiếng lại với nhau hoặc có những hành động phản kháng thiếu chuẩn mực, dẫn đến những hành động không kiềm chế, thiếu bình tĩnh, nóng vội.

Với trường hợp của Nguyễn Cửu Quốc, nếu như biết kiềm chế, giải quyết mâu thuẫn trên tinh thần thượng tôn pháp luật thì không dẫn đến những hành động vi phạm pháp luật, tước đoạt tính mạng của anh B. Anh B, nếu không có hành động cầm đá, tạo thêm sự phấn khích, nóng giận, dồn đến bước đường cùng đối với Quốc thì không để xảy ra sự việc đau lòng.

Những người không kiểm soát được cảm xúc thường có cái tôi rất lớn, họ dễ có những phản ứng sai lầm. Chính vì vậy, kiểm soát cảm xúc là rất quan trọng để mỗi người có thể bình tĩnh giải quyết những mâu thuẫn phát sinh trong cuộc sống. Điều này rất quan trọng để tránh những xung đột căng thẳng, xô xát lẫn nhau.

Chìa khóa để giải quyết mọi mâu thuẫn là mỗi người cần phải tự kiểm soát suy nghĩ và lời nói của bản thân thật tốt. Mâu thuẫn càng căng thẳng bao nhiêu, chúng ta càng cần phải vị tha hơn bấy nhiêu để thấu hiểu và bỏ qua tất cả. Trong trường hợp mâu thuẫn đạt tới đỉnh điểm, cần tìm cách xử lý mọi việc thật khéo léo, gọn gàng để tránh những hệ lụy đáng tiếc.

Bài, ảnh: Tâm Anh

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chinh-tri-xa-hoi/phap-luat-cuoc-song/phai-chi-binh-tinh-de-giai-quyet-138644.html