PCI đã trở thành thương hiệu của Quảng Ninh

Với chặng đường 6 năm liên tiếp dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Quảng Ninh đã thực sự tạo nên một thương hiệu của niềm tin với cộng đồng doanh nghiệp. Đó chính là sức hút để các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với tỉnh.

Quảng Ninh nhận Cúp và Chứng nhận PCI năm 2022 với vị trí số 1 Ảnh: Đỗ Phương

Quảng Ninh nhận Cúp và Chứng nhận PCI năm 2022 với vị trí số 1 Ảnh: Đỗ Phương

Xây nền móng từ nhận thức

Trong giai đoạn trước năm 2012, tỉnh Quảng Ninh chỉ nằm trong nhóm trung bình khá cả nước về xếp hạng Chỉ số PCI. Thời điểm đó, công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh chưa được xem là một trong các ưu tiên hàng đầu.

Để cải thiện tình hình này, Quảng Ninh đã thành lập mô hình Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư (IPA) với chức năng là đầu mối về công tác theo dõi, cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp. Ngay sau khi thành lập, Ban đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh nhiều sáng kiến để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút mạnh mẽ nguồn đầu tư ngoài ngân sách cho phát triển kinh tế.

Báo cáo PCI do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố những năm gần đây cho thấy, cộng đồng kinh doanh tại tỉnh Quảng Ninh ghi nhận những nỗ lực của chính quyền, khi Quảng Ninh liên tục nằm trong nhóm 5 tỉnh/thành phố có kết quả PCI cao nhất cả nước giai đoạn 2013-2016, dẫn đầu cả nước giai đoạn 2017-2022 và trở thành thương hiệu về một điểm đến đầu tư an toàn, thuận lợi, minh bạch, hấp dẫn và thành công.

Ngoài những yếu tố khách quan như vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, thì chính sách thuận lợi, thông thoáng luôn là một trong những yếu tố được các nhà đầu tư đặt lên hàng đầu mỗi khi lựa chọn điểm “đặt chân”. Tỉnh Quảng Ninh đã và đang làm rất tốt điều này.

Chỉ có điểm bắt đầu, không có điểm kết thúc, chỉ có nhìn về phía trước để tiến lên; không tự chủ quan, tự thỏa mãn, chủ động nhận diện những khó khăn, thách thức để tìm cách giải quyết. Chúng tôi cam kết tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi, thông thoáng để các nhà đầu tư, doanh nghiệp hoạt động. Chính quyền đồng hành với nhà đầu tư với phương châm “Thành công của các bạn cũng là thành công của chúng tôi".

Ông Cao Tường Huy, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh

Thực ra, khi Quảng Ninh vượt qua Đà Nẵng để lần đầu giành ngôi vương PCI năm 2017 cũng không quá bất ngờ. Ở Bảng xếp hạng năm 2016, Quảng Ninh đứng thứ hai với 65,6 điểm, nằm trong nhóm điều hành rất tốt. Ngay thời điểm đó, ông Đậu Anh Tuấn, Giám đốc Dự án PCI, Trưởng ban Pháp chế VCCI và nhóm chuyên gia PCI đã rất hào hứng chia sẻ về những sáng tạo và quyết tâm rất lớn của Quảng Ninh trong nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh.

Các năm sau đó, Quảng Ninh đều có những chính sách đổi mới để liên tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Năm 2017, Quảng Ninh đã ghi điểm với quyết định lập trang fanpage DDCI Quảng Ninh trên mạng xã hội Facebook. Năm 2018, Quảng Ninh đưa chỉ số SIPAS (kết quả điều tra đánh giá sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước) vào bộ chỉ số cải cách hành chính. Còn trong PCI 2019, điểm sáng của tỉnh là ứng dụng công nghệ thông tin, theo đó, Quảng Ninh đã vận hành Trung tâm Điều hành thành phố thông minh, với việc đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu giữa các ngành, các cấp…

Đặt áp lực phải hành động liên tục tới từng vị trí công việc trong bộ máy chính quyền là cơ sở để Quảng Ninh liên tục tự phá kỷ lục của chính mình trong PCI. Năm 2020, lần đầu tiên, Quảng Ninh đạt được điểm số 75,09 và là địa phương duy nhất trong 63 tỉnh, thành phố vượt qua mốc 75 điểm trong kết quả PCI, mức điểm cao nhất của PCI kể từ năm 2010 đến nay.

Khẳng định một thương hiệu

Phát biểu tại lễ công bố Chỉ số PCI 2022, ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh vui mừng chia sẻ: “Quảng Ninh một lần nữa vinh dự, tự hào và vô cùng phấn khởi khi tiếp tục nhận được ‘tập hợp tiếng nói khách quan’, niềm tin, sự ghi nhận, đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp đối với những nỗ lực cải cách, đổi mới, sáng tạo không ngừng nghỉ của chính quyền địa phương”.

Phải nhấn mạnh rằng, Quảng Ninh không chỉ là địa phương duy nhất trong cả nước có 6 năm liên tiếp (từ năm 2017 đến năm 2022) giữ vị trí quán quân PCI, mà còn có 10 năm liền (từ năm 2013 đến năm 2022) nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước. Duy trì tính liên tục trong suốt 10 năm qua, chỉ số PCI của Quảng Ninh hàm chứa trong đó là lòng tin chiến lược của nhà đầu tư, của doanh nghiệp.

