Phải cắt giảm từ 6 – 30% nhu cầu dùng điện, làm sao để doanh nghiệp không thiệt hại?

Lãnh đạo EVN cho biết, sản lượng điện cắt giảm trung bình ở phía Bắc mỗi ngày là từ 6 – 10%, tùy thuộc vào tình hình thời tiết, EVN mong khách hàng chia sẻ và thông cảm. Trước tình thế khó khăn trên, nhiều doanh nghiệp bày tỏ mong muốn ngành điện cần thông báo trước khi cắt điện khoảng vài ngày để chủ động kế hoạch sản xuất, kinh doanh, tránh những thiệt hại vì mất điện đột ngột.

Tại buổi họp trao đổi thông tin về tình hình cung ứng điện do Bộ Công Thương tổ chức chiều 7/6, ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam thừa nhận, ở phía Bắc, cung ứng khả dụng của hệ thống là 17.000 MW, nhưng ở thời điểm nắng nóng, nhu cầu phụ tải - tiêu thụ điện lên tới 20.000 MW.

Phải cắt giảm từ 6 – 30% nhu cầu dùng điện phía Bắc

Vì vậy, ngành điện phải cắt giảm công suất sử dụng, giảm nhu cầu sử dụng điện lên tới 30% ở những thời điểm nắng nóng nhất, còn thông thường sản lượng điện cắt giảm trung bình phía Bắc mỗi ngày là từ 6-10%, tùy thuộc tình hình thời tiết.

Doanh nghiệp phản ánh ngành điện cần phải báo trước lịch cắt điện với thời gian trước đó nhiều giờ, tránh đẩy họ vào tình cảnh khó khăn.

Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc Gia (A0) đã căn cứ Thông tư 34 của Bộ Công Thương để phân bổ công suất sử dụng cho EVN miền Bắc và EVN Hà Nội. Theo đó, EVN Hà Nội và EVN miền Bắc sẽ phân bổ cho các cơ quan điện lực từng tỉnh, điện lực địa phương sẽ xây dựng kế hoạch theo thứ tự ưu tiên từng loại khách hàng. Trên nguyên tắc đó, các công ty điện lực sẽ báo cáo, thông qua UBND tỉnh về các phương án và thực hiện tiết giảm.

Về cách thức tiết giảm điện trong thời gian qua, đại diện Ban Kinh doanh của EVN cho biết, ngay từ đầu tháng 6, EVN đã triển khai theo đúng Thông tư 34 và thực hiện mức tiết giảm khoảng 30% công suất, tương đương 6-10% sản lượng tiêu thụ ở miền Bắc.

Việc tiết giảm được tính toán lập kế hoạch dựa trên nguyên tắc ưu tiên khách hàng sử dụng điện quan trọng được UBND tỉnh phê duyệt và ưu tiên hoạt động phục vụ chính trị, xã hội quan trọng.

"Bên cạnh đó, ưu tiên khách hàng tùy theo từng địa phương, căn cứ thực tế xã hội, địa phương như sinh hoạt dân cư, thương mại dịch vụ, các phụ tải sản xuất mặt hàng thiết yếu như nước sạch, chế biến thực phẩm, cơ sở sản xuất sử dụng nhiều lao động...", đại diện EVN cho biết.

Về tình hình cung ứng điện của miền Bắc, ông Trần Đình Nhân, Tổng Giám đốc EVN cho biết, EVN đã phối hợp các cấp chính quyền tiết giảm điện trong tình huống thiếu nguồn sao cho phù hợp nhất với đặc điểm của từng địa phương.

"EVN đã nỗ lực cung cấp điện phía Nam và miền Trung, riêng phía Bắc còn khó khăn, từ nay đến khi nước về hồ thủy điện cố gắng duy trì hệ thống điện quốc gia vận hành an toàn. Trong lúc này, nhu cầu phụ tải nắng nóng tiếp tục tăng cao, nguồn điện không đáp ứng đủ, một số thời điểm phải tiết giảm điện. EVN mong khách hàng thông cảm, chia sẻ với tình huống khó khăn", đại diện EVN bày tỏ.

