Phà xuôi Cù lao Ông Hổ

Bến thuyền Ô Môi trên sông Hậu đông hơn mọi khi. Một số đoàn học sinh lên phà sang cắm trại bên Cù lao Ông Hổ. Đây là một đảo xanh rộng (2112 ha, dài hơn 9km) nằm giữa sông Hậu Giang. Nay đảo đã trở thành xã Mỹ Hòa Hưng thuộc thành phố Long Xuyên (An Giang). Người ta gọi Cù lao Ông Hổ là thiên đường của hoa Ô Môi rực đỏ khi hè tới. Người dân An Giang có câu: 'Dù ai xuôi ngược bốn bề/ Chưa đến Ông Hổ chưa về An Giang'.

Cổ tích trên những lục bình trôi

Chẳng cứ vào những ngày hè nóng bức mà mỗi khi thời tiết trái mùa những hàng cây Ô Môi trên đường phố Long Xuyên cũng trổ nụ xinh xinh. Bến phà Ô Môi được đặt tên cũng vì đây là tên một loại hoa đặc sản miền đất này. Đây là bến tàu thuyền cùng phà chủ yếu đi sang xã đảo Mỹ Hòa Hưng (Cù lao Ông Hổ).

Bến phà vào Cù lao Ông Hổ (bờ Mỹ Hòa Hưng).

Bến phà vào Cù lao Ông Hổ (bờ Mỹ Hòa Hưng).

Người hướng dẫn viên bồi hồi kể cho chúng tôi nghe chuyện ngày xưa ấy trên cù lao có hai vợ chồng người già sống trong cô đơn nghèo đói… Một hôm hai ông bà đang vớt những bông hoa súng ăn trừ bữa khi mùa lũ dâng cao. Họ an ủi nhau sống qua ngày đoạn tháng cam go trong mưa to gió lớn. Cỏ cây quanh vùng tan tác vì lở đất và nước dâng lên mênh mông như biển cả.

Đột nhiên một đám lục bình trôi qua hai người thấy có một chú mèo run rẩy kêu lên những âm thanh nghèn nghẹn không thành tiếng. Ông già vội chèo chiếc ghe nhỏ bé cố kèo bè lục bình vào bờ để cứu con mèo nhỏ. Khi vợ ông ôm con thú hoang vào trong lòng mới hay đó là một chú hổ mới sinh bị lũ cuốn trôi lạc cha mẹ. Cù lao ngày ấy còn là đảo hoang đầy rắn rết và cọp beo. Mấy mùa lũ và thiên tai ập tới làm cồn đảo xác xơ tan tác. Hai ông bà đưa hổ con vào bếp sưởi và vét những dĩa cháo cuối cùng cho hổ con ăn cầm hơi.

Từ đó cả ba vui vầy cùng nhau với bữa rau, bữa cháo vượt qua tháng năm lận đận. Cuộc sống dần trở nên bình an với nhiều niềm vui. Bà con quanh đảo luôn coi gia đình ông bà già là chốn thân thiện và năng qua lại. Họ cũng yêu hổ con và còn thường cho nó ăn cơm cá. Hổ con ngày một lớn lên và còn biết đi kiếm mồi về cho cha mẹ nuôi. Thời gian dần trôi. Hai người già mỗi ngày một đau yếu. Ông, bà lần lượt ra đi bỏ lại hổ con một mình trong cô đơn.

Hổ quanh quẩn bên hai nấm mộ của cha mẹ nuôi mỗi lần vào rừng kiếm ăn trở về. Dân làng quanh đảo lo sợ hổ sẽ hung dữ như bản tính sẵn có nên dần dần họ tìm cách đuổi hổ vào rừng. Họ đốt lửa và vây bắt hổ trong sự hoảng loạn. Hổ đành bỏ lại căn lều nhỏ và hai nấm mộ thân thương bên sông và trốn vào rừng. Nhưng cứ đêm đến là hổ lại tìm về mộ của cha mẹ nuôi nằm phủ phục cho tới sáng.

