PGS.TS.Bác sĩ Hoàng Bùi Hải: Hai việc cần làm ngay khi phát hiện người bị đột quỵ

Theo PGS.TS.BS Hoàng Bùi Hải, Trưởng Khoa Hồi sức - Cấp cứu, Trưởng Đơn vị Đột quỵ, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, hai việc cần thực hiện ngay lập tức khi phát hiện một người có dấu hiệu đột quỵ là sơ cứu ban đầu và gọi đội cấp cứu ngoại viện để chuyển bệnh nhân tới bệnh viện càng sớm càng tốt.

Theo Hội đột quỵ thế giới, mỗi năm, thế giới có hơn 12,2 triệu ca đột quỵ, trong đó hơn 16% xảy ra ở người trẻ từ 15 đến 49 tuổi. Cùng với đó, mỗi năm có tới 6,5 triệu ca tử vong do căn bệnh này với hơn 6% trong số đó là người trẻ. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 ca bệnh đột quỵ, khoảng 50% trong số đó tử vong. Con số này vẫn đang có chiều hướng gia tăng.

Đột quỵ là căn nguyên gây tử vong đứng hàng thứ hai và nguyên nhân gây tàn phế đứng hàng thứ ba trên toàn thế giới. Nhiều người dù sống sót sau cơn đột quỵ, nhưng phải chịu các di chứng nặng nề, tàn phế vĩnh viễn, thậm chí mất khả năng lao động.

Báo Đại biểu Nhân dân đã có trao đổi với PGS.TS.BS Hoàng Bùi Hải, Trưởng Khoa Hồi sức - Cấp cứu, Trưởng Đơn vị Đột quỵ, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội để tìm hiểu rõ hơn về đột quỵ, nguy cơ dẫn tới đột quỵ, cũng như cách xử trí khi phát hiện người đang bị đột quỵ.

PGS.TS.BS Hoàng Bùi Hải, Trưởng Khoa Hồi sức - Cấp cứu, Trưởng Đơn vị Đột quỵ, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (Ảnh: Xuân Quý)

Đột quỵ là tình trạng xảy ra rất nhanh và bất ngờ

- Thưa PGS.TS.BS Hoàng Bùi Hải. Bác sĩ có thể cho biết bệnh đột quỵ là gì và nguyên nhân gây ra căn bệnh này?

PGS.TS.BS Hoàng Bùi Hải: Chúng ta nghe đến tên gọi “đột quỵ” thì có thể biết đây là tình trạng xảy ra rất nhanh và bất ngờ. Đột quỵ liên quan đến hệ thần kinh trung ương, xảy ra khi có sự thiếu hụt chức năng của hệ thần kinh trung ương. Tất cả những hoạt động của con người như suy nghĩ, nói hay vận động đều có liên quan đến chức năng thần kinh trung ương.

Trước đây, khi nhắc tới đột quỵ, chúng ta hay nói về vấn đề của tim, nhưng ngày nay người ta tập trung vào vấn đề của não, với 2 thể đột quỵ là xuất huyết não và nhồi máu não. Trong đó, nhồi máu não thường gặp nhiều hơn.

Nguyên nhân sơ bộ của đột quỵ là do sự thiếu oxy lên cung cấp cho các tế bào não trên hệ thần kinh trung ương.

Nguyên nhân sâu xa là do tắc nghẽn mạch máu dẫn máu từ động mạch từ tim lên các động mạch lớn, lên động mạch não; hoặc do chảy máu, các mạch máu trong não bị vỡ và chảy máu vào các mô não. Tất cả đều dẫn đến hậu quả là không thể cung cấp được oxy và dưỡng chất cho các tế bào não, gây ra những triệu chứng của đột quỵ.

Quy tắc FAST nhận biết sớm đột quỵ

- Dấu hiệu nào để chúng ta nhận biết cơn đột quỵ đang đến, thưa bác sĩ?

PGS.TS.BS Hoàng Bùi Hải: Đột quỵ rất dễ nhận biết và đại đa số trường hợp đột quỵ biểu hiện rất điển hình. Chúng ta thấy một người đang bình thường, tiếp xúc được bằng mắt, bằng giao tiếp, bằng hành động bỗng trở nên thiếu hụt những chức năng như vậy, đó là dấu hiệu nhận biết đột quỵ.

