'Oppenheimer của Thung lũng Silicon' với tham vọng thay đổi quân sự Mỹ

Sau thành công với dự án Oculus Rift, doanh nhân công nghệ Palmer Luckey cùng startup công nghệ Anduril Industries đang từng bước thâm nhập vào cỗ máy quốc phòng của Mỹ.

Nếu nhìn từ mặt đất, với phần thân máy bay mảnh và sải cánh kéo dài trông như rộng gấp đôi chiều dài, máy bay không người lái Altius-600M như một cây thánh giá màu đen đang bay trên bầu trời.

Bên trong thứ vũ khí này chính là sự pha trộn giữa kim loại và mạch điện, một minh chứng rõ ràng và đáng ngại cho tham vọng nâng cấp chiến tranh.

Altius-600M chính là một trong những vũ khí sử dụng AI đầu tiên được Mỹ triển khai ở các chiến trường.

Ngôi sao của ngành vũ khí

Theo Financial Times, chính phủ Mỹ đã mua hàng trăm chiếc Altius-600M từ startup công nghệ quốc phòng Anduril Industries như một phần trong gói viện trợ quân sự cho Ukraine.

Kể từ khi thành lập vào năm 2017, Anduril Industries đã chế tạo và bán cho Lầu Năm Góc hàng chục hệ thống vũ khí và phòng thủ tự động.

Palmer Luckey và Roadrunner - tên lửa đầu tiên trên thế giới có thể quay về khi tấn công hụt mục tiêu. Ảnh: Bloomberg.

Chính điều này đã giúp Anduril Industries thâm nhập thành công vào cỗ máy quốc phòng trị hàng nghìn tỷ USD của chính phủ Mỹ, vốn đã bị thống trị trong nhiều thập kỷ qua bởi các nhà thầu như Lockheed Martin và Raytheon.

Palmer Luckey, doanh nhân công nghệ và đồng sáng lập Anduril là cái tên không hề xa lạ ở Thung lũng Silicon.

Năm 2012, Palmer Luckey kêu gọi góp vốn cho dự án Oculus Rift trên Kickstarter. Sản phẩm sở hữu màn hình màu, cảm biến theo dõi chuyển động với ngoại hình công thái học. Thiết bị thu hút 10.000 người đóng góp với số tiền 2,4 triệu USD.

Chiến dịch này là tiền đề cho việc Facebook mua lại Oculus vào năm 2014 với giá 2 tỷ USD. Khi đó, Luckey mới 21 tuổi. Ngay năm tiếp theo, hình ảnh của Luckey đã xuất hiện trên trang bìa tạp chí Time.

Oculus Rift chính là bước ngoặt công nghệ khi góp phần đưa khái niệm thực tế ảo trở nên phổ biến, gần gũi với mọi người. Nói cách khác, Luckey đã thay đổi quỹ đạo của Facebook, một trong những công ty lớn nhất thế giới theo hướng metaverse.

Thậm chí, phát minh của CEO công nghệ 31 tuổi cũng chính là mô hình nền tảng, thúc đẩy các loại kính thực tế như Vision Pro mới ra mắt gần đây của Apple.

Sau thành công đầu tiên với Oculus Rift, Luckey bắt đầu cuộc hành trình mới với công ty phát triển công nghệ sản phẩm quốc phòng Anduril.

Một trong những nhà đầu tư chính của dự án này là Peter Thiel - người giàu lên nhờ đồng sáng lập PayPal cùng Elon Musk và là một trong những nhà đầu tư sớm nhất vào Facebook.

Luckey chính là người đã bán Oculus, công ty thiết bị VR, cho Facebook với giả 2 tỷ USD năm 2014. Ảnh: New York Times.

Chỉ mới thành lập được vài tháng, Anduril đã chiến thắng lớn đầu tiên khi giành được hợp đồng cung cấp công nghệ kiểm soát biên giới ở các bang như Texas và California, bao gồm camera an ninh và cảm biến hồng ngoại tích hợp AI để theo dõi chuyển động.

Những xung đột ở Ukraine và Trung Đông, cùng mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc và Nga, đã đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa năng lực quân sự của phương Tây.

Năm 2021, Trung Quốc bắt đầu thử nghiệm vũ khí siêu thanh – loại đạn có khả năng di chuyển với tốc độ gấp 5 lần tốc độ âm thanh. Đây được xem như một mối đe dọa đáng kể, đồng thời cũng là thể hiện rằng tiến bộ công nghệ đã khiến Mỹ bị bỏ xa.