Nhưng rồi hổ cũng về già và gặp những rủi ro trong rừng sâu. Rồi một sớm tinh sương dân cù lao xôn xao vì thấy xác hổ nằm giữa hai ngôi mộ cha mẹ nuôi. Hai chân trước còn dang ra đặt lên mộ cha và mộ mẹ như một lời chia tay. Trong đôi mắt mở to của hổ vẫn còn đọng những giọt buồn trong vắt như nước sông Hậu hiền hòa. Lúc này mọi người mới cùng nhau chôn cất hổ bên mộ ông bà già và lập đền thờ bởi cảm động vì hiếu nghĩa của hổ với con người. Từ đó họ đặt tên quê hương là Cù lao Ông Hổ. Cho dù sau này cù lao đã trở thành một xã đảo Mỹ Hòa Hưng nhưng dân quanh vùng vẫn truyền tụng với cái tên: “Cù lao Ông Hổ giữa sông/ Chuyện xưa nổi sóng mênh mông nghĩa tình”.

Những con mắt từ nay thôi khóc

Người kể chuyện chấm dứt câu cuối cùng khi chuyến phà vừa cập bến Cù lao. Chiếc cầu phà bồng bềnh trên sóng nước bên những cụm hoa súng mới nở. Thật bất ngờ với chúng tôi đầu tiên không phải tới đền thờ Ông Hổ mà tới thẳng khu lưu niệm bảo tàng Chủ tịch Tôn Đức Thắng (1888-1980). Đoàn học sinh cũng tới đây xong mới tản về các địa điểm cắm trại trên vùng đồng cỏ quanh xã Mỹ Hòa Hưng.

Cù lao Ông Hổ chính là quê hương của cố Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Ngôi nhà Chủ tịch cất tiếng chào đời vẫn còn đó bên đường làng ấm áp. Người dân thường gọi Chủ tịch với cái tên thân thương: Cậu Hai Thắng. Cho dù rời đảo đi khắp bốn phương hoạt động cách mạng hoặc bị bắt cầm tù nơi Côn Đảo, cậu Hai Thắng luôn nhớ về cù lao. Vẫn còn đó vại nước bên cây cau cao vút. Và kia là cánh võng tuổi thơ luôn vang lên câu hò điệu ru bên sông Hậu. Trong dân gian bài ca cải lương luôn vang lên trong lòng người bày tỏ nỗi niềm thương nhớ: “Mùa hè ở Mỹ Hòa Hưng bông Ô Môi thắm đỏ/ Bác hướng xa đôi mắt nhớ một đời/ Đôi mắt nhớ Ô Môi/ Đôi mắt nhớ một trời An Giang/ Bác Tôn là của chúng con/ Bởi đôi mắt Bác nhớ thương thật đầy…”.

Sau này khi trở thành Chủ tịch nước, bác Tôn Đức Thắng vẫn nóng lòng trở về đất mẹ. Trong phòng lưu niệm vẫn còn lưu giữ tấm ảnh con tàu Giang Cảnh đã đưa bác Tôn về Cù lao Ông Hổ ngay sau khi miền Nam được giải phóng. Đặc biệt, chiếc máy bay mang số hiệu YAK-40 chở bác Tôn về TP Hồ Chí Minh dự đại lễ mừng thống nhất đất nước cũng được trưng bày tại đây. Chung quanh bảo tàng là những hình ảnh và di vật minh chứng cho những chặng đường lịch sử hoạt động cách mạng của cuộc đời Chủ tịch Tôn Đức Thắng.

Đi chợ nổi Long Xuyên.

Đi chợ nổi Long Xuyên.

