PAPI 2023: 'Mức điểm khiêm tốn và không có nhiều thay đổi đáng kể'

Chuyên gia đánh giá chỉ số PAPI năm 2023 không có nhiều thay đổi, mức điểm khiêm tốn.

Hội nghị Báo cáo PAPI 2023 (Ảnh: UNDP)

Ngày 2/4, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng (CECODES), Công ty Phân tích thời gian thực (RTA) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, phối hợp tổ chức công bố Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2023.

Trong chương trình công bố báo cáo hôm nay, PAPI đã đưa ra những kết quả cấp tỉnh trong năm 2023 ở 8 chỉ số nội dung bao gồm: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Thủ tục hành chính công; Cung ứng dịch vụ công; Quản trị môi trường và Quản trị điện tử.

Toàn cảnh lễ công bố chỉ số PAPI 2023. (Ảnh: UNDP)

So với năm 2022, Hà Nội giảm 4 bậc, có 1/8 chỉ số bị giảm điểm là chỉ số Quản trị môi trường; 2/8 chỉ số tăng điểm gồm chỉ số tham gia của người dân ở cấp cơ sở và chỉ số quản trị điện tử và 5 chỉ số còn lại “dậm chân tại chỗ”.

Theo báo cáo, năm 2023, tỉnh Thừa Thiên Huế đứng đầu trong bảng xếp hạng về chỉ số tổng hợp PAPI với số điểm tổng hợp là 46.0415 điểm.

Xếp sau đó là Thái Nguyên với 45.7875 điểm, tiếp theo là Bắc Ninh 45.7047 điểm; Sóc Trăng 45.6169 điểm; Bạc Liêu 45.784 điểm; Hà Tĩnh 45.4291 điểm; Ninh Thuận 45.5054 điểm... Tỉnh đứng cuối cùng là Đắk Nông với 38.9711 điểm.

Nhìn chung, chất lượng quản trị và hành chính công tại các tỉnh, thành phố phía Bắc và miền Trung có xu hướng được người dân đánh giá cao hơn so với các tỉnh, thành phố ở phía Nam.

Trong số 15 tỉnh, thành phố thuộc nhóm “cao”, 5 địa phương thuộc vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung và 4 địa phương thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng.

Trong số 16 tỉnh, thành phố thuộc nhóm “thấp”, 7 địa phương thuộc Đồng bằng sông Cửu Long và 3 địa phương thuộc vùng Tây Nguyên.

Đại biểu tại lễ công bố chỉ số PAPI 2023. (Ảnh: UNDP)

Đặc biệt, trong năm vừa qua, chỉ số nội dung 8 “Quản trị điện tử” có mức độ cải thiện đáng kể nhất. Điều này cho thấy những nỗ lực của Chính phủ nói chung và các địa phương nói riêng nhằm phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số và công dân số. Qua đó, khẳng định được những kết thành công của Chính phủ sau khi ban hành Quyết định số 06/QD-TTg và Nghị định số 42/2022/ND-CP.

TS Đặng Hoàng Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển hỗ trợ cộng đồng (CECODES) đã thay mặt nhóm nghiên cứu PAPI 2023 đưa ra nhận định: “Tính trên thang điểm 80, mức điểm chúng ta đạt được chỉ là từ khoảng 40 đến 50 điểm. Trong cả 8 lĩnh vực nội dung, khoảng cách tới điểm 10 còn rất xa. Tôi đánh giá mức điểm này còn khá khiêm tốn và không có nhiều thay đổi đáng kể trong năm qua".

TS Đặng Hoàng Giang phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: UNDP)

Ông Giang còn nói thêm: “Tôi mong qua kết quả PAPI lần này có thể giúp các chính quyền địa phương “soi lại chính mình”, từ đó xác định ưu tiên cải thiện và giao trách nhiệm cụ thể tới các cấp huyện, xã nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và giúp mức độ hài lòng của người dân được tăng cao hơn.”

Xuân Nhi

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/papi-2023-muc-diem-khiem-ton-va-khong-co-nhieu-thay-doi-dang-ke-post677789.html