Đại diện Bộ Công Thương, ông Trần Việt Hòa- Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực bày tỏ, rất mong khách hàng, người dân, doanh nghiệp chia sẻ với khó khăn của ngành điện, cùng chung tay để vượt qua tình hình căng thẳng về cung ứng điện. "Với bất kỳ lý do gì thì việc để thiếu điện cung ứng cho phát triển kinh tế - xã hội là trách nhiệm không thể biện minh của cơ quan quản lý nhà nước, ngành điện, chúng tôi xin gửi lời xin lỗi tới nhân dân, doanh nghiệp. Đây là lúc chúng ta cần nói giải pháp khả thi để giải quyết khó khăn", ông Hòa chia sẻ

Doanh nghiệp than ‘trở tay không kịp’

Trước tình thế cấp bách trên, nhiều doanh nghiệp cho biết ngành điện cần phải có thông báo cụ thể, trước đó nhiều giờ, tránh tình trạng cắt điện đột ngột khiến doanh nghiệp gặp phải muôn vàn khó khăn.

Theo ông Ngô Sách Vinh, Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Cơ khí Sao Việt (SAVIMEC) tại (Thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh): “Có hôm Điện lực Bắc Ninh thông báo gấp trước giờ cắt điện nửa tiếng và cắt điện kéo dài tới 20 tiếng. Có hôm thì điện lực cắt 24 tiếng và thông báo cho chúng tôi trước đúng một ngày. Nói chung hỏng hết kế hoạch, chậm kế hoạch giao hàng, chậm tiến độ, bị phạt hợp đồng… Quy định thông báo trước cho doanh nghiệp nhưng họ không làm thì chúng tôi cũng chẳng biết kêu ai”.

Trong khi đó, ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại và Phát triển Công nghệ PMA (tại huyện Hoài Đức, Hà Nội) phản ánh, trong tuần qua đến ngày 7/6, doanh nghiệp bị cắt điện 3 lần, trong đó thời gian cắt điện đều trên 20 giờ đồng hồ. Tuy nhiên, phía đơn vị cung cấp điện chỉ thông báo trước đó vài tiếng.

“Chúng tôi bị cắt điện, ảnh hưởng sản xuất, đảo lộn, chậm tiến độ, thiệt hại rất lớn đến doanh nghiệp. Việc cắt điện đã làm thay đổi toàn bộ giờ làm việc của nhân viên, công ty phải chuyển sang làm việc từ 16 giờ đến 22 giờ (ca tối). Việc này làm doanh nghiệp phải chi thêm tiền trợ cấp giờ làm và thay đổi sinh hoạt của mọi người”, ông Tuấn Anh nói.

Theo doanh nghiệp này, từ ngày 29/5 đến hết ngày 7/6, doanh nghiệp bị cắt điện 3 lần. “Chúng tôi hỏi quy định cắt điện phải báo trước 24 giờ đến 5 ngày làm việc, nhưng họ trả lời do phát sinh nên không lường trước được”, ông Tuấn Anh than thở.

Đại diện PMA đề nghị, cơ quan điện lực cần thông báo đúng lịch cắt điện đến các đơn vị, trong đó có ngày giờ cắt, lộ trình cắt như thế nào để doanh nghiệp có kế hoạch ứng phó. Theo doanh nghiệp này, việc bất ngờ bị cắt điện khiến doanh nghiệp phải tăng thêm chi phí tài chính, chi trả trợ cấp bởi: “thời gian sử dụng điện cao điểm 16 giờ đến 22 giờ đắt gấp đôi giờ thấp điểm". Bên cạnh đó, doanh nghiệp bị cắt điện sẽ không kịp sản xuất đơn hàng, ảnh hưởng đến giao hàng, thậm chí cả sản lượng, năng suất”.

Được biết, theo Điều 27 Luật Điện lực, trường hợp ngừng hoặc giảm mức cung cấp điện không khẩn cấp, bên bán điện phải thông báo cho bên mua điện biết trước thời điểm ngừng cung cấp điện ít nhất 05 ngày bằng cách thông báo trong ba ngày liên tiếp trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc các hình thức thông tin khác.

Thy Lê

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//tieu-dung/phai-cat-giam-tu-6-30-nhu-cau-dung-dien-lam-sao-de-doanh-nghiep-khong-thiet-hai-1093113.html