Phải chăng bản án chưa tương xứng với tội trạng của 'bà trùm' cát tặc?

Sau khi các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an phối hợp với Công an TP Hà Nội phá thành công chuyên án, xóa sổ đường dây bảo kê, khai thác cát trái phép trên sông Hồng (đoạn thuộc địa bàn huyện Đan Phượng, Hà Nội) có quy mô lớn vào rạng sáng 14/12/2020, đã trả lại sự bình yên cho dòng sông.

Đáng nói, trong vụ án này nổi lên đối tượng Đỗ Thị Luyến với biệt danh là “Trang cát”. Người phụ nữ này được xem như một bà trùm trong lĩnh vực khai thác cát. Vậy “Trang cát” là người như thế nào?

Xóa sổ dường dây “cát tặc” quy mô lớn

Đêm 13 rạng sáng 14/12/2020, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) chủ trì phối hợp với Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động và các đơn vị chức năng Công an TP Hà Nội phá thành công chuyên án, xóa sổ đường dây bảo kê, khai thác cát trái phép quy mô lớn trên sông Hồng. Đây cũng là mốc thời gian chấm dứt sự lộng hành của “cát tặc” khiến cho những bức xúc của người dân sống hai bên bờ sông nơi đây tạm thời lắng xuống từ đó đến nay.

Hiện trường lực lượng chức năng triệt phá chuyên án, bắt giữ các đối tượng liên quan đến dường dây bảo kê, hoạt động khai thác cát trái phép vào đêm 13, rạng sáng 14/12/2020.

Hiện trường lực lượng chức năng triệt phá chuyên án, bắt giữ các đối tượng liên quan đến dường dây bảo kê, hoạt động khai thác cát trái phép vào đêm 13, rạng sáng 14/12/2020.

Vào thời điểm trên, lực lượng chức năng cùng lúc bắt quả tang 11 tàu hút cát trái phép trên sông Hồng, bắt giữ nhóm 6 đối tượng có hành vi thu tiền bảo kê cho “cát tặc” trên sông Hồng (đoạn qua địa bàn xã Trung Châu, huyện Đan Phượng). Lực lượng Công an thu giữ 11 phương tiện, trong đó có 6 tàu bơm hút cát trọng tải lớn, 5 tàu vận chuyển cát; thu giữ hơn 2.000 m3 cát trên khoang các phương tiện và 32 người liên quan. Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng thu giữ số tiền 230 triệu đồng cùng một số tang vật, vật chứng liên quan khác.

Theo tài liệu điều tra, đầu năm 2019, Nguyễn Quang Hiển (sinh năm 1979, trú tại cụm 5, xã Thọ Xuân, huyện Đan Phượng, Hà Nội) chuyên hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh xây dựng nên biết Công ty CP Xây dựng và Du lịch Bình Minh (viết tắt là Công ty Bình Minh), có trụ sở tại Hà Nội được UBND tỉnh Hà Tây cũ (nay là TP Hà Nội) cấp giấy phép khai thác khoáng cát làm vật liệu san lấp mặt bằng tại bãi cát thuộc xã Trung Châu, huyện Đan Phượng với diện tích khai thác 100 ha, thời hạn 17 năm (từ năm 2008 đến năm 2025).

Ngày 6/3/2019, Hiển nhờ Đoàn Trọng Hường là Giám đốc Công ty Đại Hồng Châu (ở xã Trung Châu, huyện Đan Phượng) đứng ra thay Hiển ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty Bình Minh để triển khai dự án trên. Mặc dù để Hường đứng ra ký hợp đồng nhưng thực tế Hiển toàn quyền quyết định và đóng toàn bộ thuế, phí mà Công ty Bình Minh còn nợ để tiến hành khai thác cát san lấp. Hiển chỉ đạo Nguyễn Quang An (sinh năm 1991) và Nguyễn Quang Tuấn (sinh năm 1971) cùng trú tại thôn 8, xã Trung Châu, huyện Đan Phượng tìm các tàu thực hiện việc hút cái trái phép dưới lòng sông Hồng (đoạn đối diện bãi 8B, thuộc xã Trung Châu) để bán sang mạn cho các tàu.

Cuối năm 2019, Hiển quen biết Đỗ Thị Luyến (sinh năm 1976, trú tại TT3, khu đô thị Thành phố giao lưu, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Luyến và Hiển thỏa thuận, mỗi bên bỏ 50% chi phí đóng thuế, lệ phí khai thác ban đầu. Tháng 10/2020, khi Hiển cho người đưa các tàu vào khai thác để bán thì Luyến chỉ đạo Trần Hoàng Chính (sinh năm 1977, quê Vĩnh Phúc) cùng Nguyễn Hữu Hưng (sinh năm 1978, trú tại đường Cổ Nhuế, phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm) hằng ngày có mặt kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác cát và yêu cầu Hiển chia 50% lợi nhuận từ việc khai thác cát trái phép.