Đến lúc này, Thung lũng Silicon đã bị kéo trở lại trung tâm của nền công nghiệp quốc phòng và Luckey cùng Anduril chính là vị cứu tinh của giới công nghệ.

Công nghệ hóa chiến tranh

Ngày 28/1, 3 quân nhân Mỹ đã thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương trong cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào một căn cứ ở Jordan.

Các báo cáo ban đầu cho thấy máy bay không người lái đã thành công xâm nhập vào căn cứ của Mỹ mà không bị bất ngờ công nghệ phòng thủ nào phát hiện.

Bên trong trụ sở chính của Anduril. Ảnh: Wired.

Luckey tỏ vẻ bực tức vì điều này. Theo vị CEO, công nghệ của Anduril tiên tiến, có thể sản xuất nhanh và rẻ hơn so với những thứ được chế tạo bởi các nhà thầu khác như Raytheon.

Niềm tin lớn lao và vững chắc vào sức mạnh của Luckey đã được truyền vào Anduril. Về cơ bản, mục tiêu của doanh nhân 31 tuổi là giúp cho Mỹ và các đồng minh gần như không thể bị tổn hại cũng như cung cấp vũ khí đủ mạnh để phủ đầu các đối thủ phải ngừng tấn công.

“Chúng tôi muốn xây dựng năng lực giúp Mỹ có khả năng nhanh chóng giành chiến thắng trong bất kỳ cuộc chiến nào”, Luckey nói.

Chính ý tưởng tương tự đã khiến Robert Oppenheimer phát triển bom nguyên tử. Các cuộc tấn công của Mỹ vào Hiroshima và Nagasaki đã kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai, giết chết hơn 100.000 người và vũ khí hạt nhân đã không được triển khai trong xung đột kể từ đó.

Vấn đề là 80 năm sau, để thực sự xác định được kết quả của một cuộc chiến, Mỹ không chỉ cần có công nghệ kết thúc chiến tranh mà còn phải thuyết phục đối thủ rằng họ sẵn sàng sử dụng nó. Đây cũng là lúc mà AI lên ngôi.

Tất cả công nghệ của Anduril đều có khả năng hoạt động gần như hoàn toàn không có người lái. Do đó, việc triển khai là tùy thuộc vào người điều khiển và các nhà hoạch định chính sách.

Công ty này cho biết họ có khả năng triển khai nền tảng trí tuệ nhân tạo, mang tên Lattice, ở các căn cứ quân sự Mỹ. Điều này có nghĩa là các sản phẩm của Anduril có thể giao tiếp với nhau và được cập nhật hệt như một chiếc smartphone để theo kịp những tiến bộ về công nghệ của kẻ thù.

Đây cũng là một phần lý do mà Luckey nói rằng hệ thống của Anduril tốt hơn so với các nhà thầu quân sự như Raytheon, vốn phải khởi động quy trình kéo dài nhiều năm gồm việc xác định các yêu cầu về công nghệ và mời thầu để phát triển các nguyên mẫu.

Cho đến năm 2019, kho vũ khí hạt nhân của Mỹ vẫn hoạt động dựa trên đĩa mềm. Trong khi công nghệ thương mại đang phát triển với tốc độ chóng mặt, khả năng phòng thủ của quốc gia lại tỏ ra lạc hậu.

Mục đích bán hàng của Anduril rất rõ ràng: Công nghệ hóa nền quốc phòng nước này. Ảnh: New York Times.

Mục đích bán hàng của Anduril rất rõ ràng: Công nghệ hóa nền quốc phòng nước này. Startup này tuyên bố rằng AI trong Tesla tốt hơn so với các phương tiện quân sự của Mỹ, trong khi sức mạnh tính toán của iPhone vượt trội hoàn toàn các hệ thống mà Bộ Quốc phòng sử dụng.

Thời kỳ hoàng kim của Netflix và Apple đã mang đến những công nghệ làm thay đổi cuộc sống người tiêu dùng. Tuy nhiên, đến phiên bản thứ 18 của iPhone, những điều mới mẻ dường như không còn đáng kể.

Thung lũng Silicon đang cạn kiệt những ý tưởng đột phá. Tuy nhiên, nếu mọi thứ đi đúng với tham vọng của Anduril, Thung lũng Silicon sẽ trở thành tài sản sức mạnh của Mỹ, còn Luckey một lần nữa lại viết nên một chương mới của thế giới công nghệ.

Anh Tuấn

Nguồn Znews: https://znews.vn/oppenheimer-cua-thung-lung-silicon-voi-tham-vong-thay-doi-quan-su-my-post1467564.html