Đối với Quảng Ninh, chỉ số PCI có ý nghĩa rất quan trọng trong thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững, bởi trong suốt một thập kỷ qua cũng là giai đoạn tỉnh Quảng Ninh thực hiện thành công các đột phá, phát triển toàn diện, ổn định. Trong đó, liên tục trong 7 năm (2016 - 2022) có tốc độ tăng trưởng GRDP đạt trên 10%, riêng năm 2022 tăng trưởng GRDP đạt 10,28%, quy mô GRDP của tỉnh đạt gần 270.000 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người đạt trên 8.200 USD (cao nhất ở khu vực phía Bắc). Tổng thu ngân sách nhà nước, nhất là thu nội địa luôn đứng trong top đầu cả nước.

Chính vì vậy, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh đã nhấn mạnh trên thảm đỏ PCI 2022 rằng, việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh chỉ có điểm bắt đầu, không có điểm kết thúc.

Từ năm 2015, Quảng Ninh là một trong những tỉnh đầu tiên triển khai mô hình Cà phê doanh nhân. “Điều này đã tạo ra một không gian cởi mở ngoài vách kính của văn phòng công sở, giúp doanh nghiệp thẳng thắn đề đạt ý kiến, cơ quan quản lý trực tiếp nghe các thắc mắc của doanh nghiệp mà không cần qua các thủ tục hành chính có thể kéo dài cả tuần”, ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Ninh nhận định.

Bên cạnh chương trình Cà phê doanh nhân, tỉnh thường xuyên tổ chức hội nghị gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp dưới nhiều hình thức. Từ đây, những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp liên quan đến các lĩnh vực xuất nhập khẩu, đất đai, nông nghiệp, thuế, tiếp cận nguồn vốn... sẽ kịp thời được chuyển tới các cơ quan quản lý nhà nước.

Ngoài tổ chức gặp gỡ, đối thoại với doanh nhân, doanh nghiệp, các ngành chức năng của tỉnh còn làm tốt nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thông tin về thị trường, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ và đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp thuộc thế mạnh của tỉnh; tăng cường hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực nhằm nâng cao trình độ quản lý sản xuất, kinh doanh…

Đặc biệt, việc tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch rất được công đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Ông Ngô Hùng Dũng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp thị xã Quảng Yên khẳng định: “Tại Quảng Ninh, tôi thấy cơ hội kinh doanh và thành công giữa doanh nghiệp nội - ngoại là như nhau. Chỉ cần các doanh nghiệp có đủ khả năng và nguồn lực thì cơ hội luôn được chia đều”.

Để thương hiệu lan tỏa mãi

Kết quả PCI của Quảng Ninh cao, song vẫn cho thấy còn nhiều điều mà cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục kỳ vọng sự cải thiện mạnh mẽ từ các sở, ban, ngành và địa phương. Đơn cử, việc tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, vấn đề chi phí không chính thức vẫn là thách thức không nhỏ và cần giải quyết tốt hơn những khó khăn, kiến nghị của doanh nghiệp...

Ngoài ra, cộng đồng doanh nghiệp ngày càng có yêu cầu cao hơn đối với chất lượng dịch vụ từ phía cơ quan công quyền. Vì vậy, trong thời gian tới, các địa phương, các sở, ban, ngành cần tiếp tục tăng cường hiệu quả sự tương tác giữa chính quyền và doanh nghiệp. Đồng thời hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị, trách nhiệm xã hội để hướng tới xây dựng thương hiệu Quảng Ninh gắn với môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, phát triển bền vững.

Năm 2022 cũng là năm đầu tiên VCCI và Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cùng các đối tác tư nhân giới thiệu và công bố chỉ số PGI. Đây là bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh như: mức độ ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của các doanh nghiệp; trình độ quản trị và ứng xử với môi trường của doanh nghiệp; mức độ quan tâm, sẵn sàng đầu tư về vấn đề môi trường của chính quyền địa phương và nhiều vấn đề môi trường quan trọng khác. Theo kết quả công bố PGI năm đầu tiên, tỉnh Quảng Ninh nằm trong top 5 tỉnh có thứ hạng cao nhất.

Như vậy, có thể thấy, tỉnh Quảng Ninh đã và đang quan tâm hơn tới phát triển kinh tế gắn với việc thúc đẩy hệ sinh thái kinh doanh thân thiện với môi trường, định hướng các nhà đầu tư có ý thức bảo vệ môi trường.

Năm 2023, hoạt động điều hành kinh tế địa phương đứng trước những thách thức to lớn. Tình hình kinh tế toàn cầu nhiều bất ổn, tác động nhiều mặt tới Việt Nam, trong đó doanh nghiệp là đối tượng chịu tác động trực tiếp.

Trong điều kiện bất lợi ấy, cộng đồng doanh nghiệp tại Quảng Ninh vững tin khi chính quyền tỉnh và các địa phương luôn đi sâu đi sát, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp. Các lãnh đạo tỉnh liên tục có chuyến đi thực tế tại công trường dự án, thẳng thắn nhận trách nhiệm và có lời giải ngay tại các hội nghị gặp gỡ, đối thoại…

Hạ An

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/pci-da-tro-thanh-thuong-hieu-cua-quang-ninh-d201731.html