Luyến và Hiển thành lập ra “Tổ tài nguyên” gồm 5 thành viên, trong đó Nguyễn Quang An, Nguyễn Quang Tuấn và Phan Ngọc Anh (sinh năm 1975, trú tại thôn 8, xã Trung Châu, huyện Đan Phượng) đều là nhân viên của Hiển, còn Trần Hoàng Chính và Nguyễn Hữu Hưng là nhân viên của Luyến. Hoạt động của “Tổ tài nguyên” được Hiển và Luyến chỉ đạo trang bị máy hút và vòi hút cát cho các tàu hút cát trái phép bơm lên khoang của các tàu đến mua cát. Hoạt động khai thác cát trái phép được các đối tượng tổ chức từ 16h hôm trước đến 6h sáng hôm sau.

Hé lộ chân dung bà trùm “cát tặc”

Để phục vụ cho hoạt động khai thác cát trái phép, Hiển và Luyến cho phép 19 tàu hút cát thuê (được gọi là “phao”), đánh số từ 00 đến 18. Việc sắp xếp vị trí các “phao” hoạt động do “Tổ tài nguyên” căn cứ vào diện tích thực tế của sông Hồng. Nhiệm vụ của các thành viên trong “Tổ tài nguyên” được phân công cho nhau một cách cụ thể. Trong đó, Nguyễn Quang An và Phan Ngọc Anh cùng Trần Hoàng Chính đi ca nô ra thu tiền của các tàu mua cát neo đậu tại bến. Khi người mua cát có nhu cầu sẽ liên hệ với Chính hoặc Ngọc Anh qua các số điện thoại được Hiển cấp.

Nhiều sổ ghi chép liên quan đến hoạt động mua, bán và khai thác cát trái phép của đường dây này.

Nhiều sổ ghi chép liên quan đến hoạt động mua, bán và khai thác cát trái phép của đường dây này.

Với cách thức hoạt động bành trướng, đường dây khai thác cát trái phép này đã rơi vào tầm ngắm của Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an). Đêm 13, rạng sáng 14/12/2020, lực lượng chức năng đã tổ chức phá chuyên án, xóa sổ đường dây khai thác cát trái phép trên sông Hồng có quy mô lớn này. Khi đồng bọn bị bắt giữ, Luyến đã nhanh chân bỏ trốn. Cùng thời gian này, người phụ nữ có tên “Trang cát” được xem là bà trùm khai thác cát cũng “lặn” mất tăm. Điều này cũng không có gì làm lạ vì “Trang cát” chính là tên gọi khác mà Đỗ Thị Luyến sử dụng để làm ăn ngoài xã hội. Vậy “Trang cát” là người như thế nào?

Trở lại khoảng thời gian từ 2010 đến 2020, đây là thời kỳ “cát tặc” hoành hành khá mạnh trên các con sông của cả nước và đặc biệt là phía Bắc. Thời điểm này, giới khai thác khoáng sản (chủ yếu là cát) mỗi khi nhắc đến người phụ nữ có biệt danh “Trang cát” luôn là tâm điểm bàn tán trong hoạt động làm ăn. Đáng nói, không chỉ các đối tượng “cát tặc” mà ngay các doanh nghiệp được phép khai thác cát trên các con sông lớn như: Sông Hồng, sông Đuống (khu vực Hà Nội) hay sông Đà (Hòa Bình) hoặc sông Lô (chảy qua các tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ)... cũng phải dè chừng, không muốn dây dưa đến bà trùm “Trang cát”.

Theo một doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, khai thác cát trên địa bàn Hà Nội, vào thời điểm nói trên, nhiều doanh nghiệp có giấy phép khai thác các mỏ cát (bãi nổi) hay dưới danh nghĩa nạo vét luồng đường thủy kết hợp với tận thu sản phẩm muốn làm ăn yên ổn thì cần có sự ủng hộ của “Trang cát”. Bởi, dù các doanh nghiệp có giấy phép khai thác nếu thực hiện đúng quy định thì lợi nhuận chẳng được là bao. Còn nếu hoạt động khai thác ra khỏi phạm vi mỏ thì bằng cách nào đó, doanh nghiệp bị “đánh tiếng” hay tố giác đến các cơ quan chức năng nên không thể làm ăn yên ổn. Do vậy, muốn hoạt động làm ăn “thuận buồm xuôi gió” cần có sự “chia sẻ” của bà trùm “Trang cát”.

Chủ một cơ sở chăn nuôi, trồng trọt ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội cho biết, khoảng năm 2017, khi gia đình đang sản xuất chăn nuôi tại khu vực bãi sông Hồng thì “Trang cát” cho người đem tàu, thuyền đến hoạt động khai thác cát. Sợ bị sạt lở, ảnh hưởng đến việc sản xuất nên chủ cơ sở này phản đối hoạt động của “Trang cát”. Ngay lập tức, gia đình bị “Trang cát” cho người mang máy móc đến đào rãnh, rào đường quanh khu sản xuất, o ép đủ đường. Thậm chí, khi bị dồn đến bước đường cùng, cực chẳng đã, gia đình người này tuyên bố sẽ dùng xăng tự thiêu nhưng sau đó cũng đành phải xuống nước để được yên ổn làm ăn.