Chúng tôi bất ngờ dừng chân trước tấm hình lớn in bài thơ “Bài ca Hắc Hải” của cố thi sĩ Nguyễn Đình Thi viết về cuộc đời của bác Tôn. Đây là hình ảnh tráng lệ về người anh hùng Tôn Đức Thắng trong cuộc khởi nghĩa của các thủy thủ trên chiến hạm Paris. Câu chuyện xảy ra ở cảng biển Ô đét xa vào năm 1918 khi mọi người lên tiếng ủng hộ Cách mạng tháng mười Nga. Khi ấy thủy thủ Tôn Đức Thắng là thợ sửa chữa đầu máy. Anh đã dũng cảm leo lên cột tàu để treo cờ cách mạng biểu thị ý chí cách mạng và lòng yêu nước khao khát giải phóng dân tộc.

Bài thơ của Nguyễn Đình Thi đã đi sâu vào lòng người đọc ngay cả khi chúng tôi còn là học sinh phổ thông cũng đã được học. Cho dù năm tháng đã đi xa nhưng bài thơ vẫn vang lên ở đâu đó và ngay cả lúc này trên Cù lao Ông Hổ: “Hạ hết những lá cờ chết chóc/ Đời xích xiềng đạp xuống biển khơi/ Những con mắt từ nay thôi khóc/ Kéo lên cờ Cách mạng tháng Mười”. Và hình ảnh thủy thủ Tôn Đức Thắng lừng lững trên biển khơi: “Anh chạy tới cột cờ cao nhất/ Anh băng mình thoăn thoắt leo nhanh/ Bóng anh trên trời sâu hút/ Giữa gió gầm lồng lộng vùng quanh”.

Thương em thương tiếng rao mời

Chợ nổi Long Xuyên cũng xuất phát từ bến Ô Môi kéo dài chừng hai cây số. Sau khi rời chùa Ông Hổ chúng tôi chia nhau theo các ghe nhỏ xuống bến. Chợ nổi Long Xuyên khác hẳn những chợ nổi miền Tây khác ở sự chậm rãi và luôn vang vọng những câu hò điệu lý. Người lái đò cho chúng tôi là chị Nhung luôn nở nụ cười và hồn nhiên cất tiếng hát. Những tàu hàng lớn chất đầy dừa và chuối náo nức vận chuyển xuống các thuyền nhỏ. Họ bán mua rả rích cả mấy ngày mới hết hàng.

Ngay cả những chàng thương hồ cũng mau miệng đối lại những câu hò trên sông nước Hậu Giang. Từ Cù lao Ông Hổ chúng tôi đã nghe một giọng hò cất lên ngọt lịm: “Hò ơ…Long Xuyên nước ngọt gió hiền/ Tàu xuôi Nam Hải ngược miền Nam Vang/ Thương hồ chiếc dọc chiếc ngang/ Tiếng rao lảnh lót nhịp nhàng chèo khua”. Thế là chị Nhung bất ngờ đối lên mấy lời: “Em về em dọn một bữa cơm, để người quân tử, hò ơ…/ Để người quân tử ăn còn nhớ quê”.

Lúc này tôi mới chợt nhớ vì sao mà cố thi sĩ Trịnh Bửu Hoài (nguyên Chủ tịch Hội văn nghệ An Giang) đã từng viết: “An Giang ơi/ Chưa qua đã nhớ/ Điên điển vàng/ Rực một bến sông/ Hoa như cánh bướm về tương ngộ/ Với mùa nước nổi/ Chạm mênh mông” (An Giang). Ai nấy đều hòa trong tiếng chào mời đon đả. Chị Nhung chèo đò lướt qua những con tàu bồng bềnh trên sóng nước. Tiếng hò lảnh lót vang lên đầu từ mũi thuyền từ phía xa: “Miền Tây chín nhánh sông dài/ Long Xuyên chợ nổi nhớ hoài ai ơi/ Thương em thương tiếng rao mời/ Hậu Giang lấp lánh nụ cười chín cây”. Cứ thế chúng tôi lặng đi ngắm những “nụ cười chín cây” đang bủa vây như quăng lên một tấm lưới sáng lấp lánh trên sông Hậu Giang.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/pha-xuoi-cu-lao-ong-ho-i709424/