Để nhận biết sớm hơn, chính xác hơn những bệnh nhân đột quỵ, chúng ta có thể dựa vào quy tắc FAST. Trong đó:

F (FACE): Miêu tả sự biến đổi của khuôn mặt. Bệnh nhân có thể liệt một bên mặt dẫn tới mặt lệch một bên; một số người có thể bị méo miệng; rơi vãi thức ăn, nước ra ngoài khi ăn uống.

A (ARM): Bệnh nhân có thể yếu hẳn một bên người (cả tay và chân); có người chỉ yếu tay hoặc yếu chân; một số trường hợp chỉ xuất hiện dấu hiệu tê một bên người.

S (SPEECH): Bệnh nhân khó nói, phát âm không rõ, có khi nói trống không; nặng hơn có thể không hiểu được lời nói, câu hỏi của người đối diện và không trả lời được.

Đây là 3 dấu hiệu rất quan trọng. Bên cạnh đó, còn có những dấu hiệu khác không điển hình như đột nhiên mờ đi một mắt hoặc nôn, buồn nôn, đau đầu,…

T (TIME): Khi xuất hiện đột ngột các triệu chứng trên, cần càng nhanh càng tốt, phải đưa bệnh nhân vào bệnh viện. Mặt khác, chữ T ở đây cũng có nghĩa, đột quỵ có thể xảy ra bất cứ lúc nào: khi chúng ta đang làm việc, hay đang ngủ giữa ban đêm,…

Như tôi đã nhấn mạnh, đột quỵ xảy ra rất đột ngột, bất thình lình, khi mạch máu bị lấp đầy bởi cục huyết khối, bởi mảng xơ vữa hay động mạch bị vỡ ra.

Tuy nhiên, một số trường hợp có thể có những dấu hiệu báo trước, điển hình như tình trạng tai biến mạch máu não thoáng qua. Người bệnh có thể đột nhiên thấy yếu nửa người, rối loạn về mặt ngôn ngữ hoặc có những triệu chứng rất nhẹ, nhanh chóng qua đi nên không để ý.

Tuy nhiên, đây là dấu hiệu cảnh báo rất quan trọng, giúp người bệnh hiểu được mình đang có vấn đề và cần đến gặp bác sĩ. Các trường hợp bị tai biến mạch não thoáng qua, nếu không được can thiệp và điều trị sớm có thể dẫn đến đột quỵ thực sự và khi đã bị đột quỵ thực sự thì có thể rất nặng.

PGS.TS.BS Hoàng Bùi Hải trong chương trình Tư vấn sức khỏe về bệnh đột quỵ, do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức (Ảnh: Quốc Việt)

Xử lý thế nào khi phát hiện một người bị đột quỵ?

- Bác sĩ có thể đưa ra lời khuyên, khi phát hiện một người rơi vào tình trạng đột quỵ, chúng ta cần xử lý như thế nào?

PGS.TS.BS Hoàng Bùi Hải: Như tôi đã nói, chúng ta có thể nghĩ đến một người đang bị đột quỵ khi họ đột nhiên rơi vào tình trạng rối loạn ý thức, không tỉnh táo hoàn toàn hay có thể bị liệt nửa người, liệt mặt, nói chuyện ú ớ,…

Đột quỵ có nhiều mức độ khác nhau. Có những người bệnh đột quỵ hôn mê ngay lập tức, thậm chí ngừng tim, ngừng thở. Đây là trường hợp nặng nhất. Với trường hợp này, việc đầu tiên chúng ta cần ưu tiên thực hiện là cấp cứu ngừng tuần hoàn, ép tim (đặt tay giữa ngực bệnh nhân, ép tim, kết hợp thổi ngạt).

Tuy nhiên, đại đa số trường hợp đột quỵ không ở mức nặng nhất như trên. Bệnh nhân có thể liệt nửa người, vẫn có thể nói chuyện nhưng không rõ tiếng, vẫn hít vào - thở ra một cách bình thường. Đây là trường hợp khá thường gặp.

Với những bệnh nhân này, chúng ta phải ngay lập tức đỡ bệnh nhân nằm xuống với tư thế an toàn. Ví dụ, người bệnh có thể gục trên ghế, gục trên bàn hoặc gục bên vệ đường. Cần nhanh chóng đưa họ ra nơi an toàn, thoáng đãng, nền phẳng và cho nằm trong tư thế nằm nghiêng một bên, đầu kê cao.