Bản án chưa đảm bảo sự công bằng

Trở lại vụ án phi vụ câu kết làm ăn giữa Đỗ Thị Luyến và Nguyễn Quang Hiển, ngay sau khi đường dây bảo kê, khai thác cát trái phép trên sông Hồng có quy mô lớn này bị triệt xóa, Đỗ Thị Luyến đã nhanh chân bỏ trốn. Gần 1 năm sau, Luyến ra đầu thú và bị tạm giữ, tạm giam (từ ngày 17/10/2021 đến ngày 31/12/2021) sau đó được thay đổi biện pháp ngăn chặn: “Cấm đi khỏi nơi cư trú”.

Trớ trêu, trong thời gian được tại ngoại, Đỗ Thị Luyến vẫn tiếp tục chỉ đạo, cho người đứng ra ký các hợp đồng kinh tế. Điển hình, tháng 8/2022, Đỗ Thị Luyến trực tiếp đứng ra đàm phán, mua bán giao dịch chuyển nhượng cổ phần một công ty tại Hà Nội. Quá trình giao dịch, Luyến lấy tên là “Trang cát” nhằm che giấu nhân thân khi đang là bị can trong vụ án “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên” và để cho người đàn ông mang tên Hoàng Văn Dũng đứng ra ký kết các hợp đồng.

Trong các ngày 12 và 13/12/2022, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm hình sự, xét xử vụ án “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên”, trong đó Nguyễn Quang Hiển và Đỗ Thị Luyến cùng 16 bị cáo khác bị truy tố, xét xử cùng tội danh nêu trên và bị cáo Bùi Thị Gái (sinh năm 1964, trú tại xã Điệp Nông, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) bị truy tố, xét xử về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.

Theo nhận định của hội đồng xét xử, trong vụ án này bị cáo Nguyễn Quang Hiển giữ vai trò chính còn Đỗ Thị Luyến tham gia phạm tội với vai trò tích cực. Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Nguyễn Quang Hiển bị tuyên phạt mức án 24 tháng tù, còn Đỗ Thị Luyến bị tuyên phạt mức án 20 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Đối với 16 bị cáo còn lại bị tuyên phạt mức án cao nhất là 20 tháng tù và thấp nhất là 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Riêng bị cáo Bùi Thị Gái bị tuyên phạt mức án 36 tháng tù về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.

Liên quan đến vụ án này, Công ty Bình Minh được xác định không tham gia và không thu lời từ việc khai thác cát trái phép của Hiển và đồng bọn nên không bị xử lý; 11 chủ tàu hút cát và thuyền viên do chưa xác định được thông tin lai lịch và biển số tàu nên Cơ quan Cảnh sát điều tra đã tách vụ án để tiếp tục điều tra xử lý sau; 406 phương tiện thủy có đăng ký tại 13 tỉnh thành trên cả nước, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã có công văn đề nghị Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường phối hợp xác minh triệu tập và ra quyết định tách vụ án hình sự 406 phương tiện có liên quan việc mua bán cát trái phép để điều tra xử lý sau.

Sau phiên tòa sơ thẩm, 8 bị cáo có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm nhưng Hiển và Luyến không có tên trong danh sách. Theo các chuyên gia về luật, đây là mức án quá nhẹ đối với hành vi phạm tội của 2 bị cáo, trong đó đặc biệt là bị cáo Đỗ Thị Luyến. Thực tế, Luyến và Hiển chung vốn mỗi bên 50% và ăn chia cũng theo tỷ lệ 50/50. Nếu xác định Hiển có vai trò chính (chủ mưu, cầm cầu, chỉ huy) thì vai trò của Luyến kể từ khi tham gia thực hiện tội phạm cùng Hiển không hề thua kém. Cả hai đều cùng nhau thực hiện, vai trò, vị trí, quyền lực ngang nhau, ăn chia thụ hưởng ngang nhau. Số lượng cát khai thác trái phép theo sự chỉ đạo của Hiển (255.897 m3) và của Luyến (230.786,8 m3) cũng tương đương nhau.

Điều này hoàn toàn phù hợp với nhận định của hội đồng xét xử tại phiên tòa phúc thẩm diễn ra ngày 12/4/2023 khi cho rằng: “Tòa án cấp sơ thẩm quyết định xử phạt bị cáo Nguyễn Quang Hiển 24 tháng tù còn Đỗ Thị Luyến 20 tháng tù nhưng cho hưởng án treo là có phần nương nhẹ; xử phạt các bị cáo giữ vai trò đồng phạm giúp sức cùng 20 tháng tù, Đỗ Anh Thắng lái xe thuê cho bị cáo Hiển 12 tháng tù là chưa đảm bảo sự công bằng và phân hóa tội phạm; các bị cáo đều là người làm thuê hưởng lương, chịu mọi sự chỉ đạo điều hành từ Nguyễn Quang Hiển và Đỗ Thị Luyến...”, trích Bản án phúc thẩm số 231/2023/HS-PT ngày 12/4/2023 của TAND Cấp cao tại Hà Nội.

Quang Trường

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/vu-an-noi-tieng/phai-chang-ban-an-chua-tuong-xung-voi-toi-trang-cua-ba-trum-cat-tac--i703229/