Tư thế nằm nghiêng an toàn là quan trọng nhất, bởi khi bị đột quỵ, rối loạn ý thức, bệnh nhân có thể nôn, những chất nôn này có nguy cơ làm bít tắc đường thở. Bên cạnh đó, động tác nằm nghiêng cũng làm cho đường thở thông thoáng, tránh cho người bệnh bị suy hô hấp. Tình trạng suy hô hấp sẽ khiến tổn thương đột quỵ nặng hơn rất nhiều, thậm chí bệnh nhân có thể tử vong trước khi đến đến bệnh viện. Do đó, sơ cứu ban đầu là công việc quan trọng bậc nhất.

Lưu ý, sau khi người bệnh nôn, chúng ta có thể hỗ trợ móc miệng, làm sạch đờm dãi để đường thở bệnh nhân thông thoáng.

Song song với sơ cứu, chúng ta phải nhanh chóng gọi đội cấp cứu ngoại viện - số 115. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 10 tỉnh, thành phố đã có đơn vị cấp cứu ngoại viện, đặc biệt là những thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.

Nhân viên 115 sẽ chuẩn bị phương tiện y tế phù hợp và lựa chọn bệnh viện có thể chẩn đoán và điều trị đột quỵ phù hợp nhất để đưa người bệnh đi cấp cứu.

Chúng tôi hy vọng rằng, với Luật Khám, chữa bệnh có hiệu lực từ mùng 1.1. 2024, hệ thống cấp cứu ngoại viện của chúng ta sẽ phát triển rộng rãi trên toàn quốc và tất cả người dân ở các vùng, kể cả khu vực nông thôn, hải đảo xa xôi cũng được tiếp cận với dịch vụ cấp cứu ngoại viện.

Việc bệnh nhân đột quỵ được đưa vào bệnh viện có trang bị chẩn đoán và điều trị đột quỵ cấp càng sớm càng tốt rất quan trọng. Đội cấp cứu ngoại viện sẽ biết bệnh viện nào trong mạng lưới có thể làm được việc đó. Hơn nữa, nhân viên y tế 115 hoàn toàn có thể hỗ trợ đảm bảo chức năng sống cho người bệnh trong quá trình vận chuyển.

- Trên thực tế, một số người khi phát hiện người thân của mình có biểu hiện đột quỵ đã tìm đến những bài thuốc truyền miệng hay thực hiện những phương pháp như chích máu đầu ngón tay, xoa dầu, bấm huyệt nhân trung,… Bác sĩ có khuyến cáo gì về việc này?

PGS.TS.BS Hoàng Bùi Hải: Tôi nhấn mạnh rằng, 2 việc cần thực hiện ngay lập tức khi phát hiện một người có dấu hiệu đột quỵ là sơ cứu và gọi đội cấp cứu ngoại viện để chuyển bệnh nhân tới bệnh viện càng sớm càng tốt.

Còn lại, những việc như chúng ta cố gắng đo huyết áp người bệnh xem có cao không, hay dùng những thuốc truyền miệng, những thuốc không được bác sĩ khuyến cáo, những thuốc trôi nổi trên thị trường; thực hiện chích máu đầu ngón tay, xoa dầu, bấm huyệt nhân trung hay tất cả những biện pháp truyền miệng dân gian khác mà không từ khuyến cáo của bác sĩ thì đều không nên làm.

Điều quan trọng nhất là làm sao người bệnh đột quỵ phải đến được cơ sở y tế có thể chẩn đoán và điều trị bệnh lý đột quỵ. Bởi cứ mỗi phút trôi qua, ở người bệnh đột quỵ sẽ có khoảng 2 triệu nơron thần kinh bị chết đi, mà nơron thần kinh một khi đã chết đi thì khả năng hồi phục lại rất hạn chế.

Những tế bài khác có thể được hình thành để thay thế, nhưng chúng cần một thời gian rất dài để được “huấn luyện” - để giữ được chức năng vốn có. Và một người bệnh đột quỵ có lẽ không đủ “kiên nhẫn” 30 năm nữa để cho những tế bào phục hồi hoàn toàn!

- Xin cảm ơn PGS.TS.BS Hoàng Bùi Hải đã chia sẻ!

Nguyễn Liên - Quốc Việt - Xuân Quý

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/suc-khoe/pgs-ts-bac-si-hoang-bui-hai-hai-viec-can-lam-ngay-khi-phat-hien-nguoi-bi-dot-quy-i355788/